Can thiệp không mong đợi

Các biện pháp cấm vận của châu Âu, Mỹ và kể cả Liên đoàn Ảrập vừa áp đặt với Syria tập trung phần lớn vào kinh tế, trong đó cấm mọi giao dịch làm ăn với Syria. Hơn thế nữa, các tập đoàn lớn thân với Tổng thống Assad cũng bị phong tỏa tài sản. Nhưng theo Bộ trưởng Thương mại và Kinh tế Syria Nidal al-Shaar, Syria sẽ vượt qua mọi cuộc cấm vận nhờ theo đuổi chính sách tự chủ.

Ngoài biện pháp cấm vận kinh tế, người ta lại chú ý đến một giải pháp tìm lối thoát khác cho Syria. Theo báo Yedioth Ahronoth của Israel số ra ngày 1-12, Mỹ và Nga đang xúc tiến kế hoạch theo kiểu Yemen.

Theo đó Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ chuyển giao quyền lực cho một người khác, đổi lại, ông sẽ được sang ngoại ô Mátxcơva sinh sống. Kế hoạch này tương tự như kế hoạch của Mỹ và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh nhằm buộc Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh ký vào bản chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống và ông Saleh cùng gia đình được miễn quyền truy tố. Phương Tây có vẻ hy vọng vào kịch bản này vì nó giúp họ không tốn nhiều chi phí cho bom đạn để lật đổ ông Assad.

Chưa rõ kế hoạch này có thành công hay không nhưng xem ra nó có thể vấp phải sự phản đối của lực lượng đối lập tại Syria. Hội đồng Dân tộc Syria, một tổ chức đối lập cho biết nhóm này đã đồng ý phối hợp với tổ chức quân đội Syria tự do gồm các tướng lĩnh ly khai nhằm chống lại Tổng thống Assad.

Vấn đề cốt lõi hiện nay, liệu ông Assad có chấp nhận kế hoạch này? Nga và Mỹ cũng từng có một kế hoạch tương tự tại Libya trước khi phương Tây lập vùng cấm bay. Khi đó, đặc phái viên Tổng thống Nga phụ trách châu Phi, ông Mikhail Margelov, cũng từng có nhiều chuyến đi con thoi nhằm gặp gỡ cả chính phủ của ông Gaddafi và lực lượng nổi dậy. Kết quả như thế nào đã rõ. Nhà lãnh đạo Libya Gaddafi và lực lượng đối lập chẳng ai chịu nhường ai.

Dù thế nào đi nữa, ông Assad cũng có hậu thuẫn từ Nga mạnh mẽ hơn so với nhà lãnh đạo Gaddafi trước đây khi Nga có quan hệ mật thiết về kinh tế với Damascus. Điều đó giải thích vì sao Nga đưa tàu chiến và cả xe tăng tới Syria. Một nguồn tin từ báo Daily Mail của Anh ngày 2-12 còn cho biết Nga thừa nhận đã chuyển giao tên lửa hành trình Yakhont cho chính phủ của Tổng thống Assad. Tên lửa siêu thanh chống tàu chiến này có khả năng bảo vệ bờ biển Syria trước các cuộc không kích từ biển.

Một lợi thế khác Tổng thống Syria Assad đang có, ông được Nga và Trung Quốc ủng hộ, ít nhất cho tới nay. Tất cả các nghị quyết lên án hay đòi siết chặt cấm vận Syria trình lên HĐBA LHQ đều bị hai thành viên thường trực này của HĐBA LHQ bác bỏ.

Lựa chọn kịch bản nào phụ thuộc vào lợi ích của các nước lớn. Một sự thật đáng buồn không những cho Syria mà ở phần lớn các nước trải qua các cuộc nổi dậy “Mùa xuân Ảrập”: người dân đã tạo nên cuộc cách mạng nhưng kết quả của cuộc cách mạng lại được sắp đặt từ bên ngoài và sự can thiệp như vậy không mang lại đổi thay như họ mong đợi. 

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục