Cẩn trọng kẻo “mua nhầm” pháo hoa nổ

Luật sư khuyên người dân cẩn trọng khi mua pháo hoa bởi có thể “mua nhầm” pháo hoa nổ là loại vẫn bị Nhà nước cấm.
Các loại pháo hoa hợp pháp đang được rao bán trên mạng xã hội

Các loại pháo hoa hợp pháp đang được rao bán trên mạng xã hội

Tết Quý Mão 2023 đã rất gần, nhiều người dân đang lùng sục trên các hội nhóm, diễn đàn và mạng xã hội để tìm mua, bán pháo.

Trong khi, các vụ việc cháy nổ, thương vong liên quan đến việc sử dụng trái phép các loại thuốc nổ, pháo nổ xảy ra ngày càng nhiều. Ngày 25-12-2022, 2 trong 5 em học sinh bị tử vong do tự đặt mua các hóa chất làm pháo nổ qua mạng xã hội và tự chế tạo pháo để bán đã xảy ra vô cùng thương tâm tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

Đến tối 27-12-2022, một vụ nổ lớn khác xảy ra tại cửa hàng sửa chữa xe máy của ông Thân Văn Mùi, địa chỉ tại 176 Hoàng Công Chất, phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) khiến 3 người bị thương nặng, 54m2 nhà xưởng bị thiêu rụi cùng các vật dụng bị hư hỏng nặng.

Những vụ việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc mua bán, chế tạo và sử dụng các loại pháo nổ không đúng cách của người dân, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Phóng viên Báo SGGP có cuộc phỏng vấn luật sư Nguyễn Thị Tuyết, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Trung Cường, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội để tìm hiểu về những quy định pháp lý liên quan đến quản lý và xử lý pháo, giúp người dân có thêm thông tin, hiểu biết về các loại pháo được phép mua, sử dụng và những loại đang bị cấm.

Luật sư Nguyễn Thị Tuyết

Luật sư Nguyễn Thị Tuyết

* PHÓNG VIÊN: Thưa luật sư, hiện nay các văn bản quy phạm phân biệt các loại pháo như thế nào? Người mua nên tránh loại nào?

- Luật sư NGUYỄN THỊ TUYẾT: Nghị định số 137/2020/NĐ-CP phân ra làm 2 loại pháo gồm: pháo hoa và pháo nổ.

Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.

Còn pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, nhưng không gây ra tiếng nổ.

Theo quy định nêu trên, “pháo nổ” là loại pháo gây ra tiếng nổ hoặc tiếng rít. Đây là loại người dân tuyệt đối không được sử dụng, tàng trữ trái phép, bởi mức độ nguy hiểm cực lớn, tính sát thương cao.

Bên cạnh đó, “pháo hoa nổ” cũng được coi là một loại pháo nổ, không phải là loại pháo hoa thông thường như người dân vẫn hiểu. Chỉ có các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được phép mua bán, sử dụng loại pháo hoa nổ. Đây là loại chủ yếu được bắn vào các dịp lễ lớn như tết nguyên đán, Giỗ tổ Hùng Vương, lễ chào mừng, kỷ niệm của đất nước…

Về bản chất, pháo hoa nổ khi bắn sẽ kích hoạt phần thuốc nổ bên trong pháo hoa, tạo áp lực đẩy phần “pháo hoa” bên trong bay cao lên đến vài trăm mét, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc ở tầm cao. Các loại thuốc nổ bên trong “pháo hoa nổ” nếu không được sử dụng đúng cách, có thể gây ra những tai nạn nghiêm trọng cho người sử dụng.

Chính vì vậy, chỉ những cơ quan, tổ chức có chức năng, được cấp phép mới được sử dụng loại pháo hoa nổ này. Người dân thường tuyệt đối không được phép sử dụng, mua bán hay tàng trữ, gây nguy hiểm cho tính mạng bản thân và cho xã hội.

Bên cạnh đó, loại “pháo hoa không gây ra tiếng nổ” là loại được chế tạo bởi doanh nghiệp, tổ chức có thẩm quyền và chỉ có một số cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhất định, được cấp phép mới được bán loại “pháo hoa không gây ra tiếng nổ” này. Người dân có thể mua loại pháo hoa này từ các đơn vị, tổ chức được cấp phép để sử dụng trong dịp lễ, tết, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác.

Tuy nhiên, việc mua “pháo hoa không gây ra tiếng nổ” để bán lại cho người khác với mục đích kiếm lời là hành vi bị cấm, bởi chỉ một số cá nhân được phép của cơ quan có thẩm quyền mới được bán loại pháo hoa không gây tiếng nổ này.

Một lưu ý nữa là chỉ người đủ năng lực hành vi dân sự, tức có độ tuổi từ 18 trở lên, không mắc các bệnh lý về thần kinh, khuyết tật… mới được phép sử dụng loại pháo hoa này. Như vậy, trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi tuyệt đối không được phép sử dụng kể cả loại pháo hoa không gây tiếng nổ, còn các loại pháo nổ, pháo hoa nổ khác đương nhiên bị cấm theo quy định pháp luật.

Đội Kiểm soát hải quan số 2 - Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh bắt giữ một vụ vận chuyển pháo nổ tại phường Yết Kiêu (Hạ Long) tối 8-1.

Đội Kiểm soát hải quan số 2 - Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh bắt giữ một vụ vận chuyển pháo nổ tại phường Yết Kiêu (Hạ Long) tối 8-1.

Tang vật bị bắt là gần 30kg pháo nổ

Tang vật bị bắt là gần 30kg pháo nổ

* Vậy mức xử lý nếu vi phạm là như thế nào?

- Căn cứ quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP có thể: phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với những hành vi như: trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; vận chuyển, tàng trữ trái phép đồ chơi nguy hiểm bị cấm.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với các hành vi như: vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.

Ngoài ra, các đối tượng tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép có thể bị xử lý hình sự, mức phạt tù lên đến 10 năm, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng theo quy định tại Điều 191, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Pháp nhân phạm tội có thể bị xử phạt lên đến 5 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn, tùy vào mức độ hành vi phạm tội.

Theo tôi, việc sử dụng pháo các loại về cơ bản đều chứa đựng nguy cơ mất an toàn khá cao. Những quy định về việc sản xuất, sử dụng pháo hoa không nổ hiện nay vẫn bị nhiều người lợi dụng để kiếm lời từ việc sản xuất và buôn bán pháo. Cho nên, quan điểm riêng của tôi là Nhà nước nên thống nhất quản lý pháo, không mở rộng chủ thể sử dụng, mua bán pháo đến cá nhân, mà chỉ có cơ quan nhà nước mới được tổ chức sử dụng pháo hoa vào các dịp lễ tết, nhưng phải được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục