Căng mình phòng chống dịch tả heo châu Phi

Dịch tả heo châu Phi (DTHCP) đang bùng phát khắp nhiều tỉnh phía Nam. Trong đó, TPHCM có 3.917 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn 274.154 con, chủ yếu nuôi ở huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh. Tuy đến nay chưa phát hiện có dịch bệnh nhưng do địa bàn TPHCM tiêu thụ lượng lớn thịt heo nên khả năng lây nhiễm rất cao. Trong những ngày qua, toàn bộ cơ quan chính quyền của thành phố đã căng mình phòng chống DTHCP nhằm ngăn ngừa lây lan, gây thiệt hại cho người nuôi và tâm lý người tiêu dùng.
Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phát hiện xe tải chở sản phẩm thịt heo không có giấy kiểm dịch từ tỉnh Đồng Nai vào TPHCM qua phà Cát Lái
Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phát hiện xe tải chở sản phẩm thịt heo không có giấy kiểm dịch từ tỉnh Đồng Nai vào TPHCM qua phà Cát Lái

Tăng cường kiểm tra

Nhận thấy tình hình vận chuyển heo vào TPHCM qua nhiều tuyến đường nhỏ đang phát sinh, UBND TPHCM vừa chấp thuận đề xuất của Chi cục Chăn nuôi và Thú y TPHCM (thuộc Sở NN-PTNT) về việc tăng cường thêm điểm kiểm tra lưu động tại các quận: 2, 9 và 12. 

Qua kiểm tra lưu động, ngày 18-5, kiểm dịch viên Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phát hiện một xe chở hàng đông lạnh từ tỉnh Đồng Nai đi vào TPHCM bằng phà Cát Lái, trên xe có 240kg thịt các loại heo, gà, vịt không có giấy kiểm dịch. Cũng tại phà Cát Lái, ngày 21-5, phát hiện xe tải 60C-425.91 chở 68kg thịt heo và 85kg thịt vịt cũng không có giấy kiểm dịch. 

Bà Nguyễn Thị Kim Duyên, Phó trưởng Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, nhận xét: “Nhờ tăng cường kiểm tra, kiểm dịch, những ngày sau đó đoàn chốt tại phà Cát Lái không phát hiện thêm phương tiện chở sản phẩm động vật không có giấy kiểm dịch. Tuy nhiên, qua ghi nhận, với mức phạt vi phạm hiện nay chưa đủ sức răn đe, nên vẫn còn thương lái thuê phương tiện vận chuyển heo giết mổ lậu, luồn lách qua các tuyến đường nhỏ để vào TPHCM. Tài xế khi bị phát hiện không chịu hợp tác, cố tình che giấu các điểm giết mổ lậu nên trạm không thể thông tin đến cơ quan quản lý tại địa phương đó. Đoàn kiểm tra liên ngành chỉ có thể ghi lại biển số xe để gửi khuyến cáo đến chủ phương tiện không được vận chuyển sản phẩm không có giấy tờ, nguồn gốc”. 

Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, ngoài đoàn kiểm tra liên ngành thường đi lưu động, UBND các phường xã cũng tăng cường quản lý các tuyến đường nhỏ, nhằm phát hiện trường hợp xe chở thịt heo không có giấy tờ đi vào TP. Ông Lê Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi - địa phương có lượng đàn heo nuôi lớn nhất TP - cho biết, ngay sau khi phát hiện bệnh DTHCP đang lây lan ở các tỉnh lân cận, UBND huyện Củ Chi đã cấp thuốc tiêu độc, khử trùng cho 2.373 hộ chăn nuôi heo trên địa bàn huyện với tổng số 1.358 lít thuốc.  

Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện thường xuyên tiến hành kiểm tra các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trái phép, phát hiện có trường hợp giết mổ heo lậu nên đã tiêu hủy 65 con với tổng trọng lượng khoảng 5.520kg, thịt heo đã pha lóc 150kg,  cùng 2 con bò, 58 con gà, vịt. Tại chợ truyền thống phát hiện một trường hợp kinh doanh thịt heo không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc thịt heo, không có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan thú y trên sản phẩm thịt, không có giấy kiểm dịch sản phẩm động vật do cơ quan thú y cấp.

Giám sát đường nhỏ liên tỉnh

Là địa bàn có số lượng đàn heo nuôi chỉ ít hơn huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh cũng đã tăng cường phối hợp giữa Trạm Chăn nuôi và Thú y, Đài Truyền thanh huyện phát thanh liên tục về tình hình DTHCP cho người dân biết, cấp phát tài liệu tuyên truyền phòng chống DTHCP đến 556 hộ chăn nuôi. Triển khai tiêu độc, khử trùng (đợt 2 năm 2019) cho các hộ nuôi có nguy cơ lây dịch cao vì giáp ranh tỉnh Long An; chuyển giao mỗi xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh, Tân Nhựt, Tân Kiên 50kg hóa chất tiêu độc, khử trùng; chuyển giao 160kg vôi bột cho các hộ chăn nuôi tập trung ở 2 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B. Ngoài biện pháp an toàn sinh học, rắc vôi lối vào chuồng trại, UBND huyện Bình Chánh cũng khuyến cáo người chăn nuôi tạo khoảng cách an toàn giữa trại chăn nuôi với khu vực bếp ăn, thường xuyên tiêu độc sát trùng phương tiện vận chuyển ra vào trại chăn nuôi.

Ngay sau khi DTHCP xuất hiện ở Đồng Nai, rồi lần lượt lan tới các địa phương như Bình Dương, Bình Phước, các sở ngành, địa phương của TPHCM đã tăng cường kiểm tra, giám sát địa bàn, nhất là các tuyến đường liên tỉnh, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Ông Lê Đình Đức xác định, UBND huyện Củ Chi cũng đã chỉ đạo tăng cường tần suất kiểm tra lưu động tại các địa điểm giáp ranh như cầu Bến Súc, xã Phú Mỹ Hưng; cầu Phú Cường, xã Bình Mỹ… 

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết: “UBND huyện Bình Chánh đã tăng cường kiểm tra các tuyến đường cửa ngõ vào thành phố như đường Trần Văn Giàu, quốc lộ 50, đường Nguyễn Hữu Trí… Song song đó, tăng cường tuần tra, kiểm soát đường thủy, các chợ truyền thống và điểm nghi giết mổ lậu để kịp thời phát hiện xử lý kịp thời”.

Trong trường hợp xấu nhất xảy ra DTHCP, UBND huyện đề nghị người chăn nuôi phải thông báo ngay đến UBND huyện và Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP; dừng việc vận chuyển và xử lý tiêu hủy ngay heo, sản phẩm của heo, kể cả sản phẩm đã qua chế biến chín, xác định dương tính với DTHCP. Ngoài ra, thực hiện đúng “5 không” là: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa khi chưa qua xử lý nhiệt để tránh phát tán mầm bệnh trên diện rộng. Song song đó, UBND xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh DTHCP trên địa bàn; có nhiều phương án xử lý heo nhiễm bệnh DTHCP; chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, nhân sự; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; có nguồn kinh phí, phương tiện, địa điểm chôn lấp...

Tin cùng chuyên mục