Cẩn trọng với việc cung cấp chữ ký số chuyên dùng công vụ

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhận xét, các quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ quy định tại 5 Điều trong dự thảo luật này, nhưng dự thảo luật lại không có quy định nào đề cập đến vai trò của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng như Luật Cơ yếu, Luật Tổ chức Chính phủ. Theo ĐB, đây là điểm bất hợp lý.
ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu tại phiên họp
ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu tại phiên họp

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN-MT) Lê Quang Huy cho biết, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc bổ sung quy định Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ (dự kiến trong dự thảo luật được chỉnh lý thành Dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ) cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, qua phân tích về trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử (GDĐT) và chữ ký số, ủy ban đề nghị quy định thẩm quyền phân công cụ thể tổ chức cung cấp chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ nên giao Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Tán thành quan điểm của cơ quan thẩm tra, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) nêu rõ, công vụ là một hoạt động đặc biệt mang tính quyền lực pháp lý, chữ ký số là chữ ký của những người có thẩm quyền, trọng trách. Mỗi văn bản, giao dịch công vụ đều tác động rất lớn đến nhân dân, đến quốc gia, dân tộc. Do đó, cần phải được quản lý, cung cấp, bảo mật hết sức chặt chẽ.

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương)

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương)

Đây cũng là quan điểm của ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai). ĐB nhấn mạnh, hoạt động cơ yếu là hoạt động rất đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia và trực tiếp phục vụ hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước, việc chỉ huy, chỉ đạo lượng vũ trang nhân dân. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ yếu cần được xác định rất rõ trong luật, không nên giao cho Chính phủ.

Hơn nữa, các quy định về chữ ký số chuyên dùng công vụ quy định tại 5 điều trong dự thảo luật này, nhưng dự thảo luật lại không có quy định nào đề cập đến vai trò của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng như Luật Cơ yếu, Luật Tổ chức Chính phủ.

“Quy định như dự thảo luật thì Ban Cơ yếu Chính phủ trở thành một tổ chức cung cấp dịch vụ công thuần túy, điều này khác với quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Cơ yếu”, ĐB Trịnh Xuân An bình luận.

Nhận xét chung về đạo luật mà ông coi như luật gốc, “Hiến pháp” của chuyển đổi số, ĐB Trịnh Xuân An đề nghị xác định rất rõ giá trị pháp lý của hình thức giao dịch điện tử để khi đi vào thực tiễn không làm phát sinh thêm thủ tục, chi phí về bộ máy, nhân lực, thiết bị… Nêu ví dụ Điều 14 của dự thảo luật về chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu điện tử, ông Trịnh Xuân An khẳng định: “Đây là điều cốt lõi nhưng lại có tới 4 lần sử dụng cụm từ “áp dụng pháp luật chuyên ngành”, nhưng đối chiếu thì thấy các luật chuyên ngành chưa quy định rõ nội dung này”.

Tin cùng chuyên mục