Trong khi đó, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục cảnh báo một cuộc xung đột quân sự là khó tránh khỏi.
Nguy cơ xung đột biên giới?
Theo Reuters, Trung Quốc nhấn mạnh rằng Ấn Độ phải đơn phương rút quân khỏi vùng cao nguyên Doklam tại ngã ba biên giới 3 nước Trung Quốc - Ấn Độ - Bhutan. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không đáp lại lời đề nghị của Ấn Độ trong các cuộc đàm phán, theo đó quân đội Trung Quốc cũng phải rút khỏi Doklam 250m như trước khi xảy ra căng thẳng do Trung Quốc xây dựng con đường tại đây. Ở Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẽ không bao giờ từ bỏ bất kỳ phần lãnh thổ nào. “Trung Quốc sẽ không đánh đổi chủ quyền lãnh thổ của mình”, theo một tuyên bố gửi tới Reuters khi được hỏi về các cuộc đàm phán, Trung Quốc nhắc lại rằng Ấn Độ phải rút quân vô điều kiện.
Quân Ấn Độ đã vào Doklam giữa tháng 6 để ngăn chặn Trung Quốc mở rộng con đường mà quân đội Ấn Độ cho rằng sẽ giúp quân đội Trung Quốc dễ dàng làm chủ khu vực phía Đông Bắc của Ấn Độ. Theo các chuyên gia quân sự, đây là thời điểm căng thẳng biên giới cao nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc kể từ những năm 1980, với hàng ngàn binh lính dọc biên giới dài 3.500km.
Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ tại Doklam
Tờ Global Times (Hoàn cầu Thời báo) của Trung Quốc thường có quan điểm thù địch cho rằng: “Nếu Chính phủ (của Thủ tướng) Narendra Modi tiếp tục phớt lờ cảnh báo và để tình hình vượt ra khỏi tầm kiểm soát, các biện pháp đối phó từ Trung Quốc sẽ không thể tránh khỏi”. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo về thất bại “tồi tệ hơn” của Ấn Độ so với cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi giữa 2 nước vào năm 1962.
Chuyên gia về chính sách đối ngoại của Ấn Độ C. Raja Mohan đã viết trên tờ Indian Express rằng Ấn Độ không mong muốn chiến tranh với Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj nói với Quốc hội rằng nước này sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp. Chiến tranh không thể giải quyết được vấn đề. Srikanth Kondapalli, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, nói với Indian Express: “Cơ hội xung đột thấp, không ai mong đợi Chủ tịch Tập Cận Bình chủ động gây chiến tranh trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (diễn ra vào tháng 11)”.
Tờ South China Morning Post của Hồng Công dẫn lời chuyên gia quân sự có trụ sở tại Ma Cao, ông Antony Wong Dong cảnh báo rằng sự cứng rắn của Bắc Kinh đang thúc đẩy New Delhi rời xa Trung Quốc và có thể trở thành một kẻ thù. “Trung Quốc đang chơi chiến tranh tâm lý... nhưng cần nhận ra rằng ngay cả khi họ đánh bại Ấn Độ trong một cuộc chiến tranh trên đất liền, thì không thể nào Hải quân Trung Quốc có thể phá vỡ được gọng kềm của Ấn Độ ngăn các tàu hàng của Trung Quốc đi qua Ấn Độ Dương”, ông Dong nói, chỉ ra tầm quan trọng của con đường biển thương mại qua Ấn Độ Dương.
Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu nhập khẩu và theo số liệu của các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, hơn 80% lượng dầu nhập khẩu Trung Quốc đi qua Ấn Độ Dương hoặc eo biển Malacca. Theo ông Dong, không giống như các nước Đông Nam Á, Ấn Độ chưa bao giờ phải chịu đựng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” của Trung Quốc, vì Ấn Độ có vai trò chiến lược trong khu vực.
Thế khó của Trung Quốc
Ông Sun Shihai, cố vấn cho Hiệp hội Nghiên cứu Nam Á của Trung Quốc, bày tỏ với South China Morning Post rằng ông e ngại xung đột quân sự tồi tệ nhất trong hơn 3 thập kỷ sẽ khiến tình trạng chống Trung Quốc ở Ấn Độ lên cao. Theo ông, “nếu không được giải quyết đúng đắn, vấn đề biên giới có thể có tác động lâu dài đến nỗ lực của Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng ngoại giao và kinh tế trên thế giới”. Cũng theo các chuyên gia, ngoài số tổn thất về con người, chi phí giải quyết hậu quả của một cuộc xung đột biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ khó lường trước.
Hãng tin Ấn Độ PTI dẫn lời Nisha Desai Biswal, cựu trợ lý Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Nam và Trung Á, cho rằng Trung Quốc cần phải thừa nhận rằng Ấn Độ “có khả năng chiến lược và an ninh ngày càng tăng ở khắp châu Á” và rằng “Vai trò của Ấn Độ rất đáng kể”.
Chính sách “Hướng Đông” của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong những năm gần đây đã hình thành quan hệ đối tác chiến lược với các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore và các nước Đông Bắc Á bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khuôn khổ “Đối thoại Ấn Độ - ASEAN” đầu tháng 7, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj cho biết New Delhi vẫn cam kết tăng cường hợp tác hàng hải với ASEAN, cũng như duy trì tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế trong khu vực. Các chuyên gia cho rằng việc Ấn Độ nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN và tăng cường sự hiện diện chiến lược của mình ở biển Đông có thể là một cách đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc.
Thitinan Pongsudhirak, một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn có trụ sở tại Bangkok, nói: “Ngay cả một quốc gia không phải là nước yêu sách chủ quyền ở biển Đông như Thái Lan cũng thấy một vai trò lớn hơn của Ấn Độ”. Nhưng theo Pongsudhirak, Ấn Độ vẫn còn phải học hỏi nhiều về địa chính trị của Đông Nam Á, vì vẫn còn thiếu chiều sâu về chiến lược quân sự và kinh tế. Ông nói: “Kết hợp với các cường quốc khác như Nhật Bản, Ấn Độ có thể có tác động đáng kể đến cán cân quyền lực ở Đông Nam Á”. Rajesh Manohar Basrur, một chuyên gia Nam Á thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, nhận định: “Đông Nam Á là nơi mở rộng chiến lược an ninh của Ấn Độ như một cường quốc khu vực”.
Cũng theo các chuyên gia, Trung Quốc mong muốn dùng xung đột ở Doklam để tách Bhutan khỏi ảnh hưởng của Ấn Độ. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy cuộc khủng hoảng Doklam giữa Ấn Độ - Trung Quốc và Bhutan vào năm 1966 kết thúc bằng việc tăng cường liên minh Ấn Độ - Bhutan. Từ năm 1958, bản đồ Trung Quốc bắt đầu xuất hiện nhiều vùng lãnh thổ của Bhutan. Năm 1959, Trung Quốc cũng đã chiếm một số khu vực Bhutan ở Tây Tạng. Đồng thời, khoảng 4.000 người Tây Tạng đã di tản sang Bhutan, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước này. Quân Ấn Độ từ đó cũng bắt đầu đào tạo lực lượng quân đội Bhutan. Ấn Độ cũng bắt đầu đổ viện trợ kinh tế vào nước này (tăng thêm 1.000%), hầu hết trong số đó là vào xây dựng đường sá và sân bay có giá trị chiến lược. Cuộc chiến tranh Trung - Ấn năm 1962 đã làm Bhutan thậm chí còn gần gũi hơn với New Delhi, đỉnh cao là một thỏa thuận đảm bảo an ninh chính thức của Ấn Độ với Bhutan vào năm 1963.
Thủ tướng Ấn Độ Modi đã từ chối tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, nhằm hình thành một con đường tơ lụa hiện đại nối liền châu Á với châu Âu. Trung Quốc cũng đã cảnh báo New Delhi không được tham gia vào liên minh quân sự với phương Tây do Mỹ và Nhật Bản đứng đầu, trong khi Thủ tướng Modi chủ trương tăng cường mối quan hệ gần gũi hơn với cả Mỹ và Nhật Bản.