Ngày 30-9, hàng ngàn người dân Indonesia, đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới, tiếp tục xuống đường phản đối bộ phim của Mỹ xúc phạm đạo Hồi; nhân viên an ninh Afghanistan quay súng bắn vào quân đội NATO là những diễn biến mới nhất trong làn sóng phản đối chống Mỹ. Một lần nữa, công dân Mỹ lại trực diện với nỗi ám ảnh mà hơn một thập niên trước họ đã phải hứng chịu sau vụ khủng bố 11-9 và đang có thể làm liên lụy đến công dân nước khác.
Từ công dân phương Tây ở Philippines
Ngay sau khi Đại sứ quán Mỹ tại Philippines cảnh báo về mối đe dọa khủng bố nhằm vào người Mỹ ở thủ đô Manila của Philippines, ngày 29-9, một số nước như Anh, Canada và Australia cũng đã cảnh báo về an ninh đối với công dân của những nước này tại đây. Theo khuyến cáo của Văn phòng ngoại giao Anh tại Philippines, bất kỳ một vụ tấn công nào cũng có thể xảy ra và khuyến cáo các công dân Anh thận trọng, cảnh giác hơn. Trong khi đó, Văn phòng ngoại giao của Canada tại Philippines cũng đưa ra lời cảnh báo rằng liên tục có những báo cáo cho thấy công dân và các lợi ích của phương Tây đang bị đe dọa khủng bố ở Manila. Trước đó một ngày, Đại sứ quán Mỹ tại Philippines đã đưa ra cảnh báo rằng “các lực lượng an ninh đáng tin cậy” đã phát hiện một mối đe dọa chống lại người Mỹ ở thủ đô của Philippines và mối đe dọa trên sẽ tồn tại cho tới ngày 10-10 tới.
Trong khi đó, cả cảnh sát và quân đội Philippines đều cho biết họ không ban hành bất cứ cảnh báo nào như nói trên và họ cũng không nhận thấy có mối đe dọa cụ thể nào đối với người Mỹ, song vẫn tăng cường phối hợp để đảm bảo an ninh cho Đại sứ quán Mỹ. Chính quyền Philippines cho biết cảnh sát nước này đã được tăng cường ở thủ đô để bảo đảm an toàn không chỉ cho người Mỹ mà cả những người dân bản địa.
Đến các nhà truyền đạo Cơ Đốc nữ ở Ai Cập
Cùng ngày, Mỹ đã cảnh báo rằng các nhà truyền đạo Cơ Đốc nữ ở Ai Cập, quốc gia có đa số theo đạo Hồi, đang đối mặt với nguy cơ bị tấn công khủng bố, đồng thời hối thúc họ hãy cảnh giác. Trong một cảnh báo an ninh trên trang web của mình, Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Cairo của Ai Cập cho biết đã nhận được “thông tin đáng tin cậy” về khả năng xảy ra các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các nhà truyền đạo Cơ đốc nữ người Mỹ ở quốc gia Bắc Phi này. Do đó, Đại sứ quán Mỹ hối thúc các công dân nước này cần đề cao cảnh giác, áp dụng các biện pháp đề phòng cần thiết để duy trì an ninh cá nhân, đồng thời kêu gọi người Mỹ đảm bảo rằng họ có thể được các phái bộ ngoại giao liên lạc trong tình huống khẩn cấp. Những người Thiên Chúa giáo Coptic chiếm 6% - 10% trong tổng số 82 triệu dân Ai Cập thường xuyên phàn nàn về việc bị phân biệt đối xử và gạt ra ngoài rìa xã hội. Họ cũng là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công giáo phái và nay càng cảm thấy lo sợ sau khi các thế lực Hồi giáo lên cầm quyền.
Trước làn sóng chống Mỹ cùng các vụ tấn công cơ quan ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài, Washington đã phải huy động lực lượng để tăng cường an ninh ở khắp các đại sứ quán trên thế giới. Tổng thống Obama “cực chẳng đã” phải kêu gọi lãnh đạo các nước Hồi giáo giúp dập tắt làn sóng căm thù Mỹ đang dâng cao tại các nước này. “Cơn sóng thần” này làm Washington chao đảo bởi các cuộc tấn công nhằm từ cơ quan ngoại giao của Mỹ đến công dân Mỹ ở nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, làn sóng chống Mỹ hiện nay là hậu quả của một “chuỗi” những chính sách của Mỹ và các đồng minh phương Tây đối với các nước Hồi giáo. Thực tế cho thấy, bộ phim nêu trên chỉ như “giọt nước làm tràn ly” sự phẫn nộ của người Hồi giáo đối với Mỹ.
| |
Hạnh Chi (Tổng hợp)