Tuy nhiên, diễn biến thị trường trong thời gian qua cho thấy, người chăn nuôi cần cẩn trọng việc tăng đàn để tránh rủi ro.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này giá heo đang ở mức 51.000 - 55.000 đồng/kg, cao gấp đôi cùng kỳ năm 2017. Giá heo tăng khiến nhiều nông dân tại các địa phương như Thống Nhất, Trảng Bom, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc (Đồng Nai) phấn khởi hẳn. Nhiều người chia sẻ, sau thời gian dài giá thấp thì đến nay giá heo đã tăng ổn định trở lại, khiến họ có động lực tái đàn, tăng đàn. Tuy nhiên, nhiều người chăn nuôi vẫn đang trong tình trạng khó khăn, không đủ vốn để tái đàn vì nợ nần chồng chất ở đợt khủng hoảng trước.
Anh Nguyễn Minh Hoàng, người chăn nuôi tại huyện Thống Nhất, Đồng Nai, cho biết, đợt khủng hoảng vừa rồi kéo dài quá lâu khiến cho người chăn nuôi bị kiệt quệ kinh tế. Mấy tháng nay, giá heo hơi tăng trở lại ở mức khá cao nên nhiều người mong muốn giá heo này giữ được đến thời điểm Tết Nguyên đán. “Hiện tại giá heo đang cao nên tôi cũng mong muốn sẽ giữ vững giá đến lúc xuất heo tết. Hầu như bà con nào cũng mong muốn giá heo tết sẽ khởi sắc, bù lại những mất mát dịp trước. Tuy nhiên, tôi và nhiều bà con chỉ dám nhập chuồng ít heo tết, không dám tăng thêm quá nhiều do sợ nhỡ mất giá, lại ôm nợ”, anh Hoàng tâm sự.
Còn ông Nguyễn Cường, chủ trại heo ở huyện Trảng Bom lại cho biết: “Theo kinh nghiệm 20 năm chăn nuôi heo của tôi, mỗi năm cứ đến tháng 8, tháng 9 âm lịch giá heo sẽ tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt heo vào cuối năm. Đặc biệt, đây cũng là lúc phát triển đàn mới chờ tung ra thị trường Tết Nguyên đán. Thật ra, không đoán biết được giá heo lên xuống thế nào, giờ cao nhưng mai kia lại thấp cũng không lường được, nhưng vẫn quyết tâm tăng đàn để bán heo tết. Tôi theo kiểu được ăn cả, ngã về không. Đợt khủng hoảng, nhà tôi phải treo chuồng trắng mấy tháng trời, nợ nần chồng chất. May mà lứa này bán được giá cao nên đã vực lại đôi chút. Hy vọng với đàn heo 2.000 con, gia đình tôi sẽ có cái tết ấm cúng”.
Trong khi đó, bà Minh, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi ở khu vực Thống Nhất, Trảng Bom cũng cho biết, thời điểm này đại lý cám của bà đã xuất đi lượng lớn thức ăn chăn nuôi, cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2017. Thức ăn xuất ra nhiều là do người dân đang đổ đàn heo mới chờ Tết Nguyên đán. “Heo giá cao, tôi thấy nhiều hộ chăn nuôi quyết định đổ đàn mới rất nhiều, nhưng bên cạnh đó cũng không ít hộ e dè. Tôi làm nghề này, dân bán được heo giá cao thì mình cũng ăn nên làm ra; còn heo mất giá, chúng tôi cũng khó đòi tiền thức ăn chăn nuôi. Gọi là sống chết theo họ. Hiện giá heo chỉ mới tăng trong vài tháng gần đây. Người nuôi có tái đàn cũng chưa đến kỳ xuất chuồng nên nhiều trang trại vẫn nợ tôi cả trăm triệu đồng tiền cám. Khổ nỗi, giờ thức ăn chăn nuôi cứ đều đều tăng giá. Tôi chỉ lo dù giá heo tăng nhưng người chăn nuôi vẫn lỗ thì tội lắm”, bà Minh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, khoảng 3 tháng trở lại đây, giá heo hơi liên tục tăng cao, đạt trên 50.000 đồng/kg. Người nuôi đổ xô tăng đàn làm tổng đàn heo tăng lên trên 2,4 triệu con, tăng thêm 2 triệu con so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, ông Công cho rằng, người dân yên tâm không lo thiếu heo tết.
Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cũng khuyến cáo người chăn nuôi không nên tăng đàn nái ồ ạt, mà phải thường xuyên theo dõi thông tin về thị trường để có định hướng chăn nuôi phù hợp. Heo đến lứa nên xuất bán, không găm hàng chờ giá cao. Đặc biệt, cần chuyển hướng chăn nuôi an toàn, xây dựng chuỗi liên kết để hạ giá thành sản phẩm, có thể cạnh tranh với thịt heo nhập và heo chăn nuôi theo quy mô công nghiệp.