Hầu hết trong các phim Việt có cảnh bắn súng, cháy nổ… thế nào cũng xảy ra tai nạn không nhiều thì ít. Sau mỗi cảnh quay, điều khiến cả đoàn phim vui mừng, thở phào chính là không có sự cố nào, không có ai bị thương.
Lâu nay, mỗi khi phải sử dụng hiệu ứng cháy nổ, bắn nhau trong phim Việt, chuyên gia cháy nổ thường sử dụng thuốc đen hoặc thuốc nổ TNT. Thuốc đen dùng cho hiệu ứng nổ trên người và cháy nổ vào ban đêm; còn thuốc nổ TNT dùng cho hiệu ứng cháy nổ vào ban ngày. Hiện nay, chỉ có 2 hãng phim truyện lớn là Hãng phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải Phóng có ban - tổ chuyên gia cháy nổ với đội ngũ những người làm nghề có chuyên môn, được học tập, đào tạo bài bản, có chứng chỉ do quân đội cấp. Hãng phim truyện Việt Nam có một kho thuốc súng cách hãng 20km và kho này cũng cách xa khu dân cư. Với Hãng phim Giải Phóng, để đảm bảo an toàn, sau khi phim quay xong, nếu thuốc nổ, thuốc súng còn dư đều ký gửi vào kho của quân đội. Khi cần dùng, hãng làm công văn xin lấy lại.
Từng tham gia đóng nhiều cảnh nguy hiểm trong một số bộ phim của Mỹ và của Việt Nam, Johnny Trí Nguyễn cho biết: “Các cảnh cháy nổ, khói lửa trong phim Mỹ khá an toàn. Khi nổ chỉ làm cho diễn viên văng xa như có ai xô té, chứ không có sức ép gây nguy hiểm hoặc làm bị thương. Đất cát, cành cây văng tung tóe cũng được làm bằng mút xốp hoặc chất liệu mềm, không làm diễn viên bị trầy xước. Nói chung, các cảnh nổ chỉ có lực đẩy, không có sức công phá. Ở Việt Nam, đạn được dùng trong các cảnh quay là đạn mã tử tự chế hoặc vỏ đạn cũ làm lại nên không an toàn và khá nguy hiểm. Khi làm phim Bẫy rồng, lúc quay cảnh bắn nhau, đạn bắn ra trúng hai người đoàn phim gây chảy máu. Anh quay phim bị nặng hơn, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu”.
Diễn viên Dustin Nguyễn cũng chia sẻ cảm giác lo lắng này: “Người làm khói lửa, cháy nổ tại Việt Nam hiện nay đa phần hơi… liều mạng và ẩu. Khi tham gia phim Dòng máu anh hùng, chúng tôi suýt gặp nguy hiểm. Khi được giao khẩu súng cho cảnh bắn nhau sẽ quay, tôi đã hỏi anh cháy nổ sao không bắn thử, anh ấy bảo không sao. Tôi nói anh ấy thử bắn vào cành cây xem thế nào; trước khi bắn, anh ấy còn khẳng định với tôi là an toàn, không sao. Nhưng khi bắn cái đùng, cành cây gãy luôn. Nếu không kiểm tra trước, tôi cứ bắn vào bạn diễn, thế nào cũng có tai nạn rồi. Giờ đây làm phim, nếu có cảnh cháy nổ, khói lửa mà tôi thấy không an toàn thì tôi sẽ không làm nữa; nếu buộc phải có cảnh ấy, tôi sẽ mời chuyên gia nước ngoài - dù thù lao cho họ là rất mắc”.
Đạo diễn Chalie Nguyễn cũng khẳng định: “Nước ngoài họ không dùng đồ thật để tạo cháy nổ trong phim như Việt Nam. Họ dùng chất hóa học để tạo ra và đạt được hiệu ứng về hình ảnh nhưng không có sức công phá và gây thương tích. Việt Nam hay dùng thuốc nổ TNT, như thế rất nguy hiểm mà hiệu quả điện ảnh lại không đạt được bao nhiêu; vì dùng thuốc nổ thiệt diễn viên không được đứng gần nơi có cháy nổ, mà đứng xa máy quay lại không bắt được hình ảnh sắc nét. Trong phim của tôi cần cháy nổ, nếu chuyên gia cháy nổ Việt Nam nói dùng TNT là tôi không dùng. Nếu thấy nguy hiểm, tôi sẽ mời chuyên viên Thái Lan qua hỗ trợ”.
Ý kiến của một người trong nghề khiến chúng ta phải suy nghĩ: “Tai nạn, sự cố trên phim trường Việt trong các cảnh cháy nổ, khói lửa là do các chuyên gia khói lửa của ta thiếu nguyên vật liệu, thiếu tiền và ít thời gian đầu tư”. Nhưng việc quản lý, tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về súng ống, đạn dược, thuốc nổ, chất gây cháy… cũng sẽ hạn chế tối đa rủi ro, tai nạn.
NHƯ HOA