Cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông nghiệp

Cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại nông nghiệp
Bánh tráng của HTX Bánh tráng Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, dù xuất khẩu nhưng ít được nhiều người biết. Ảnh: Đ.P.
Bánh tráng của HTX Bánh tráng Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, dù xuất khẩu nhưng ít được nhiều người biết. Ảnh: Đ.P.

Thời gian qua, việc mở lớp giúp nông dân  có kiến thức về xúc tiến thương mại nông nghiệp tuy có làm nhưng ít. Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp (HCACS) hợp tác với Công ty Metro Cash & Carry đã tổ chức các lớp tập huấn cho một số nông dân ở Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn; xây dựng chương trình đào tạo phục vụ xuất khẩu rau và hoa quả tươi (liên kết với CBI của Hà Lan) đã giúp nông dân kiến thức về xâm nhập thị trường châu Âu.

Theo HCACS, sắp tới sẽ mở các lớp chuyên về marketing, phân phối, tài chính, tổ chức hội chợ triển lãm và về GlobalGAP. Tại hội nghị sơ kết mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn khép kín xã Tân Quý Tây (Bình Chánh), bà con cho biết, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu nhiều thông tin thị trường, chưa được chứng nhận về sản phẩm an toàn nên đề xuất TP đẩy mạnh tuyên truyền thương hiệu sản phẩm rau an toàn, giúp nông dân làm rau sạch dễ tiêu thụ. Cũng như ý kiến của chị em tổ rau mầm quận 9, chưa có nhiều thông tin về mặt hàng này nên việc tiêu thụ khó khăn.

Hiện nay, thông tin về Nhật muốn nhập khẩu nhiều loại hoa của Việt Nam như lan, cành ghép, hoa tươi, trong đó có hoa sen là loại hoa mà Việt Nam có nhiều khả năng có thể đáp ứng đến được với nông dân còn rất ít. Việc xuất khẩu hàng hóa sang Nhật đâu chỉ là họ thích loại hoa nào mà còn tùy thuộc vào hàng rào kiểm dịch khắt khe… buộc nhà xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của cơ quan thẩm quyền và được phía Nhật công nhận. Hiện chỉ có một số rất ít nông dân có thể tìm kiếm thông tin thị trường trên mạng và qua đó quảng bá sản phẩm của mình.

Ông Tống Hữu Châu, người chuyên nuôi cá cảnh (quận 12); ông Võ Tấn Tài, chuyên về cây kiểng (quận 9)… được xem là khá thành công trong công tác xúc tiến thương mại (XTTM) bằng Internet.

Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm như “cô gái tráng bánh” của làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ chi), Trại lan Mokara Gia Huy, cá sấu Hoa Cà, thỏ Thanh Tâm, thỏ làng Ven… cũng là những hoạt động XTTM khá tích cực của nông dân ở TPHCM.

Các hoạt động như: Hội Hoa xuân TP, Lễ hội Trái cây Nam bộ tại Suối Tiên, Hội chợ Thương mại nông nghiệp nông thôn, Lễ hội Sinh vật cảnh TP và các phiên chợ giống cây trồng vật nuôi, vật tư thiết bị nông nghiệp, chợ cỏ, hội thi trái cây ngon… được mở ra để nông dân có dịp giới thiệu tiềm năng sản phẩm của mình và xúc tiến các hoạt động thương mại khác.

Hiện TP đã và đang tiến hành nhiều hoạt động XTTM nông nghiệp như thành lập Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TP), Trung tâm Hỗ trợ nông dân TP (thuộc Hội Nông dân TP), Xây dựng trung tâm giao dịch thủy sản Cần Giờ, triển khai dự án Trung tâm giao dịch triển lãm sản phẩm nông nghiệp ở Củ Chi, liên kết 4 nhà như Công ty Vinamilk, Công ty Giống cây trồng miền Nam, Cơ sở nuôi và chế biến da cá sấu quận 12.

Các tạp chí bản tin của các hội đoàn ngành nghề, chương trình phát thanh khuyến nông, diễn đàn nông dân, bản tin giá cả thị trường nông sản… thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong công tác XTTM nông nghiệp. Riêng hệ thống siêu thị Metro và Coop mart đã có 12 loại sản phẩm của nông dân được chấp nhận đưa vào tiêu thụ.

Ông Trần Văn Xê (nông dân giỏi ở Xuân Thới Sơn - Hóc Môn) cho biết rất mong muốn đưa sản phẩm hoa lan của mình ra nước ngoài. Ông nói: Khi đi tham quan mô hình trồng lan ở Thái Lan, tôi thấy có chợ chuyên về hoa để nông dân đến mua bán trao đổi thông tin rất hay. Mong sao TP cũng sớm có một chợ hoa như vậy để nông dân có lợi hơn…

ĐẶNG VĂN THÀN (Phó trưởng Ban chỉ đạo nông nghiệp và nông thôn TPHCM)

Tin cùng chuyên mục