Những ngày qua, lượng hàng hóa khi nhập khẩu về Cảng Cát Lái (TPHCM) bị ùn ứ và có nguy cơ lan ra một số cảng trên địa bàn TPHCM. Việc ùn ứ hàng hóa tại cảng làm cho giá thành hàng hóa bị đội lên. Năng suất làm hàng của cảng cũng bị kém đi do thiếu xe vận chuyển hàng.
Quá tải
Theo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, nguyên nhân gây ra tình trạng ùn ứ hàng hóa tại Cảng Cát Lái thời gian gần đây là do kim ngạch xuất nhập khẩu tăng dẫn đến sản lượng các cảng biển tăng, trong đó có Cảng Cát Lái. Cụ thể, sản lượng 6 tháng đầu năm tại khu vực TPHCM tăng 13%, trong đó Cảng Cát Lái tăng 12% so với cùng kỳ. Đặc biệt, sản lượng khu vực Cái Mép tăng mạnh đến 46% so với cùng kỳ, trong khi trên 60% sản lượng thông qua Cái Mép phải chuyển về Cát Lái để giao hàng càng làm cho tình trạng ùn ứ tại Cát Lái gia tăng.
Mặt khác, từ 1-4, các cơ quan tăng cường kiểm tra tải trọng xe vận tải đường bộ, đồng nghĩa với việc các nhà xe phải gia tăng lượng xe để chở cùng khối lượng hàng hóa. Việc này đòi hỏi các nhà xe phải có thời gian để mua sắm thêm phương tiện dẫn đến hàng hóa bị ùn ứ tại các cảng biển. Thời gian lưu bãi bình quân của container hàng nhập và xuất tăng, dẫn đến số lượng container tồn ở bãi cảng tăng tương ứng.
Bên cạnh đó, từ ngày 9-6, hải quan áp dụng chương trình thông quan điện tử mới VNACCS/VCIS cũng làm tăng thêm tình trạng ùn ứ tại cảng. Theo thống kê, trong thời gian từ khi triển khai VNACCS/VCIS, lượng container giao khỏi cảng giảm khoảng 250 - 300 container/ngày, trong khi đó lượng container nhận về lại tăng lên từ 300 - 350 container/ngày làm cho dung lượng container tồn bãi tích lũy và tăng dần từng ngày. Do yêu cầu của hệ thống, sản lượng yêu cầu chuyển máy soi gia tăng rất mạnh (kiểm tra toàn bộ lô container chứ không kiểm tra xác suất theo tỷ lệ của quản lý rủi ro).
Từ ngày 9-6 đến 9-7, sản lượng chuyển máy soi là 3.894 TEUS, tăng gấp 3 lần so với tháng trước đó (1.326 TEUS), trong khi năng lực bến bãi của cảng có giới hạn, chỉ đáp ứng được 50% yêu cầu trên, dẫn đến khách hàng phải chờ từ 2 - 3 ngày để nhận hàng. Việc này làm phát sinh chi phí, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Ngoài ra, tình hình nghẹt tại các cảng nước ngoài như: Tanjung Pelepas - Malaysia, Manila - Philippines, Hongkong, Thượng Hải, Singapore… kéo dài suốt từ cuối tháng 4 cho đến nay, cùng với các bất lợi về thời tiết mùa mưa bão dẫn đến lịch tàu trễ, đã gây xáo trộn lịch cầu bến tại Cảng Cát Lái.
Việc tăng kích cỡ tàu của các hãng tàu và tình trạng các tàu đến muộn đã làm lượng hàng xuất tồn bãi bình quân tại cảng tăng cao, đặc biệt vào các ngày cuối tuần. Cảng Cát Lái không còn “hậu phương” là Cảng Tân Cảng để giảm tải, ảnh hưởng của việc sửa chữa tuyến đường cầu Phú Mỹ cũng làm gia tăng tình trạng ùn ứ.
Nhiều giải pháp giải phóng hàng ùn ứ
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, để khắc phục tình trạng quá tải, Cảng Cát Lái đã triển khai nhiều giải pháp như: tăng chiều cao xếp chồng container; chuyển hết container rỗng ra khu vực ngoài cảng, tận dụng tối đa khoảng trống để hạ container; kết hợp nhập, xuất tàu đồng thời trong các thời điểm bãi quá tải nặng...
Đồng thời ban hành một loạt quy định mới có hiệu lực từ 15-7 và 1-8. Cụ thể, quy định khống chế thời gian hạ bãi container hàng xuất sớm; khuyến khích khách hàng tới cảng lấy container sớm hơn; định mức số lượng container rỗng cho từng hãng tàu. Ngoài ra, Cảng Cát Lái cũng đang xem xét ban hành một số giải pháp như: Chuyển dịch vụ đóng rút hàng khỏi cảng; tiếp tục chuyển một số chuyến tàu sang cập các cảng khác trong khu vực để dỡ hàng nhập; đầu tư thêm 4 cẩu bờ, 6 cẩu bãi và mở rộng thêm diện tích bãi; đẩy nhanh thi công và mua sẵn thiết bị...
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo để sớm triển khai hợp tác với Công ty TNHH một thành viên Cảng Bến Nghé; đưa Cảng Phú Hữu, Bến Nghé đi vào hoạt động nhằm giảm tải cho Cảng Cát Lái; tạo điều kiện để Tổng Công ty Tân Cảng đưa Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước vào hoạt động (nạo vét luồng, nâng cấp và công bố cảng lên 50.000 tấn thay vì 30.000 tấn như hiện nay…) và tạo điều kiện cấp thêm diện tích khu vực lân cận để tổng công ty mở rộng cảng.
Đề xuất cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm hóa, soi chiếu container theo xác suất giống như trước khi triển khai hệ thống VNACCS/VCIS; xem xét ban hành các cơ chế riêng cho phép tổng công ty được sử dụng linh hoạt trong một số trường hợp cần thiết (chuyển hàng nhập từ Cái Mép, Cát Lái về ICD Tân cảng Long Bình, ICD Tân cảng Sóng Thần để giao cho khách hàng; chuyển các container tồn lâu, thuộc diện thanh lý từ Cát Lái về các cơ sở khác của tổng công ty…). Duy trì trạm cân hiện tại (ngã ba cầu Mỹ Thủy) và không dời trạm cân vào đường Lê Phụng Hiểu để không làm trầm trọng thêm tình hình.
ĐÌNH LÝ