Chuyện người ở lại - người trở lại

Có người chọn ở lại sau ngày thống nhất, cùng TPHCM, cùng cả nước vượt qua bao cực khổ gian truân và tựu thành nhiều kỳ tích. Có người ra đi, nhưng luôn hướng lòng mình quay về Tổ quốc, góp sức hết mình mỗi khi đất mẹ cần. Họ - những bậc trí thức Việt Nam trong guồng quay lịch sử, dù ở lại hay ra đi và trở lại, đã dứt khoát chọn cho mình con đường: tận hiến vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Các bác sĩ hoàn thành ca mổ tách 2 bé Diệu Nhi - Trúc Nhi. Ảnh: BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ
Các bác sĩ hoàn thành ca mổ tách 2 bé Diệu Nhi - Trúc Nhi. Ảnh: BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

“Tôi đã đúng khi ở lại quê hương”

Ở tuổi 82, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư - bác sĩ (GS-BS) Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, không chọn nghỉ ngơi. Bà vẫn hăng say nghiên cứu, khám chữa bệnh, đào tạo thế hệ kế cận và nhiệt thành với hoạt động thiện nguyện. Bà hóm hỉnh: “Nếu tôi trẻ lại 40 năm, chắc chắn sẽ học được thêm nhiều điều từ trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số ở thời đại này”.

BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng là tượng đài của ngành sản phụ khoa, người vượt định kiến xã hội và thời cuộc để đưa thụ tinh ống nghiệm về nước, đồng thời đấu tranh không ngừng nghỉ vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Những thành quả ấy có lẽ sẽ khó trở thành hiện thực nếu bà chọn đưa các con đi định cư ở nước ngoài sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

IMG_20250324_103319.jpg
GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng

BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhớ lại, vài tuần trước ngày 30-4-1975, rất nhiều y bác sĩ Sài Gòn lần lượt rời đi trong bối cảnh rối ren và hoảng loạn. Tình hình tương tự xảy ra ở Bệnh viện Từ Dũ. Mỗi buổi sáng lại vắng vẻ nhân viên hơn, còn bệnh nhân - đa số là người nghèo, vẫn kín giường. Lúc bấy giờ, bà còn trẻ, dắt díu 3 cô con gái vào ở trong bệnh viện, tiện chăm lo cho bệnh nhân. Khi đó, con gái lớn nhất mới 5 tuổi, bé út còn đang bú, chồng của bà đang tu nghiệp ở Pháp. Bên ngoài là chiến sự sục sôi, bên trong bệnh viện, nhân viên y tế không có phút ngơi nghỉ. Sáng sớm 30-4-1975, BS Ngọc Phượng vừa hoàn thành ca mổ thì một nhân viên rụt rè đưa lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hỏi: “Mình treo cờ này được không BS?”. “Được quá đi chứ!”, bà trả lời rồi cùng đồng nghiệp kéo cờ ngay tại bệnh viện. Tối cùng ngày, chính quyền cách mạng tiếp quản Bệnh viện Từ Dũ.

Tình hình trong nước chưa ổn định, gia đình mỗi người một phương, chồng của BS Ngọc Phượng làm thủ tục bảo lãnh 4 mẹ con sang Pháp định cư. Dù đã khám sức khỏe, tiêm ngừa và cầm hộ chiếu trên tay, nhưng rồi bà quyết định ở lại thành phố.

“Bà có băn khoăn rằng nếu sang Pháp, các con sẽ có điều kiện học tập và phát triển tốt hơn?”, chúng tôi hỏi. BS Ngọc Phượng nhíu mày: “Một trong những lý do tôi ở lại quê hương là vì tin rằng, các con sẽ được học hành và sống trong xã hội công bằng, bình đẳng, tôn trọng giá trị con người”.

Năm 1979, chồng của BS Ngọc Phượng trở về Việt Nam, một lần nữa thuyết phục bà sang Pháp đoàn tụ. Bà trải lòng với chồng: “Thời trẻ, em và anh được học tập đủ đầy hơn bao nhiêu người. Bây giờ, đất nước khó khăn, em muốn được đóng góp chút đỉnh với quê hương, để sau này chết đi, em không phải ân hận vì đã vô cảm hay làm ngơ với đất nước mình”. Tâm niệm ấy theo bà suốt cuộc đời y nghiệp.

Công cuộc tái thiết thành phố sau ngày 30-4-1975 đầy thử thách và gian nan. Đây là giai đoạn thành phố phải đối mặt với cuộc ra đi của hàng ngàn trí thức. Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Văn Kiệt lúc đó đích thân đến Sở Y tế bàn bạc thâu đêm để tìm cách giữ lại đội ngũ bác sĩ, tháo gỡ khó khăn để họ có cuộc sống yên ổn, con cái được học hành. Những năm sau đó, trên đôi vai BS Ngọc Phượng là khối lượng công việc khó có thể tưởng tượng được: Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Viện trưởng Viện Tim TPHCM, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM (không chuyên trách), Đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII, IX… Nhưng gian truân nhất là những bước đi kiên trì để đặt nền móng cho kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (TTON) tại Việt Nam. Chính vì ý tưởng này, người ta từng mỉa mai “Bà Phượng không bình thường”.

IMG_20250324_103326.jpg
GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng nhận giải thưởng Ramon Magsaysay năm 2024. Ảnh: NVCC

Năm 1994, bà được bổ nhiệm là Giáo sư Sản phụ khoa của Đại học Y khoa Nice Sophia Antipolis (Pháp) và sang Pháp giảng dạy trong 12 tháng. Bà trích phần lớn lương giáo sư để đặt trang thiết bị y tế cần cho TTON chuyển về Bệnh viện Từ Dũ. Sau đó, bà lại đưa một đoàn công tác của Bệnh viện Từ Dũ sang Pháp mở mang kiến thức. Cuối cùng, bà báo cáo kế hoạch triển khai TTON với Sở Y tế TPHCM, UBND TPHCM, Bộ Y tế. Nhiều người lo sợ trẻ em sinh ra từ TTON không bình thường, còn đất nước đang thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình. Do vậy, đó là hành trình không dễ dàng để vượt qua định kiến. Song song với sự chuẩn bị về quy trình và pháp lý, Bệnh viện Từ Dũ cử một số bác sĩ trẻ đi nước ngoài học tập. Đến năm 1997, GS-BS Ngọc Phượng mời đoàn chuyên gia Pháp sang hỗ trợ cho đợt TTON đầu tiên với vô vàn áp lực. Thế rồi, trùng hợp kỳ lạ, ngày 30-4-1998, ba em bé TTON đầu tiên của Việt Nam đã chào đời khỏe mạnh tại Bệnh viện Từ Dũ, đánh dấu bước ngoặt lớn lao của y khoa Việt Nam. Đến nay, hơn 150.000 đứa trẻ đã được sinh ra từ TTON, hiện thực hóa giấc mơ làm cha mẹ của những gia đình hiếm muộn cả nước. Hiện tại, TPHCM là địa chỉ uy tín của thế giới về hỗ trợ sinh sản và công tác đào tạo, thu hút nhiều chuyên gia từ các trung tâm TTON của quốc tế đến học tập.

“Chúng ta đi sau thế giới về TTON nhưng lớp trẻ đã vượt lên, được thế giới công nhận. Tôi vui mừng cho người bệnh và nền y khoa của thành phố ”, bà tâm sự. Không chỉ tận tâm trong chuyên môn, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cũng dành hàng chục năm chứng minh sự tàn phá của chất độc hóa học dioxin lên sức khỏe con người. Hình ảnh nữ BS nhỏ bé tham gia các phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ, đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam là biểu tượng cho sự kiên trì đấu tranh vì lẽ phải! Năm 2024, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng được Quỹ giải thưởng Ramon Magsaysay vinh danh vì những đóng góp không ngừng nghỉ và công cuộc tìm công lý cho nạn nhân da cam/dioxin.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chứng kiến sự thay da đổi thịt thành phố sau nửa thế kỷ, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng xúc động: “Ngay cả trong mơ tôi cũng không ngờ sau 50 năm, thành phố và đất nước được như hôm nay. Có lẽ những người ở thế hệ tôi mới hiểu được gian truân, thăng trầm của đất nước và hiểu rằng thành tựu hôm nay lớn lao như thế nào. Bạn thấy đấy, tôi đã đúng khi ở lại quê hương”.

Trong lĩnh vực y khoa, tôi kỳ vọng thế hệ trẻ sẽ phát triển vượt bậc trong bối cảnh bùng nổ về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo. Tôi luôn yêu cầu các bác sĩ phải học và làm chuyên môn giỏi, không tự thỏa mãn mà phải đuổi kịp sự phát triển của thế giới. Cốt lõi nhất của ngành y là phải biết thương bệnh nhân. Chỉ khi biết thương bệnh nhân, người bác sĩ mới tìm tòi, nỗ lực, nghiên cứu để điều trị tốt hơn

GS-BS NGUYỄN THỊ NGỌC PHƯỢNG

“Nhạc trưởng” của những ca đại phẫu

Năm 1988, thế giới sửng sốt khi Việt Nam thực hiện thành công đại phẫu tách song sinh dính liền Nguyễn Việt - Nguyễn Đức với độ phức tạp vô cùng hiếm gặp. Kỳ tích ấy cũng khiến tên tuổi BS Trần Đông A, phẫu thuật viên chính, vang danh quốc tế. Việt và Đức chào đời năm 1981 tại huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, bị dính vùng bụng chậu do ảnh hưởng chất độc da cam. Sau 1 năm được chăm sóc tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), hai anh em được chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM). Cuộc sống của Việt - Đức nhận được sự quan tâm sâu sắc của nhân dân Nhật Bản và cộng đồng quốc tế. Năm 1987, Việt gặp hội chứng não cấp rồi rơi vào hôn mê, được đưa sang Nhật Bản chữa trị nhưng không thành công. Trước nguy cơ Việt có thể tử vong bất cứ lúc nào và số phận của Đức cũng sẽ kết thúc, Bệnh viện Từ Dũ quyết định phẫu thuật tách đôi, trả lại sự sống độc lập cho hai bé.

IMG_20250324_103343.jpg
GS-BS TRẦN ĐÔNG A

Lúc này, đất nước đang trong giai đoạn bị cấm vận kinh tế, thiếu thốn từ miếng ăn cho đến thuốc men. Để chuẩn bị cho ca mổ, GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, đi khắp nơi tìm hỗ trợ và nhận được sự giúp đỡ cả về vật lực, trang thiết bị, thuốc men từ Nhật Bản. Ở trong nước, Sở Y tế TPHCM tập hợp các bác sĩ đầu ngành như Văn Tần, Trần Thành Trai, Trần Đông A, Võ Văn Thành, Lê Kính, Vũ Tam Tỉnh, Nguyễn Văn Hiệp... với vô số cuộc hội chẩn, cùng mọi kịch bản được tính toán. Vợ của BS Trần Đông A lúc đó đã may một con búp bê có hình dáng và kích thước như anh em Việt - Đức để ê kíp thực hành một cách chính xác nhất. Trải qua gần 1 năm chuẩn bị, ngày 4-10-1988, ca phẫu thuật kéo dài 15 giờ, quy tụ gần 70 bác sĩ tài năng của cả nước với sự chỉ huy tài tình của Viện sĩ-GS-BS Dương Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, lúc bấy giờ. Đó là ca phẫu thuật của trí tuệ tập thể, của lòng kiên định, của sự quyết đoán vào thời khắc lịch sử đánh dấu sự đột phá của ngành y tế Việt Nam.

0-02-06-bf9e9f61558bceaba7cbb45f3e7ae84a065245c3892e4d4d15a5ead16f11b9be_3a85f618cef86cd4.jpg
BS Trần Đông A (bên trái) và anh em Nguyễn Việt - Nguyễn Đức, năm 1988 Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Sinh thời, Viện sĩ-GS-BS Dương Quang Trung từng chia sẻ: Ca mổ tách 2 bé Việt - Đức thành công không chỉ về y học mà còn mang ý nghĩa của một sự hội tụ gần 70 trí thức, vốn có nhiều hoàn cảnh và tâm tư khác nhau. Vô cùng áp lực, bởi đè nặng trong lòng tôi không chỉ là mạng sống của 2 bé Việt - Đức mà còn có sự can đảm để gánh lấy một trách nhiệm trước những tiền lệ chưa từng có. Đó là trọng trách lèo lái một con thuyền mà 80% tay chèo chính vừa bước ra khỏi cánh cổng trại cải tạo không bao lâu, là những sĩ quan quân y chế độ cũ. Điều ấy không hề dễ dàng. Trách nhiệm người đứng đầu ngành y tế thành phố thôi thúc tôi phải nhận lấy trách nhiệm tập hợp, đoàn kết, động viên, thuyết phục họ.

Ca đại phẫu vô tiền khoáng hậu xác lập tài năng của phẫu thuật viên chính - BS Trần Đông A. Ông là bác sĩ quân y của Việt Nam Cộng hòa, nổi danh vì những ca phẫu thuật trên chiến trường. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông trải qua 2 năm học tập cải tạo. Với sự động viên và “khơi mạch nguồn cho trí thức” của đồng chí Võ Văn Kiệt (lúc đó là Bí thư Thành ủy TPHCM), BS Trần Đông A đã trở lại ngành y, cống hiến cho sự nghiệp cứu người tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Năm 1981-1982, gia đình ông là một trong 30 trường hợp được Chính phủ Hoa Kỳ cấp giấy bảo lãnh thường trú nhân, nhưng ông viết đơn từ chối. Ở lại với đất nước - quyết định lịch sử này không chỉ là bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong cuộc đời BS Trần Đông A, mà còn tác động mạnh mẽ đến nền y khoa thành phố sau này. Thực tế, cơ hội để định cư nước ngoài đến với ông nhiều lần, nhưng lựa chọn chỉ có một! Trả lời với báo giới quốc tế về lý do ở lại, BS Trần Đông A bộc bạch: “Vì trẻ em Việt Nam cần tôi. Tôi là bác sĩ, bổn phận của thầy thuốc là cứu chữa bệnh nhân. Với tôi, quyết định ở lại đất nước là quyết định lịch sử của cuộc đời. Sau đó và đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn thấy đó điều đúng đắn”.

Ý chí tận hiến dường như chưa bao giờ tắt trong tâm thức của vị bác sĩ ngoại khoa. Ngay khi ở đỉnh cao sự nghiệp, ông không bằng lòng với bản thân. Năm 1989, tại một hội nghị quốc tế, ông có cơ hội được gặp GS Bernard Otte, một chuyên gia hàng đầu về ghép gan trẻ em tại châu Âu, và làm quen với kỹ thuật ghép tạng nhi. Năm 1995, GS Raymond Reding, một chuyên gia ghép gan của Bỉ, đã liên hệ với BS Trần Đông A đề nghị hợp tác. Từ đó, hình thành chương trình đào tạo và hỗ trợ bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 sang Bỉ học ghép gan. Ròng rã nhiều năm thai nghén, năm 2005, được sự đầu tư trang trang thiết bị hiện đại của UBND TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện thành công ca ghép gan cho trẻ em dưới 2 tuổi. Sau những năm gầy dựng nền móng cho ghép tạng nhi, GS Trần Đông A vẫn luôn đồng hành với vai trò cố vấn của Bệnh viện Nhi đồng 2, đưa bệnh viện này trở thành trung tâm ghép tạng chuyên sâu cho trẻ em, mang lại cơ hội sống cho những số phận trẻ thơ kém may mắn.

Y khoa là kế thừa và tiếp nối. Năm 2020, ca phẫu thuật tách song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã viết tiếp thành tựu y khoa của hơn 30 năm trước. Lần này, 2 bé gái song sinh dính vùng bụng chậu với tỷ lệ hiếm gặp 6%. Một lần nữa, bóng dáng GS Trần Đông A lại xuất hiện trong vai trò cố vấn cho ê kíp phẫu thuật khoảng 100 nhân sự, trong đó có những học trò xuất sắc mà ông đã dày công bồi dưỡng, đào tạo. Chứng kiến thành công của thế hệ kế cận, vị giáo sư mỉm cười mãn nguyện và tin tưởng: Nếu như ca mổ Việt - Đức năm xưa tạo ra sức bật cho ngành ngoại nhi phát triển thì ca mổ tách rời Trúc Nhi - Diệu Nhi sẽ là một dấu mốc cho sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam.

GS-TS Trần Đông A - tham gia cố vấn chuyên môn cho ca đại phẫu thuật có mặt tại bệnh viện để theo dõi ca mổ Ảnh HOÀNG HÙNG.jpg
GS-TS Trần Đông A (bìa trái) tham gia cố vấn chuyên môn cho ca mổ tách 2 bé Diệu Nhi - Trúc Nhi (năm 2020). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bởi số phận đặc biệt, phục vụ trong hai chế độ, cuộc đời GS Trần Đông A nhận được sự quan tâm của giới trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều người còn gọi ông là “sứ giả hòa bình” bởi những đóng góp cho quá trình hòa hợp dân tộc. Thời điểm Việt Nam chưa được gỡ bỏ lệnh cấm vận, GS Trần Đông A vẫn thường được mời tham dự các hội nghị lớn ở Mỹ, gặp gỡ các chuyên gia hàng đầu thế giới. Việc một người từng là lính Việt Nam Cộng hòa, xuất hiện trong vai trò giáo sư, bác sĩ, đại diện Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự hội nghị quốc tế cũng phần nào thay đổi cách nhìn nhận về việc ứng xử với giới trí thức. Ở vai trò Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII (Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM), ông đã đóng góp không mệt mỏi trong việc xây dựng Luật Phòng chống truyền nhiễm, Luật Ghép tạng, Luật Bảo hiểm y tế, hoàn thiện hơn những chính sách nhân văn cho người dân, người bệnh… Trải qua những giai đoạn khốc liệt và gian lao của đất nước, Anh hùng Lao động - Thầy thuốc Nhân dân - GS Trần Đông A vẫn một vẻ điềm tĩnh và nụ cười quen thuộc: “Sống và làm việc có nhiều mục đích, vì gia đình, họ hàng, xã hội, đất nước, thậm chí đóng góp cho thế giới. Hầu như những mục đích của tôi đặt ra đều đã đạt được. Tôi ngẫm thấy, mình đã làm được nhiều điều cho trẻ em Việt Nam nói riêng, cho đất nước nói chung. Điều đó làm tôi hài lòng!”.

“Tôi làm vì ơn sâu nghĩa nặng với đất nước”

Một buổi chiều đầu năm 2025, ông Bùi Kiến Thành xuất hiện tại buổi giao lưu với gần 70 bạn trẻ học kinh doanh. Vị chuyên gia tài chính lão làng đã bước sang tuổi 94, mỉm cười lịch thiệp khi tiếng vỗ tay lắng xuống và chậm rãi tóm lược hành trình đời mình - một cuộc đời đan xen những dấu mốc lịch sử và sự chuyển mình của đất nước.

ong Bui Kien Thanh.jpg
Ông BÙI KIẾN THÀNH

Sinh năm 1931 trong một gia đình tư sản nổi tiếng, cha ông là bác sĩ Bùi Kiến Tín, người sáng lập thương hiệu dầu Khuynh diệp Bác sĩ Tín gắn với bao thế hệ. Ông Thành sớm được gia đình cho đi học ở Pháp từ trung học, rồi sang Mỹ theo học tại Đại học Columbia. Định mệnh như sắp đặt, khi tại Mỹ, ông Thành gặp ông Ngô Đình Diệm, khi ấy là một chí sĩ lưu vong. Thời thế đổi thay, năm 1954, ông Diệm được Quốc trưởng Bảo Đại mời về làm Thủ tướng. Nhậm chức vài tháng, ông Diệm đánh điện sang Mỹ nói “anh Thành về giúp tôi một tay”. Lúc này, chàng thanh niên 23 tuổi đang tính học tiếp lên cao học, nghe vậy liền xếp bút nghiên qua một bên, cùng nhóm một số anh em nữa lên đường về “giúp nước”. Trẻ trung, hăng hái, Bùi Kiến Thành dần trở thành trợ lý đặc biệt cho Thủ tướng, sau này là Tổng thống Ngô Đình Diệm, của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Nhưng bước ngoặt lớn hơn cả là khi ông được cử sang Mỹ học về nghiệp vụ ngân hàng. Trong những ngày tháng đó, một người trẻ như ông đã tiếp cận giới tinh hoa Mỹ - từ các thượng nghị sĩ, tỷ phú đến các nhà hoạch định chính sách. Những mối quan hệ ấy sau này trở thành “tài sản” quý giá giúp ông, ở một vai trò khác, hỗ trợ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. “Đó là định mệnh, vì sau này nhờ các mối quan hệ đó mà tôi cũng giúp được phần nào cho nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa các chính sách, góp phần nào đó cho bình thường hóa quan hệ với Mỹ”, ông Thành đúc kết.

Sau biến cố năm 1963, anh em ông Diệm bị ám sát. Ông Thành không tránh khỏi việc bị bắt bớ, trả thù, ngồi tù một thời gian. Ra tù, ông rời Việt Nam, sang Pháp khởi nghiệp. Và rồi định mệnh lại kéo ông quay về Việt Nam trong thập niên 80 của thế kỷ trước, khi đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Lãnh đạo Việt Nam khi ấy, trong nỗ lực tìm lối thoát cho nền kinh tế, đã chủ động tìm gặp ông tại Paris để xin tư vấn. Ông Thành nói thẳng: “Không dân nào giàu nổi nếu cứ ngăn sông cấm chợ”. Ông Thành góp phần truyền cảm hứng cho tư duy “dân giàu nước mạnh” - tinh thần mở lối cho chính sách Đổi mới 1986. “Cụm từ nền “kinh tế nhiều thành phần” được nêu trong Nghị quyết Đại hội VI của Đảng (năm 1986) là một cuộc cách mạng thực sự. Nó trả lại quyền tự do kinh doanh cho người dân sau nhiều năm bị kìm hãm”, ông nhấn mạnh.

IMG_20250324_103259.jpg
Ông Bùi Kiến Thành ký tặng sách các bạn trẻ mến mộ, tháng 1-2025. Ảnh: MAI HOA

Không dừng lại ở đó, suốt những năm 1990, ông Thành tiếp tục đóng vai trò thầm lặng trong các nỗ lực vận động quốc tế, tháo gỡ cấm vận, cũng như thúc đẩy các thương thảo quan trọng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, góp phần đưa hàng trăm ngàn người Việt thuộc diện HO sang Mỹ định cư. Tự nhận mình là “tư bản hạng nặng”, với nhiều khác biệt ban đầu về tư tưởng, lối suy nghĩ, nhưng Bùi Kiến Thành và các nhà lãnh đạo Việt Nam đã gặp nhau ở tấm lòng vì đất nước.

“Tôi làm vì ơn sâu nghĩa nặng với đất nước”, ông bình thản. Với vai trò cố vấn, ông còn hỗ trợ các dự án lớn như vận động tập đoàn AIG tham gia đầu tư cảng Đình Vũ, tư vấn phát triển vịnh Vân Phong thành cảng trung chuyển quốc tế hay tư vấn cho đề án xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TPHCM - một giấc mơ kéo dài hơn 20 năm của Việt Nam mà ông Thành vẫn luôn tâm đắc.

Cho đến nay, ở cái tuổi gần như đã đi trọn vẹn một cuộc đời, ông vẫn phơi phới niềm tin, nhiệt thành với từng nhịp thở của đất nước. Trong nụ cười tươi chẳng thoáng muộn phiền cá nhân, ông Thành nhìn lại cuộc đời tận hiến của mình, nhắn nhủ: “Tận nhân lực tri thiên mệnh - hãy làm hết sức, khi ấy mới biết số phận an bài ra sao”. Ông vẫn chưa dừng lại, vẫn tràn đầy nhiệt huyết với nhiều dự định lớn cho Việt Nam, như việc thành lập ngân hàng đầu tư đến phát triển khu vực Liên Khương thành vành đai kinh tế mới phía Nam…

“Dù ở đâu cũng thấy yêu mến đất nước mình”

Đầu tháng 2 vừa qua, trong cuộc họp của các chuyên gia tư vấn cho TPHCM thực hiện Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, GS Trần Văn Thọ gây ấn tượng khi mang những kinh nghiệm của Nhật Bản để tư vấn cho thành phố đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số. Là tác giả cuốn sách nghiên cứu về kinh tế Nhật Bản trong giai đoạn phát triển thần kỳ, ông chỉ ra: điều cốt lõi không phải là mục tiêu trên giấy tờ, mà là tạo ra cơ chế và bầu không khí khiến doanh nghiệp, người dân bùng nổ khát vọng phát triển. Nhờ thế, Nhật Bản chỉ đặt mục tiêu 7%, nhưng kết quả thực tế là 10%, kéo dài trong suốt hai thập niên để có được hình hài đất nước như ngày nay. Rồi ông mạnh mẽ đề xuất TPHCM phải tháo gỡ cho doanh nghiệp về vốn, về tiếp cận đất đai, bởi doanh nghiệp tìm không ra đất, không tiếp cận được vốn sẽ rời đi. Còn đầu tư công phải hợp lý, hướng mạnh vào những nội dung hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, chẳng hạn như tạo không gian khu công nghiệp cho doanh nghiệp phát triển… Ông cũng cho rằng năm 2025 sẽ là thời điểm sống còn để TPHCM dứt khoát hành động, nếu muốn bứt phá và đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Nhiệt huyết của vị chuyên gia kinh tế lão luyện không khỏi khiến chúng tôi gợi nhớ về buổi sáng thứ bảy ngày 9-12-2023. Tại đường sách TPHCM khi ấy diễn ra buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách mới do GS Trần Văn Thọ và ông Trần Hữu Phúc Tiến đồng chủ biên. Cuốn sách mang tên Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh, và người đến dự ngoài bạn đọc thông thường, còn có rất đông những “cây đa cây đề” vừa giỏi vừa tâm huyết trong giới nghiên cứu kinh tế. 23 tác giả tham gia cuốn sách, cùng với sự có mặt của những khán giả “đại thụ” này, phần nào bảo chứng cho uy tín, cùng năng lực kết nối của người chủ biên cuốn sách.

IMG_20250324_103307.jpg
GS Trần Văn Thọ tại buổi ra mắt sách Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh. Ảnh: MAI HOA

“Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Từ đây tới khi đó chỉ còn 20 năm, chúng ta phải chuẩn bị thật tốt, phải có cải cách, tạo những tiền đề để đạt được mục tiêu đó”, GS Trần Văn Thọ chia sẻ một cách hiền hòa, bằng giọng Quảng Nam đặc trưng về lý do nảy ra ý tưởng cùng các chuyên gia viết một cuốn sách để bàn về các vấn đề phát triển Việt Nam. Là một cuốn tài liệu quý, những vấn đề kinh tế trong sách này được viết một cách đại chúng, để không chỉ các chuyên gia, lãnh đạo tham khảo, mà còn hướng đến những người đọc trẻ - chính là những chủ nhân của Việt Nam 2045.

Thời tuổi trẻ sôi nổi, người thanh niên Quảng Nam 18 tuổi Trần Văn Thọ sang Nhật du học. Ông lấy bằng tiến sĩ kinh tế Đại học Hitotsubashi, Tokyo, rồi sau đó trở thành một trong ba người nước ngoài đầu tiên được mời làm việc trong Hội đồng tư vấn Kinh tế cho nhiều đời Thủ tướng Nhật. Ông cũng từng làm cố vấn cho nhiều cơ quan của Chính phủ Nhật Bản. GS Trần Văn Thọ năm nay đã 76 tuổi. Từ một du học sinh, ông trở thành giáo sư, sinh sống ở Nhật Bản hơn nửa thế kỷ với nhiều thành tựu, nhưng đến nay ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. “Mình là người Việt Nam, dù ở đâu cũng thấy yêu mến đất nước mình, mong đất nước được giàu mạnh, nhân dân được no ấm. Để được thấy đất nước được như mình mơ ước, mình cố gắng đóng góp được gì thì đóng góp”. Với tâm niệm như thế, GS Trần Văn Thọ đã tham gia Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông là sáng lập viên Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC) tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM; tích cực làm cầu nối giao lưu giữa sinh viên Nhật - Việt.

GS Tran Van Tho.jpg
GS TRẦN VĂN THỌ

Ông cũng là tác giả của một số sách xuất bản bằng tiếng Nhật và tiếng Việt về kinh tế châu Á, Nhật Bản và Việt Nam. Sau cuốn sách Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh, ông vẫn đang ấp ủ cho ra đời những cuốn sách nghiên cứu về phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh thế giới mới, để “đóng góp được gì thì đóng góp” cho quê hương dấu yêu.

Tin cùng chuyên mục