Ngày 5-3, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya khẳng định nước này muốn giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Crimea. Tuy nhiên, trong khi Chính phủ Nga thúc đẩy hàng loạt các hoạt động ngoại giao thì Mỹ và các nước phương Tây vẫn khăng khăng đòi áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn để trừng phạt Mátxcơva.
Thiện ý từ Nga
Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm về tình hình Ukraine, và lập trường của hai bên là gần như tương đồng. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về định hướng hành động của Mátxcơva, đó là giúp giảm căng thẳng tại Ukraine và bảo đảm an ninh cho các công dân nói tiếng Nga tại Ukraine.
Tổng thống Nga Putin cũng đã điện đàm với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đặc biệt là những diễn biến mới tại nước Cộng hòa tự trị Crimea. Hai nhà lãnh đạo tin tưởng rằng hòa bình tại Crimea sẽ được bảo đảm, đồng thời khẳng định sẽ ủng hộ các cuộc tiếp xúc ở nhiều cấp độ khác nhau để thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu tự trị này.
|
Đáp lại lời kêu gọi từ phía Liên minh châu Âu (EU), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tới Tây Ban Nha và có cuộc hội đàm riêng rẽ với thủ tướng nước chủ nhà Mariano Rajoy cùng Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton. Bộ Ngoại giao Nga ngày 5-3 cho biết, tại cuộc gặp bà Catherine Ashton, Ngoại trưởng Nga S.Lavrov đã nêu rõ thỏa thuận do EU làm trung gian ký hôm 21-2 cần được coi là cơ sở để bình ổn tình hình tại Ukraine. Ngoại trưởng S.Lavrov nhấn mạnh thỏa thuận này đã dự đoán trước cải cách hiến pháp, có tính đến nguyện vọng của tất cả các khu vực ở Ukraine.
Hãng thông tấn Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Nga đang triệu tập tàu chiến quay trở lại căn cứ của Hạm đội Biển Đen, nhằm tăng cường sự hiện diện trên bán đảo Crimea, 2 tàu chiến Nga là tàu đổ bộ 150 Saratov và tàu tấn công 156 Yamal đã tiến vào Biển Đen qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lực lượng thân Nga ngày 5-3 chiếm giữ 2 căn cứ tên lửa của Ukraine ở bán đảo Crimea, trong khi Mátxcơva khẳng định không có liên quan tới những người này. Một căn cứ ở Cape Fiolent, gần thành phố cảng Sevastopol và 1 căn cứ tại thành phố Evpatoria, phía Tây bán đảo Crimea.
Mỹ, EU vẫn cứng rắn
Mỹ và EU vẫn khăng khăng cho rằng Nga đã hành động sai lầm khi đưa quân tới Ukraine. Chỉ vài giờ sau cuộc họp báo của Tổng thống Nga V.Putin về tình hình Ukraine, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng tuyên bố của ông Putin về Crimea là một sai lầm và rằng Nga đã “tự cô lập thông qua những hành động của mình trong khi vẫn có khả năng để Ukraine làm bạn với cả phương Tây và Nga”. Trong cuộc họp báo trước đó, Tổng thống Nga bác bỏ những cáo buộc rằng Nga đã triển khai binh lính tại Crimea. Ông Putin cho rằng Nga có thể sẽ triển khai các lực lượng vũ trang của mình tại Ukraine nhưng chỉ trong những trường hợp cực kỳ khẩn cấp và dựa trên quy định của luật pháp quốc tế.
Cùng với Mỹ, Thủ tướng Canada Stephen Harper cho biết, Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đang thảo luận về khả năng tổ chức một hội nghị trong tương lai gần. Các nhà ngoại giao phương Tây trước đó nói rằng cộng đồng quốc tế có thể tiến hành một hội nghị G7 như một cách trừng phạt gián tiếp đối với Nga.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết, các nhà lãnh đạo EU ngày 6-3, trong cuộc họp bất thường bàn về cuộc khủng hoảng Ukraine, có thể đề xuất những biện pháp trừng phạt bao gồm hạn chế cấp thị thực, phong tỏa tài sản của các cá nhân và thảo luận về các mối quan hệ kinh tế với Nga.
Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE cho biết đã gửi 35 quan sát viên quân sự tới Ukraine nhằm giúp giảm bớt căng thẳng tại quốc gia Đông Âu này. Theo Tổng thư ký OSCE Lamberto Zannier, các quan sát viên này không được trang bị vũ khí và đang trên đường tới Odessa, miền Nam Ukraine, một trong những thành phố có nhiều người nói tiếng Nga. Các quan sát viên này tới từ 18 quốc gia trong tổng số 57 thành viên của OSCE - trong đó có Mỹ, Pháp, Đức, Canada và Anh, với sứ mệnh kéo dài tới ngày 12-3 theo đề nghị của chính quyền thân phương Tây ở Kiev.
Cựu điệp viên CIA tiết lộ kịch bản Mỹ dàn dựng ở Ukraine
Kênh truyền hình quốc tế PressTV vừa tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine. Theo đó, trong cuộc phỏng vấn với PressTV, cựu điệp viên của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA Scott Rickard đã tiết lộ Mỹ và EU đã chuẩn bị Euromaidan (biểu tình tại Kiev) từ mấy năm trước. Theo lời cựu điệp viên này, chính quyền Mỹ đã chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước hơn 5 tỷ USD cho chiến dịch mà họ gọi là “Dự án cam”. Ông Scott Rickard thậm chí còn nêu đích danh những nhà tài phiệt rót tiền cho cuộc đảo chính vừa xảy ra ở Kiev, trong số này có nhà sáng lập mạng dịch vụ Ebay Pierre Omidyar, chuyên gia tài chính và nhà đầu tư người Mỹ George Soros. Tình hình ở Ukraine, theo nhận định của cựu điệp viên Scott Rickard, đang phát triển theo dự định và làm hài lòng chính quyền Mỹ. “Chính phương Tây đã đạo diễn “cuộc khởi nghĩa” ở Kiev. Nguyên nhân của những sự kiện này không nằm ngoài yếu tố kinh tế và địa chính trị. Phương Tây nỗ lực kéo Ukraine cũng như một số quốc gia cựu Xô-viết khác về phía NATO. Đồng thời đưa các quốc gia này gia nhập vào Liên minh châu Âu” - cựu điệp viên CIA tiết lộ với truyền thông.
| |
VIỆT ANH (tổng hợp)
- Tổng thống Putin: Nga không có ý định sáp nhập Crimea