Những ngày qua, giá lúa gạo ở ĐBSCL liên tục tăng cao. Hiện thương lái thu mua lúa tươi loại thường tại ruộng với giá 5.000 - 5.200 đồng/kg, lúa tươi hạt dài từ 5.600 - 5.800 đồng/kg, lúa tài nguyên từ 6.000 - 6.500 đồng/kg… cao nhất trong nhiều ngày qua.
Dù giá lúa tăng, nhưng giới thương lái ở Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long… phải chạy tìm đỏ mắt vậy mà vẫn khó mua lúa, bởi toàn vùng ĐBSCL đang vào cuối vụ thu hoạch lúa đông xuân. Do không còn nhiều lúa nên một số thương lái đành áp dụng hình thức “đặt cọc trước” để chờ mua lúa hè thu sớm trong khoảng 1 - 1,5 tháng tới, dù chưa biết thời điểm đó lúa gạo tiếp tục tăng hay giảm. Các doanh nghiệp xuất khẩu nhận định, lúa gạo lên cơn sốt là do tình hình xuất khẩu gạo đang tiến triển tốt.
Cụ thể, xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2016 đạt 1,59 triệu tấn, với giá trị 692 triệu USD, tăng 41,6% về khối lượng và tăng 40,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc đẩy mạnh mua gạo từ Việt Nam, nên các doanh nghiệp tranh thủ thu gom gạo dự trữ chờ giá. Đặc biệt, các tỉnh ĐBSCL đang bị hạn hán và xâm nhập mặn hoành hành dữ dội nhất trong vòng 100 năm qua, khiến 180.000ha lúa mùa và lúa đông xuân bị thiệt hại nặng, dẫn đến giảm sản lượng.
Lúa gạo tăng, nên nông dân các tỉnh ĐBSCL tranh thủ xuống giống vụ hè thu, để mong sớm có lúa bán. Theo Cục Trồng trọt, vụ hè thu 2016, các tỉnh ĐBSCL dự kiến sản xuất hơn 1,6 triệu ha. Vấn đề lo ngại lúc này là nếu thời tiết khô hạn kéo dài tới tháng 6 thì toàn vùng sẽ có khoảng 500.000ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực. Để giảm thiểu thiệt hại, Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân xuống giống trong tháng 4, đầu tháng 5 ở những vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu như: vùng Bắc của tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang; vùng Đồng Tháp Mười, một phần Tứ giác Long Xuyên ở Kiên Giang và An Giang; cùng một số nơi ở Cần Thơ, Hậu Giang… với diện tích khoảng 1 triệu ha.
Trong tháng 5, tập trung xuống giống ở các vùng phía Nam quốc lộ 1 cách biển 70km thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh… với diện tích khoảng 150.000ha. Đầu tháng 6, sẽ xuống giống những nơi chịu ảnh hưởng nước trời (chờ mưa) ở khu vực ven biển đến 70km thuộc các tỉnh Long An (phía Nam); Tiền Giang (phía Đông); Bến Tre (các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú); Bạc Liêu (các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân); Kiên Giang (các huyện Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên và U Minh Thượng) và Cà Mau với diện tích khoảng 350.000ha…
Khuyến cáo là vậy nhưng thực tế người dân vẫn tự ý “xé rào” xuống giống, bởi tác động khá hấp dẫn từ giá lúa đang tăng. Nhiều nông dân Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang cho biết: “Ở nông thôn quanh năm trông vào cây lúa, nếu không sản xuất lúa chẳng lẽ bỏ đất trống; trong khi chờ mưa thì phải mất 3 tháng nữa - thời gian này nông dân lấy gì sống. Vì thế, dù biết gieo sạ lúc này là rủi ro nhưng cũng phải làm liều”.
Trở lại chuyện sốt giá lúa gạo hiện nay, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đình Bích nhận định: “Xuất khẩu gạo trong quý 1-2016 tăng, nhưng chưa thể khẳng định thời gian tới giá lúa gạo tiếp tục ổn định ở mức cao kéo dài. Theo dự báo về thị trường gạo thế giới thì năm 2016, giá gạo xuất khẩu sẽ không đột biến nhiều; cung cầu không chênh lệch lớn, mà phải chờ sang năm 2017 tình hình mới hy vọng khởi sắc. Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chào bán đã cao hơn một số nước khác; vì thế nếu thị trường chựng lại thì các nhà nhập khẩu sẽ quay sang mua gạo của Myanmar, Ấn Độ, Pakistan… với giá thấp hơn. Vấn đề này đã từng xảy ra trong vài năm trước. Khi đó buộc chúng ta phải giảm lượng gạo xuất khẩu và giá lúa sụt theo là chuyện hiển nhiên”.
Từ những yếu tố trên cho thấy, việc nông dân ĐBSCL “chạy đua” xuống giống lúa trong điều kiện hạn, mặn dữ dội hiện nay sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn. Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền để nông dân hiểu nguy cơ hạn, mặn, từ đó không sản xuất lúa ở những vùng không đảm bảo nguồn nước ngọt. Bộ NN-PTNT cũng khuyến cáo người dân chủ động chuyển đổi những vùng đất lúa khó khăn sang trồng rau màu, cây ăn trái…
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng, không nên “chạy đua” theo chỉ tiêu xuất khẩu gạo bởi giá trị kinh tế mang lại trong những năm qua không cao. Vấn đề hiện nay là cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp ĐBSCL một cách hợp lý trong điều kiện biến đổi khí hậu, khô hạn, thiếu nước tưới… Theo đó, nên giảm việc xuất khẩu gạo về số lượng nhưng đầu tư nâng chất lượng để tăng giá trị. Làm được việc này phải quy hoạch vùng để trồng lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Song song đó, tích cực chuyển đổi những vùng không có lợi thế trồng lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái; nhất là vùng mặn nên chú trọng nuôi thủy sản. Việc chuyển đổi phải gắn với đầu tư bài bản về khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng, thủy lợi… thì mới mang lại hiệu quả.
HUỲNH LỢI