Điểm nóng về sự cố kỹ thuật xây dựng tại trung tâm thành phố là Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM tại số 97A Phó Đức Chính (quận 1), một di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố.
Năm 2012, Tập đoàn Bitexco động thổ, đào hầm xây dựng cao ốc tứ giác Bến Thành khiến công trình kiến trúc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM bị ảnh hưởng. Năm 2017, nhiều hạng mục của công trình bị hư hỏng, xuống cấp và tổng thầu thi công là Coteccons đã phải tu sửa. Thế nhưng, tình hình hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng đến mức phải cảnh báo “khu vực nguy hiểm, vui lòng không đến gần”…
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự cố kỹ thuật trong xây dựng làm hư hỏng, ảnh hưởng đến các công trình xung quanh ở khu vực trung tâm thành phố. Cách đây chưa lâu, khi cao ốc Facific (số 43-45-47 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) khởi công, đào hầm làm móng đã làm sụp đổ hoàn toàn tòa nhà của Viện Khoa học vùng Nam bộ (số 49 Nguyễn Thị Minh Khai). Hay như khi chủ đầu tư tiến hành xây dựng cao ốc Sài Gòn M&C trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) thì hàng loạt căn nhà kế cận trên đường Hàm Nghi (quận 1) bị hư hỏng, sập đổ…
Cùng với mối nguy từ dưới lòng đất của những công trình khởi công đào hầm thì hiểm họa từ trên cao cũng nguy hiểm không kém. Những chiếc cần cẩu áp sát công trình, xoay ngang dọc trên không trung cũng thường ám ảnh người đi đường, người dân sống phía dưới lẫn công nhân thi công. Những cần cẩu cao hàng trăm mét, nặng hàng chục tấn nhiều năm trời treo lơ lửng trên đầu khiến không ít người dân nội thành nơm nớp lo tai nạn chực chờ.
Yêu cầu kỹ thuật, an toàn lao động đối với công trình xây dựng khu vực trung tâm thành phố có tính đặc thù. Tuy nhiên, Luật Xây dựng cũng như những văn bản quy phạm pháp luật liên quan vẫn quy định chung chung, chưa cụ thể. Ở khu vực trung tâm đô thị, công trình xây dựng mới không chỉ đảm bảo về kỹ thuật mà an toàn lao động phải theo quy định nghiêm ngặt. Những quy định cần phải có như tầm vươn của cần cẩu có cho phép ra bên ngoài công trường hay không; khảo sát địa chất, quy trình đào hầm móng để không làm ảnh hưởng công trình xung quanh…
Do còn thiếu những quy định chi tiết, cụ thể trong quy phạm pháp luật đã dẫn đến tình trạng đơn vị thi công, chủ đầu tư làm ẩu, lờn luật. Và không ít chủ đầu tư, đơn vị thi công vẫn còn tâm lý xem sự cố trong xây dựng là rủi ro chứ không phải là thiếu sót kỹ thuật. Trong khi chờ Chính phủ, Bộ Xây dựng điều chỉnh quy định pháp luật, UBND TPHCM cần có văn bản quy định cụ thể, chi tiết nhằm ngăn ngừa sự cố trong việc xây dựng công trình ở khu vực trung tâm và có biện pháp chế tài, xử phạt nặng những trường hợp vi phạm.