Việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp với Cục Trồng trọt và Sở NN-PTNT 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ký kết biên bản ghi nhớ về việc liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo các cánh đồng lớn tuần qua cho thấy sẽ có bước chuyển căn bản trong việc sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL.
PGS-TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, từng cho rằng cánh đồng mẫu của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) mở hướng cho việc kết nối những hộ dân sản xuất nhỏ với thị trường lớn. Nhưng mô hình này khó có thể nhân rộng vì không phải DN nào cũng có điều kiện về con người và tiềm lực như AGPPS để có thể ký kết trực tiếp với từng nông hộ và cử cán bộ kỹ thuật cùng ra đồng với nông dân. Vì điều này, thời gian qua, các DN thuộc VFA tỏ ra ngần ngại.
Theo kế hoạch, đến năm 2020 AGPPS sẽ mở rộng lên hơn 300.000ha ở nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Như vậy còn hơn 1 triệu ha đất lúa cần phải có sự liên kết với DN theo cách khác để nâng cao chất lượng lúa gạo, đáp ứng nhu cầu thị trường. Thời gian qua một số DN thuộc VFA phối hợp với các DN cung ứng vật tư nông nghiệp và ngành nông nghiệp tại chỗ để tạo thành một số cánh đồng liên kết (CĐLK). Giờ đây, VFA chính thức bật đèn xanh. Vì vậy, việc ký kết giữa các bên và triển khai ngay vụ đông xuân 2013-2014 hứa hẹn nhiều dấu hiệu tích cực cho việc trồng lúa xuất khẩu khu vực này.
Các Sở NN-PTNT chọn điểm xây dựng CĐLK, chọn hợp tác xã đại diện cho người dân và giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa các bên. DN sẽ gắn với các ngành nông nghiệp tại chỗ để có đội ngũ kỹ thuật tiếp sức, hướng dẫn quy trình chăm sóc, đồng thời liên kết với các DN cung cấp đầu vào trực tiếp cho nông dân (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật). Cục Trồng trọt kiểm tra các quy trình sản xuất, xác định bộ giống lúa xuất khẩu cho từng vùng nguyên liệu.
Việc phân chia liên kết xây dựng vùng nguyên liệu giữa DN và các địa phương có sự tham gia ý kiến và thống nhất của VFA, Sở NN-PTNT cùng Cục Trồng trọt để tránh sự tranh chấp vùng nguyên liệu có thể xảy ra. Mỗi CĐLK khoảng 500-1.000ha. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khuyến khích các DN xuất khẩu gạo ưu tiên xây dựng CĐLK ở các xã nông thôn mới. Chủ tịch VFA, ông Trương Thanh Phong, cho biết các DN của VFA ưu tiên mua hết lúa gạo của người dân CĐLK các tỉnh và tổ chức lại đội ngũ hàng sáo tại chỗ.
Theo Cục Trồng trọt, sẽ làm từng bước để hoàn chỉnh mô hình, không nôn nóng vì có thể dẫn đến thất bại, tránh gây tâm lý hoang mang không đáng có. Vì vậy, dự kiến vụ đông xuân 2013-2014 sẽ xây dựng CĐLK ở 13 tỉnh với khoảng 40.000ha, và sẽ tăng qua từng vụ để đến năm 2015 là 100.000ha và đạt 1 triệu ha vào năm 2020. Các DN sẽ ký hợp đồng đặt hàng nông dân trong vùng nguyên liệu sản xuất 1 - 2 giống lúa, cam kết tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong vùng nguyên liệu theo giá thị trường. Các DN cũng đảm nhận việc tổ chức lại hệ thống thương lái làm dịch vụ thu mua lúa vùng nguyên liệu. VFA sẽ xây dựng và đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu gạo để phát triển liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu lúa gạo.
ĐĂNG LÃM