Cánh đồng mẫu lớn - Lời giải bài toán thoát nghèo

Nhân rộng mô hình cánh đồng lớn
Cánh đồng mẫu lớn - Lời giải bài toán thoát nghèo

“Năng suất và chất lượng lúa đạt cao, nông dân trúng mùa là niềm vui lớn. Trong đó, nông dân ĐBSCL đóng góp rất lớn, góp phần đưa ngành nông nghiệp vượt chỉ tiêu tăng thêm 1 triệu tấn lương thực do Chính phủ đặt ra trong năm 2011” - đó là nhận định của Thứ trưởng Bùi Bá Bổng tại Hội nghị sơ kết sản xuất lúa năm 2011 và triển khai vụ đông xuân 2011-2012 tại các tỉnh Nam bộ được tổ chức tại Hậu Giang ngày 28-10. Cơ hội đang rộng mở nhưng không ít thách thức đang đặt ra đối với nông dân ĐBSCL để gia tăng lợi nhuận, tiến tới làm giàu.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo thắng lớn trong năm 2011.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo thắng lớn trong năm 2011.

Nhân rộng mô hình cánh đồng lớn

Nhiều gam màu sáng đã tạo dấu ấn trong sản xuất lúa gạo năm 2011. Nông dân ĐBSCL tiếp tục là hạt nhân, đóng vai trò chủ lực trong đảm bảo an ninh lương thực và tạo ra nguồn nguyên liệu xuất khẩu. Nếu nhìn lại từ đầu năm, trước yêu cầu gia tăng 1 triệu tấn lương thực trong bối cảnh nhiều thách thức do thời tiết bất thường, ngành nông nghiệp không khỏi lo lắng nhưng đến nay ngành nông nghiệp có thể “thở phào” khi những số liệu thống kê từ thực tế rất khả quan.

Theo đó, tổng diện tích sản xuất lúa vùng Nam bộ đạt 4,5 triệu ha, tăng gần 130.000ha, năng suất bình quân trên 5,6 tấn/ha, sản lượng đạt 25,2 triệu tấn, tăng 1,71 triệu tấn so với năm 2010. Trong đó, ĐBSCL chiếm hơn 4 triệu ha, tăng 113.267ha, sản lượng hơn 23 triệu tấn, tăng 1,52 triệu tấn so với năm 2010.

Với giá thành từ 3.000 – 4.000 đồng/kg lúa, giá bán lúa hàng hóa bình quân trên 6.000 đồng/kg, nông dân ĐBSCL đạt lợi nhuận từ 40%-60% trên 3 vụ lúa trong năm 2011 là một kỳ tích. Trong đó, bước đầu mô hình xây dựng cánh đồng mẫu lớn mang lại hiệu quả thiết thực. Hơn 6.400 hộ nông dân 12/13 tỉnh, thành ĐBSCL tham gia hình thành khoảng 8.000ha lúa sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. 

“Các chủ trương đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã và đang đi vào đời sống. Sản xuất lúa và xuất khẩu gạo có nhiều thuận lợi, tạo đà cho việc đầu tư canh tác lúa, lợi nhuận trong sản xuất lúa đang đạt mức cao, nông dân có tích lũy và tái sản xuất hiệu quả. Cơ cấu giống lúa đang dần được cải thiện theo hướng chất lượng cao, năng suất bình quân gia tăng, thị trường tiêu thụ rộng mở cả trong và ngoài nước. Chương trình cánh đồng mẫu lớn, ghi chép sổ tay sản xuất lúa theo VietGAP, đang dần phát huy tác dụng, kích thích nhiều tổ chức, doanh nghiệp và nông dân tham gia. Đây là những tiền đề quan trọng để nông dân ĐBSCL đưa nền sản xuất lúa tiến thêm một bước” – TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt nhận định.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Bùi Bá Bổng, không có cánh đồng mẫu lớn, nông dân ĐBSCL tiếp tục nghèo. Cánh đồng mẫu lớn là điểm tựa để triển khai đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đây là mô hình cần nhân rộng, phấn đấu đạt khoảng 50.000ha trong năm 2012 và 100.000ha trong năm 2013, từ từ tiến tới sản xuất 1 triệu ha. Đây cũng là mô hình để thực hiện nông thôn mới”.

Tạo đột phá cho thương hiệu gạo Việt Nam

Xuất khẩu gạo sẽ vượt mức 7 triệu tấn trong năm 2011. Trong đó, số lượng gạo thơm tăng mạnh (có khả năng đạt 400.000 tấn) là điểm nhấn của Việt Nam. Dù Việt Nam có cơ hội để qua mặt Thái Lan trong xuất khẩu gạo năm 2012, nhưng theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chuyện đó không nói lên điều gì. Quan trọng hơn, cần giải pháp để xuất khẩu ổn định, mang lại hiệu quả cho nông dân và doanh nghiệp.

Ông Bảy cho rằng VFA định hướng số lượng xuất khẩu gạo trong năm 2012 từ 6,5 đến 7 triệu tấn. Thị trường gạo trên thế giới có nhiều tín hiệu khả quan, tuy nhiên hiện nay có quá nhiều doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo (khoảng 140 doanh nghiệp). VFA đang lo ngại các doanh nghiệp ngoài ngành lúa gạo và nước ngoài nhảy vào gây ra tình trạng tranh mua, tranh bán, càng rối chứ chưa hẳn tốt. Chính vì vậy, Bộ Công thương cần chốt lại danh sách đăng ký kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang, hiện nay còn hai tồn tại lớn cần phải giải quyết căn cơ. Đó là khâu quy hoạch và quản lý vùng lúa chất lượng cao ở ĐBSCL chưa ổn – chưa có quy trình cụ thể. Mối liên kết bốn nhà trong bao tiêu nông sản còn rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do chưa xác định được nhân tố nào quyết định cho chuỗi liên kết.

Theo Thứ trưởng Bùi Bá Bổng, sản xuất lúa vụ 3 là chủ trương đúng. Sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ quy hoạch lại hệ thống đê bao gắn với đường và các tuyến dân cư vùng lũ đồng bộ theo hướng sản xuất bền vững. Các địa phương như Đồng Tháp, An Giang sẽ thay phiên xả lũ (ngưng làm lúa vụ 3). Không nhất thiết phải tăng diện tích lúa vụ 3, chỉ khi nào dự báo nông dân sản xuất có lãi mới mở rộng diện tích. Các tỉnh ĐBSCL cần huy động nhiều nguồn lực để mở rộng hệ thống sấy lúa, nâng cao chất lượng.

“Mục tiêu xuất khẩu gạo trong thời gian tới phải xây dựng được thương hiệu quốc gia cho hạt gạo Việt Nam, chủ lực là gạo trắng hạt dài bao gồm một nhóm giống siêu tốt, gắn với chuẩn sản xuất Global GAP. Đây là cú đấm mạnh để tạo thương hiệu quốc gia cho hạt gạo” – Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh.

Cao Phong

Tin cùng chuyên mục