“Không có chỗ cho Hàn Quốc”
Lời kêu gọi được Nhà Xanh đưa ra sau cuộc họp khẩn kéo dài nhiều giờ của Hội đồng An ninh quốc gia Hàn quốc (NSC). Cuộc họp được tiến hành vài giờ sau khi quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiên đã phóng 2 vật thể chưa xác định về phía biển Nhật Bản. Đây là lần thứ 6 kể từ cuối tháng trước Triều Tiên tiến hành phóng các vật thể bay. Nhà Xanh nhận định rằng 2 vật thể bay vừa được Triều Tiên phóng thử là vật thể “tầm ngắn”, nhưng không tiết lộ chi tiết cụ thể.
Hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên phóng 2 vật thể từ thị trấn Tongchon ở tỉnh Kangwon lần lượt vào khoảng 8 giờ 01 và 8 giờ 16 sáng 16-8, giờ địa phương. Theo JCS, cả 2 vật thể này đã bay xa khoảng 230km và đạt độ cao tối đa 30km. Tuy nhiên, JCS chưa công bố đánh giá cụ thể về loại vật thể bay này.
Trước khi tiến hành vụ phóng mới nhất, Ủy ban Thống nhất hòa bình Triều Tiên đã ra tuyên bố không bao giờ ngồi vào bàn đàm phán với Hàn Quốc thêm lần nào nữa, bác bỏ cam kết của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc theo đuổi đối thoại với Bình Nhưỡng được đưa ra một ngày trước đó khi ông cam kết sẽ mang đến sự thống nhất vào năm 2045. Trong bài phát biểu mừng Quốc khánh Hàn Quốc ngày 15-8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nêu rõ mục tiêu “thiết lập nền hòa bình và thống nhất” trên bán đảo Triều Tiên trước năm 2045.
Người phát ngôn của Ủy ban Thống nhất hòa bình Triều Tiên nói thêm rằng Hàn Quốc đã “ảo tưởng” khi nghĩ rằng các cuộc đối thoại liên Triều sẽ nối lại sau khi cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn kết thúc. Bình Nhưỡng để ngỏ khả năng Triều Tiên sẽ đàm phán với Mỹ, nói về cuộc đối thoại sắp tới giữa hai nước, song cảnh báo rằng sẽ không có chỗ cho Hàn Quốc.
Phản ứng của Mỹ và Nhật Bản
Theo đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 16-8 đã chỉ trích việc Triều Tiên công kích phát biểu của Tổng thống Moon Jae-in trong sự kiện kỷ niệm 74 năm ngày Quốc khánh (15-8) là không phù hợp với tinh thần của Tuyên bố chung Panmunjom và Tuyên bố Bình Nhưỡng đạt được giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên trước đó. Hơn thế, điều này còn không giúp ích gì cho sự phát triển quan hệ liên Triều.
Ngày 16-8, Chính phủ Mỹ cũng cho biết đã nhận được những báo cáo về vụ phóng mới của Triều Tiên và đang phối hợp với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc để giám sát tình hình. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định Tokyo sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo an toàn cho người dân bằng cách hợp tác chặt chẽ với Mỹ và các quốc gia khác. Hôm 15-8, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya nhận định Triều Tiên có thể sẽ phóng thêm tên lửa và vì vậy, Nhật Bản sẽ tăng cường các hoạt động giám sát tình hình, ít nhất là cho tới khi các cuộc diễn tập quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc kết thúc ngày 20-8.
Trước đó, chỉ trích kế hoạch của Mỹ đưa tên lửa đến châu Á - Thái Bình Dương, Triều Tiên cảnh báo việc Washington triển khai tên lửa tầm trung tại Hàn Quốc có thể châm ngòi cho cuộc “Chiến tranh lạnh mới” và cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Trong một diễn biến khác, một quan chức quân sự cấp cao của Triều Tiên đã tới Trung Quốc trong ngày 16-8. Hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết, các quan chức Triều Tiên có thể sẽ thảo luận về việc tăng cường quan hệ quân sự song phương với các đối tác Trung Quốc và trao đổi ý kiến về tình hình địa chính trị xung quanh bán đảo Triều Tiên.