Đặc sản rượu, mật nho Ninh Thuận

Cảnh báo về chất lượng

Quy trình sản xuất rượu, mật nho truyền thống (không dùng hóa chất)
Cảnh báo về chất lượng

Nói đến đặc sản của tỉnh Ninh Thuận, nhiều người nghĩ ngay đến rượu vang nho và mật nho. Đặc sản nổi tiếng này đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện đời sống người dân nơi đây. Thế nhưng, ngoài sự nổi tiếng ấy, rượu vang nho và mật nho ở Ninh Thuận đang tồn tại những “uẩn khúc” về chất lượng. Từ một số lá đơn tố cáo gửi đến CLB Chống hàng giả và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Báo SGGP, chúng tôi đã về tận Ninh Thuận để tìm hiểu thực hư.

  • Làm sạch nho theo kiểu.. cho có
Cảnh báo về chất lượng ảnh 1
Khách du lịch rất thích ghé các quán bán rượu, mật nho tại Ninh Thuận nhưng chất lượng các sản phẩm này đang bị thả nổi.

Tỉnh Ninh Thuận hiện có trên 1.500 ha trồng nho, chất lượng nho không thua kém nho ở vùng ôn đới. Cây nho Ninh Thuận trồng tập trung chủ yếu tại các xã Phước Hậu, Phước Sơn, Phước Nam, Phước Thuận, Phước Dân, một phần khu Tân Giang, Bầu Zôn, Lanh Ra (huyện Ninh Phước) và Thành Hải, Đô Vinh Phước Mỹ (TP Phan Rang - Tháp Chàm). Ngoài việc đưa trái nho đi bán khắp các nơi, các vựa nho này mỗi năm giữ lại khoảng 2.500 - 3.000 tấn nho nguyên liệu (trong tổng số sản lượng hàng năm khoảng 60.000 - 65.000 tấn) để chế biến từ 1,8 đến 2 triệu lít rượu vang nho.

Dọc quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Ninh Phước, có rất nhiều cửa hàng kinh doanh buôn bán các loại đặc sản của địa phương này như rượu vang nho, mật nho, mứt nho, tỏi, nước mắm… theo kiểu kinh doanh hộ cá nhân. Một số cửa hàng lớn thu hút rất nhiều xe du lịch, xe khách đường dài tấp vào mua. Có điều là ít ai biết là những sản phẩm đó được sản xuất theo quy trình như thế nào. Theo chị N.H.K (30 tuổi), một người chuyên bán hàng ven quốc lộ 1A cho biết: “Một số chủ sản xuất rượu nho kém ý thức sản xuất với quy trình rất mất vệ sinh. Nếu sản xuất đúng chất lượng phải sử dụng nho tươi bằng chùm, đằng này họ lại sử dụng nho hư, úng. Sau khi đem về, họ đổ vào hồ rửa dơ bẩn có nước đen như bùn, rồi đem nấu…”.

Để minh chứng cho nhận xét của mình, chị N.H.K dẫn chúng tôi vào một quán nằm gần cây xăng Hoài Phúc, xã Phước Dân, huyện Ninh Phước. Theo quan sát của chúng tôi, “công nghệ” làm sạch nho tại quán này đúng như lời chị N.H.K nói. Sau khi mua nho từ vựa về, nhân viên tại đây đổ ào vào hồ nước thể tích 1mx3m, tiếp đó, nhân viên vớt nho ra và đi nấu mà không hề lượm rác hay loại bỏ những trái hư, thúi. Khi tôi thắc mắc, một nhân viên còn cho biết: “Nho có lớp phấn bên ngoài, đó là lớp phấn mang tác dụng lên men. Nếu đem rửa sạch mất lớp phấn đó thì rượu, mật chế biến sẽ không ngon. Thậm chí, không cần rửa nho cũng được (?)”.

  • Cạnh tranh không lành mạnh - Nỗi lo “giết chết” nghề truyền thống

Trao đổi với chúng tôi, một người thâm niên 20 năm trong nghề làm rượu vang nho, mật nho tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước cho biết, hiện nay rượu, mật nho được sản xuất tại địa phương này có thể bằng máy hoặc thủ công. Phương pháp sản xuất bằng máy chỉ được áp dụng ở một vài cơ sở chế biến lớn, còn số đông còn lại làm theo phương pháp lên men thủ công. Nhưng dù áp dụng phương pháp gì thì yêu cầu đảm bảo tính nguyên chất và vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn phải đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, tại Ninh Thuận lại đang nảy sinh sự cạnh tranh khốc liệt giữa 2 “phe”.

Một bên là những hộ sản xuất nhỏ lẻ theo phương pháp truyền thống với ý thức giữ uy tín thương hiệu và một bên là một vài cơ sở “hoành tráng” sử dụng phương pháp pha chế rượu nho không tuân thủ đúng quy tắc, sử dụng chủ yếu là nước lạnh và hóa chất. Chị M.U (45 tuổi), chủ một cơ sở sản xuất rượu vang-mật nho theo kiểu truyền thống cho biết: Những năm gần đây, một số quán lớn với cơ ngơi bề thế mọc lên, đã hút hầu hết khách hàng của các cơ sở truyền thống. Một số quán dù không đảm bảo an toàn vệ sinh nhưng nhờ vốn lớn, thiết kế bao bì đẹp, “ăn chia” tiền với các tài xế xe khách liên tỉnh nên lúc nào cũng đông khách.

Rất nhiều chủ cơ sở sản xuất theo kiểu truyền thống cho biết, cơ sở truyền thống làm đúng phương pháp, giữ vệ sinh thực phẩm thì lượng rượu nho sản xuất ra chậm và ít, không lãi nhiều nhưng vẫn phải duy trì vì uy tín thương hiệu. Ngược lại, dù nho đang “đứt lứa” (tức là đến mùa khan hiếm nho), nhưng một số quán lớn vẫn bán ra hàng trăm lít rượu, mật nho mỗi ngày bởi phương pháp pha chế bằng… hóa chất.

Anh Đức Huy, chủ một cơ sở sản xuất rượu mật nho truyền thống cho biết tiếp: “Rượu nho để càng lâu càng ngon nhưng lâu quá thì rượu cũng như mật đều hư. Với tình trạng nho đứt lứa như hiện nay, những quán lớn đó chắc chắn không đủ lượng nho cung ứng và họ buộc phải pha chế thêm nước lạnh để bán trong ngày. Những quán nhỏ, bán hàng được ít sẽ không dám pha chế theo kiểu đó vì sản phẩm rất mau hư”.

  • Đặc sản Ninh Thuận pha hóa chất từ TPHCM ?

Một mối nguy hiểm khôn lường cho người tiêu dùng khi các nhà sản xuất rượu, mật nho “phi đạo đức” dùng hóa chất bỏ vào khi pha chế. Đặc tính rượu nho có gas rất mạnh, nếu pha vào nước sẽ gây nổ. Để tránh gây nổ, một số cơ sở đang dùng loại hóa chất kiềm chế việc này. Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều chủ cơ sở sản xuất rượu, mật nho truyền thống bức xúc “tố cáo” cách làm ăn gian dối của một số cơ sở khi sử dụng một loại bột mang hình khối tròn nhỏ như hạt gạo, màu trắng, mùi xốc. “Loại hóa chất này chủ yếu bán tại TPHCM và chắc chắn gây nguy hiểm cho sức khỏe con người” - anh Huy bức xúc nói.

Theo tìm hiểu của CLB Chống hàng giả và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Báo SGGP, loại hóa chất trong bài viết đề cập được bày bán tại chợ hóa chất Kim Biên, quận 5, TPHCM, tên thường gọi là “sùng”. Có 2 loại: “sùng” của Trung Quốc giá 30.000 đồng/kg, “sùng” của Mỹ giá 40.000 đồng/kg. Loại “sùng” của Trung Quốc hình dạng to hơn “sùng” của Mỹ. Điều nguy hại hơn là một số cơ sở sản xuất rượu, mật nho tại Ninh Thuận đang tự do sử dụng “sùng” nhằm gia tăng lợi nhuận, bất chấp lợi ích người tiêu dùng.

Còn chị Tố Oanh, cũng là chủ một cơ sở sản xuất rượu mật nho truyền thống tại thị trấn Phước Dân cho biết thêm: “Ở đây, nhiều người biết chính xác cơ sở nào đang pha nước lạnh vào rượu và bỏ hóa chất vào mật nho. Cứ 100 lít mật nho họ lại bỏ nửa ký hóa chất. Điều này làm mất uy tín thương hiệu đặc sản từ nho Ninh Thuận. Điều đặc biệt là tình trạng này tồn tại đã lâu nhưng chúng tôi không biết kêu ai, nhiều lần tố cáo với cơ quan chức năng mà sự việc đâu vẫn vào đó”.

Theo quan sát của chúng tôi, việc sản xuất các sản phẩm rượu, mật nho tại Ninh Thuận đang thiếu sự giám sát chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm về quy chế ghi nhãn mác. Các nhà sản xuất cũng không thực hiện theo một tiêu chuẩn quy định nào và nếu kèm theo hóa chất như trên thì thiệt hại lớn nhất vẫn là người sử dụng, xa hơn, uy tín của một làng nghề truyền thống chuyên sản xuất đặc sản từ nho Ninh Thuận cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Khi chúng tôi thực hiện bài phóng sự này, rất nhiều chủ cơ sở nhỏ lẻ dù lo lắng trước “thế lực” của một số cơ sở lớn, sợ bị trả thù nhưng hầu hết đều cho biết sẵn sàng đứng ra tố cáo cách làm ăn gian dối nếu cơ quan chức năng cần. Mọi người cho rằng, đã đến lúc chính quyền phải mạnh tay xử lý những cơ sở có vi phạm nhằm đảm bảo sự công bằng cho ngành sản xuất rượu, mật nho truyền thống và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

CÔNG QUANG

Quy trình sản xuất rượu, mật nho truyền thống (không dùng hóa chất)
Nho sau khi rửa sạch, loại bỏ trái hư, thúi ra để thật ráo nước thì đặt vào 1 xô to, ủ với đường. Cứ 1 lớp nho là 1 lớp đường theo tỷ lệ 10kg nho-4kg đường. Ủ trong xô đậy kín khoảng 1 tháng cho đến khi nho rục ra thì vắt lấy nước. Lọc 5 lần để loại bỏ hạt và xác nho. Nho xanh có vị chua, độ nồng cao rất thích hợp cho sản xuất rượu.
Cách nấu mật nho cũng khá đơn giản. Để mật ngon, ngọt, người ta thường chọn nho chín hoặc nho đỏ. Sau khi làm sạch đem bỏ vào 1 nồi to. Mỗi nồi nấu được khoảng 50kg nho trở lên tùy loại. Cũng như rượu, nấu mật nho theo tỷ lệ 10kg nho-4kg đường. Nấu liu riu lửa trong thời gian 1 ngày đến 3 ngày cho đến khi nào nho rục, keo lại. Sau đó lọc để loại bỏ hạt, xác nho, nước còn lại là mật nho. Hiện nay, những cơ sở bán đắt thì trung bình một ngày nấu khoảng 50-60 kg đến 1 tạ nho trái (cho ra khoảng 100-200 lít mật nho).

Tin cùng chuyên mục