Cánh đồng lớn chỉ đạt 4% diện tích đất nông nghiệp

Thông tin từ cuộc họp sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 62/2013 của Thủ tướng chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn do Bộ NN-PTNT, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức ngày 10-11 tại TPHCM cho thấy, tốc độ mở rộng diện tích cánh đồng lớn còn chậm.

(SGGP).- Thông tin từ cuộc họp sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 62/2013 của Thủ tướng chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn do Bộ NN-PTNT, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức ngày 10-11 tại TPHCM cho thấy, tốc độ mở rộng diện tích cánh đồng lớn còn chậm.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi tập trung nhiều nhất diện tích cánh đồng lớn, chỉ đạt 11% tổng diện tích canh tác lúa. Trên cả nước, diện tích cánh đồng lớn xấp xỉ 4%. Một số tỉnh miền núi (Cao Bằng, Bắc Kạn…) vẫn chưa có phương án hay dự án cánh đồng lớn. Tỷ lệ thành công hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản 20%-30% đối với lúa, cao nhất trên 70%. Tình trạng doanh nghiệp (DN) hoặc nông dân “bẻ kèo” vẫn còn phổ biến. Cả DN và nông dân đều thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất nhưng việc tiếp cận vốn ở các cánh đồng lớn rất khó khăn, nhất là hợp tác xã (HTX).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, liên kết sản xuất theo chuỗi, phát triển kinh tế hợp tác là xu thế để nâng sức cạnh tranh, nhất là khi vào hội nhập, nhưng còn 33 tỉnh chưa triển khai cánh đồng lớn, 23 tỉnh chưa quy hoạch… Vấn đề là địa phương không có tiền, việc chỉ đạo, triển khai chính quyền các cấp chưa quyết liệt; thiếu các tổ chức nông dân hoạt động có hiệu quả. Các HTX và tổ hợp tác  chưa đảm nhận tốt khâu tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng nông sản theo quy trình sản xuất tiên tiến, hỗ trợ nông dân thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Tình trạng đất đai manh mún, nhỏ lẻ, hạ tầng phục vụ sản xuất yếu kém, gây khó khăn cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, khiến DN gặp khó trong việc xây dựng vùng nguyên liệu. 

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục