Tình hình sốt xuất huyết (SXH) tại vùng Đông Nam bộ nói riêng và các tỉnh - thành cả nước nói chung trong thời gian gần đây diễn biến hết sức phức tạp, với hàng ngàn ca mắc. Chỉ tính riêng trong tháng 8-2015, 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã ghi nhận 6 ca tử vong. Ngành y tế các địa phương này đang “chạy đua” với việc ngăn chặn số ca SXH.
Hàng ngàn ca mắc bệnh
Trong số các “điểm nóng” về SXH trên địa bàn tỉnh Bình Dương, TP Thủ Dầu Một giữ vị trí “quán quân” về số ca mắc. Gia đình ông Lê Thành Nguyên, ngụ phường Phú Cường (TP Thủ Dầu Một), có 3 người mắc SXH, nên không khí rất căng thẳng vì lo bệnh lây lan. Ông Nguyên cho biết, lúc đầu thấy các con bị sốt nên nghĩ mắc bệnh viêm hô hấp hay sốt siêu vi bình thường, ra tiệm mua thuốc về cho con uống. Đến khi thấy trên da của con có những đốm đỏ xuất hiện mới tá hỏa đưa con đi xét nghiệm máu và phát hiện mắc SXH.
Bệnh nhân mắc SXH điều trị tại BVĐK tỉnh Đồng Nai ngày một đông
Tại phường Trảng Dài, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), tình hình SXH hiện rất căng. 5/5 khu phố của phường đều xuất hiện ca bệnh SXH. Nhiều nhà có 3 - 5 người mắc bệnh, tuy nhiên, bà con ở các khu phố vẫn còn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trường hợp của gia đình chị Văn Thị Ánh ở phường Trảng Dài là một ví dụ, nhà có 2 bệnh nhân vừa được xuất viện sau thời gian chữa trị SXH. Trước đó, chị Ánh bị SXH khá nặng gây viêm gan. Ấy vậy mà gia đình vẫn hết sức chủ quan khi không treo mùng ngủ, không cho các bé mặc áo tay dài vào thời điểm nhiều muỗi. Trong khi gần đó có nhiều khu đất trống xen kẽ nhà dân bị biến thành các bãi rác tự phát. Tại đây, các lon bia, chai nhựa chứa đầy nước mưa bị vứt tràn lan, sẽ là cơ hội để nuôi lăng quăng, sản sinh ra muỗi gây bệnh SXH.
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, đến trung tuần tháng 9, toàn tỉnh đã có khoảng 4.000 ca mắc SXH (tăng 137% so với cùng kỳ năm 2014) và đã có 2 trường hợp tử vong. Một số địa phương có số ca mắc cao như TP Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các huyện Long Thành, Trảng Bom, Định Quán. Trong khi đó, 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Dương đều có bệnh nhân mắc SXH, với con số lên đến cả ngàn trường hợp, trong đó có 4 ca tử vong. Các trường hợp này khi mắc bệnh đều đến điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập, khi bệnh diễn tiến nặng hay quá nặng mới chuyển đến các bệnh viện tuyến trên.
Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Dương cho biết, số ca SXH nhập viện điều trị liên tục tăng mạnh trong những ngày qua. Khu điều trị Nội I của bệnh viện thường xuyên quá tải, 2-3 bệnh nhân nằm chung một giường hoặc nằm riêng… trên ghế bố dọc theo hành lang bệnh viện. Khoa Nhi hiện mỗi ngày cũng điều trị khoảng 250 bệnh nhi mắc SXH, có ngày trên 300 bệnh nhi.
Cần vào cuộc quyết liệt
Nhận thức được tính nghiêm trọng của diễn biến bệnh SXH trong những tháng gần đây, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Dương vừa triển khai phun hóa chất trên diện rộng tại các nơi có bệnh nhân SXH. Trong tổng số 490 ổ dịch SXH phát hiện, đã xử lý 453 ổ dịch; đồng thời mở chiến dịch tuyên truyền sâu rộng tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Về phía tỉnh Đồng Nai, vào đầu tháng 9, Sở Y tế đã chỉ đạo trung tâm y tế, phòng y tế các địa phương phải tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các ca mắc SXH, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng. Đồng thời, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ bùng phát thành dịch. Các cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh phải chuẩn bị đầy đủ thuốc men, dịch truyền, trang thiết bị cấp cứu...
Với những diễn biến hết sức phức tạp của bệnh SXH, vào cuối tháng 8 vừa qua, tại TPHCM, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống SXH tại các tỉnh phía Nam. Số liệu tại hội nghị cho thấy, đã có gần 23.000 trường hợp mắc SXH tại khu vực phía Nam, tăng 54% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó có 16 ca tử vong. Đứng đầu danh sách các địa phương có người mắc SXH nhiều là Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM. 3 địa phương này chiếm tới hơn 50% tổng số ca mắc SXH của khu vực Nam bộ.
box: Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, thời gian vừa qua, ngành y tế đã thực hiện rất nhiều biện pháp phòng, chống SXH. Để làm tốt hơn công tác phòng, chống loại bệnh này, chính quyền các địa phương cần phân công cụ thể cán bộ làm công tác phòng chống SXH, cung cấp thêm nguồn lực cho công tác này. Đối với các trường học, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để học sinh và phụ huynh nâng cao ý thức diệt muỗi, diệt lăng quăng để tự bảo vệ mình. Ngành y tế cũng kêu gọi người dân dành 10 phút mỗi ngày để dọn vệ sinh và diệt lăng quăng. Khi bị mắc SXH, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị, tránh lây lan ra cộng đồng.
ĐỨC TRUNG