Thông tin về việc Sở GTVT TPHCM đưa ra phương án chuyển một số tuyến đường lớn hai chiều thành một chiều nhằm giảm ùn tắc giao thông, đang làm người dân ở các tuyến đường này hoang mang, lo lắng. Trong khi chuyên gia giao thông cho rằng cần cẩn trọng vì sẽ làm tăng lộ trình, thời gian xe cộ lưu thông trên đường, khiến ùn tắc thêm nhiều tuyến đường khác và đẩy khó về người dân.
Người dân như ngồi trên lửa
Theo Sở GTVT TPHCM, trên địa bàn TP có khoảng 8.000 tuyến đường, nhưng mới có 79 tuyến đường một chiều. Trong tình hình đường giao thông bị quá tải, biện pháp phân luồng chuyển đường hai chiều thành một chiều là giải pháp kỹ thuật được đặt ra để hạn chế tình trạng ùn tắc, kẹt xe. Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TPHCM), cho biết, các phòng ban chuyên môn đang nghiên cứu để phân luồng nhằm khai thác hiệu quả nhất hạ tầng giao thông. Trong năm 2017 sẽ nghiên cứu, chuyển thành đường một chiều trên một số lộ trình: Cộng Hòa - Trường Chinh - Hoàng Văn Thụ; Phan Văn Trị - Lê Quang Định; và các tuyến đường khu vực trung tâm như Hai Bà Trưng, Phạm Ngọc Thạch, Trần Quốc Thảo, Lê Quý Đôn. Việc phân luồng thành đường một chiều sẽ giảm các luồng giao cắt và tăng lưu lượng xe, nên ít xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Trước mắt, nhằm kéo giảm kẹt xe, trong kế hoạch năm 2017, đường Trường Chinh - Cộng Hòa sẽ được chuyển từ đường hai chiều thành một chiều.
Cầu vượt Hoàng Hoa Thám góp phần giảm ùn tắc trên đường Cộng Hòa
Dù đến thời điểm này, Sở GTVT TP chưa chính thức công khai các tuyến đường này sẽ phân luồng theo chiều nào, nhưng thông tin phân luồng đường hai chiều thành một chiều khiến nhiều người dân, doanh nghiệp ở hai bên các tuyến đường bị “điểm tên” lo lắng. Anh Trần Trọng Quý (ngụ số 581 đường Trường Chinh, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) cho biết: “Đường Trường Chinh luôn trong tình trạng đông đúc, thường xảy ra ùn tắc ở các giao lộ. Từ khi đặt dải phân cách, tình trạng ùn tắc giảm đáng kể; ngay tại giao lộ Âu Cơ - Trường Chinh, nơi có lưu lượng xe lớn, nhưng chỉ ùn tắc khi không có cảnh sát giao thông điều tiết. Chuyển đường Trường Chinh thành đường một chiều, người dân các khu dân cư hai bên đường phải đi vòng, lộ trình dài thêm, tốn thêm xăng và thời gian lưu thông. Chưa hết, không chỉ tiệm bán nón bảo hiểm - nguồn sinh kế của gia đình tôi, mà hàng ngàn cửa hàng, cửa hiệu trên tuyến đường ngược chiều phải đóng cửa, bởi người đi xe máy khó băng ngang qua làn ô tô để tấp vào mua hàng. Từ khi hay tin, cư dân chúng tôi như ngồi trên lửa”.
Coi chừng “tắc thêm tắc”
Tương tự, anh Hoàng Vũ Long (ngụ ở đường Cộng Hòa) cho hay, tuyến đường Cộng Hòa trước đây thường xuyên tắc đường, kẹt xe. Từ lúc đưa vào sử dụng cầu vượt nút vòng xoay Lăng Cha Cả và ngã tư Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa, tình trạng kẹt xe trên tuyến đường đã được cải thiện rõ. Nay nếu chuyển đường Cộng Hòa từ hai chiều thành một chiều, các công ty ở hai bên đường có xe tải vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn trong việc phải tìm chỗ đậu. Các hộ ở các đường nhánh và trong hẻm, sẽ phải chạy lòng vòng quay đầu xe rất xa, làm áp lực giao thông tăng lên, nguy cơ tắc đường, kẹt xe có nguy cơ tái diễn.
Thực tế cho thấy, một số tuyến đường đã chuyển từ hai chiều thành một chiều như Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Thị Sáu, Võ Văn Tần, Điện Biên Phủ, Nguyễn Đình Chiểu... đã thông thoáng hơn. Tình trạng ùn tắc trên các đường này chỉ còn xảy ra vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, cũng có một thực tế khác: Khi các con đường này chuyển thành một chiều, hầu hết cửa hàng, tiệm bán buôn bên trái đường đều ế ẩm, nhiều tiệm phải đóng cửa. Theo kỹ sư Trần Văn Thịnh (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng), có nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm điều chỉnh phương tiện giao thông để chống ùn tắc, kẹt xe, như: phân luồng, cấm xe theo giờ, chuyển ngã tư thành tiểu đảo, hay điều chỉnh đường từ hai chiều thành một chiều. Trong đó, biện pháp chuyển từ đường hai chiều thành một chiều là phức tạp nhất, do không chỉ điều chỉnh hành vi người điều khiển phương tiện giao thông mà còn gây ảnh hưởng đến việc làm ăn, buôn bán và đi lại của các hộ gia đình đang sinh sống ở các khu dân cư hai bên đường.
Vì thế, kỹ sư Trần Văn Thịnh cho rằng, trước khi thực hiện, ngoài biện pháp kỹ thuật chuyên môn, Sở GTVT TPHCM cần tổ chức khảo sát thực tế, đánh giá tác động của việc chuyển đường thành một chiều đối với công ăn việc làm và việc đi lại của người dân. Chủ trương chuyển đường hai chiều thành đường một chiều để chống kẹt xe là cần thiết, nhưng nếu bỏ qua công đoạn này sẽ dẫn đến tình trạng đẩy khó về cho người dân. Làm sao hài hòa giữa việc chống ùn tắc giao thông nhưng vẫn đảm bảo công ăn việc làm của người dân ở các khu dân cư hai bên đường cần được các cơ quan chức năng tính toán thật kỹ lưỡng.
TRẦN YÊN