Cánh đồng thông minh

Theo đơn đặt hàng của UBND tỉnh Đồng Tháp, Công ty Rynan Agrifoods đang xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh cho những loại nông sản chủ lực của tỉnh. Sử dụng phân bón thông minh là bước đi đầu tiên và đã cho kết quả khả quan.
Cánh đồng thông minh

Theo đơn đặt hàng của UBND tỉnh Đồng Tháp, Công ty Rynan Agrifoods đang xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh cho những loại nông sản chủ lực của tỉnh. Sử dụng phân bón thông minh là bước đi đầu tiên và đã cho kết quả khả quan.

San phẳng ruộng bằng tia laser - kỹ thuật canh tác mới ở ĐBSCL. Ảnh: SONG HỶ

Làm ruộng thời công nghệ

Vào những ngày cuối tháng 7-2016, cánh đồng bạt ngàn hơn 1.000ha của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đang vào giai đoạn lúa chín. Nông dân, lãnh đạo tỉnh và chuyên gia nước ngoài liên tục đến tham quan, tìm hiểu bởi đây là nơi đầu tiên sản xuất lúa bằng phân bón thông minh được Công ty Rynan Agrifoods nghiên cứu thành công. Ông Lê Thanh Hiệp, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến, cho biết: “Phân bón thông minh chỉ rải một lần trước khi gieo sạ và tự tan trong 60 ngày theo nhu cầu hấp thụ dinh dưỡng của cây lúa. Còn bình thường, phải rải phân tới 5 lần. Phân bón này còn diệt được ốc bươu vàng và cỏ nên nông dân khỏi phun thuốc, giúp chi phí giảm. Năng suất chắc chắn tương đương hoặc cao hơn, chất lượng lúa gạo cũng cao hơn làm theo cách truyền thống. Tất cả xã viên của HTX đề nghị cho họ tiếp tục sử dụng phân bón thông minh từ vụ tới”.        

Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Rynan Agrifoods (có trụ sở tại Trà Vinh), phân bón thông minh được ông nghiên cứu và thử nghiệm thành công tại Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan suốt gần 4 năm qua. Kích cỡ hạt phân bón thông minh cũng tương đương như phân bón DAP hay N-P-K trên thị trường, nhưng có lớp chất dẻo nano bao bọc. Bên ngoài cùng còn có thêm lớp chất dẻo giống như bao viên thuốc con nhộng trong ngành dược phẩm. Các lớp chất dẻo này có tích hợp thuốc diệt ốc bươu vàng và diệt cỏ nên nông dân không cần phải phun thuốc. Các nghiên cứu cho thấy, cây lúa có thời gian sinh trưởng 90 - 100 ngày, chỉ hấp thu chất dinh dưỡng từ phân bón cho đến khoảng 60 ngày tuổi. Cho nên ông đã nghiên cứu giải pháp làm cho phân bón tan chậm trong 10 ngày đầu, 95% lượng phân còn lại sẽ tan nhanh trong 50 ngày sau đó. “So với phân tan chậm mà Israel, Mỹ, Nhật Bản, Canada đang sử dụng thì phân bón thông minh của Công ty Rynan Agrifoods có thêm một số thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch hại; hàm lượng các chất N-P-K-vi lượng được thiết kế theo đặc điểm từng vùng đất khác nhau và tan chậm có kiểm soát nên tỷ lệ thất thoát cao nhất cũng chỉ 2%”, ông Mỹ nói.

Giảm phát khí thải nhà kính

 

* UBND tỉnh Đồng Tháp đã đặt hàng Công ty Rynan Agrifoods và Tập đoàn Mỹ Lan nghiên cứu bao bì có thể bảo quản xoài trong 30 ngày, nhãn trong 7 ngày, hoàn toàn không sử dụng hóa chất bảo quản nhằm mục đích xuất khẩu. Kết quả ban đầu, các mẫu thử nghiệm đều cho kết quả hơn cả mong đợi. Xoài Cao Lãnh giữ được 35 ngày vẫn xanh, màu sắc như mới thu hoạch; nhãn 10 ngày lá vẫn xanh, màu sắc trái đẹp, chất lượng trái không thay đổi. Theo Công ty Rynan Agrifoods, bao bì thông minh là màng nhựa có nhiều lớp, ở giữa có lớp EVOH (cản khí), được bơm khí cải tiến (tỷ lệ khí O2 và CO2 khác nhau) để ức chế quá trình “thở” của trái cây. Trên bao bì có van một chiều chỉ cho khí CO2 và Ethylene (C2H4) thoát ra ngoài (khí Ethylene làm trái cây mau chín). Kỹ thuật này giúp bảo quản nông sản được lâu mà không sử dụng hóa chất nên rất an toàn cho sức khỏe.

NGUYỄN THI

 

Mô hình cánh đồng thông minh tại tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng sẽ có quy mô tối thiểu 100ha, sử dụng máy san phẳng mặt ruộng bằng laser để tiết kiệm nước tưới. Chỉ cần rải phân bón thông minh một lần khi làm đất. Trên cánh đồng sẽ có nhiều máy bơm sử dụng năng lượng Mặt trời nối với đầu dò điện tử. Hệ thống này được lập trình và điều khiển từ xa thông qua điện thoại di động. Khi ruộng thiếu độ ẩm (nước) thì hệ thống sẽ báo qua điện thoại di động. Nông dân sẽ thao tác kích hoạt máy bơm tự động bơm nước vào ruộng, khi nào đủ nước theo lập trình thì tự ngắt. Việc quản lý dinh dưỡng cây lúa cũng thông qua máy tính bảng, điện thoại di động kết nối internet và điện toán đám mây (MNRice App).

Tại cánh đồng này cũng có một nhà máy xay xát chạy bằng năng lượng Mặt trời. Gạo được chế biến, đóng gói bằng bao bì thông minh do Công ty Rynan Agrifoods và Tập đoàn Mỹ Lan phát triển, giữ được chất lượng ổn định như ban đầu trong nhiều tháng. Ông Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, tất cả vật tư đầu vào, thiết bị điện tử, công nghệ... đều do Công ty Rynan Agrifoods sản xuất và cung cấp cho nông dân tham gia cánh đồng thông minh. “Chúng tôi không bán phân bón thông minh, thiết bị và công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp điện tử ngoài thị trường mà chỉ cung cấp cho những mô hình sản xuất lớn có liên kết với công ty. Chúng tôi muốn góp sức cùng Chính phủ phát triển nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, quy mô lớn, sản phẩm sạch, có giá trị kinh tế cao và không phát thải khí nhà kính”, ông Mỹ nói.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp), các nhà khoa học trên thế giới đang nỗ lực tìm giải pháp để giảm bón phân, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất và giảm tối đa phát thải khí hiệu ứng nhà kính gây biến đổi khí hậu. Phân bón tan chậm, phân bón thông minh là thành tựu khoa học kỹ thuật mang lại những giá trị rất lớn cho nền kinh tế và môi trường sống của nhân loại. Hiện nay, có tới 60% -70% phân đạm rải xuống ruộng, cây không hấp thụ được mà bị biến thành chất độc hại (khí nhà kính - N20) bốc hơi trở lại bầu khí quyển (1 tấn N2O = 298 tấn CO2). Dự kiến năm 2020, Việt Nam phát thải tới 474 triệu tấn khí nhà kính. Riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp “góp” tới 43%, chủ yếu do bón phân quá nhiều. Nguồn nước cũng bị ô nhiễm bởi phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết đầu năm 2017, tỉnh sẽ cùng Công ty Rynan Agrifoods xây dựng mô hình cánh đồng thông minh. Ở đó, nhiều khâu sản xuất sẽ tự động hóa bằng việc ứng dụng internet vạn vật và điện toán đám mây. Sản phẩm được đóng gói bằng bao bì thông minh và bán hàng thông qua... smartphone. Một phương thức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại bậc nhất Việt Nam đã bắt đầu hình thành tại Đồng Tháp - cũng là địa phương được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tốt nhất cả nước đến thời điểm này.

HOÀI PHONG

Chưa bền vững

Cùng với quá trình đổi mới, sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. Trong đó, chuyển giao ứng dụng và phát huy lợi thế khoa học và công nghệ (KH-CN) góp phần mang lại giá trị trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản, thực phẩm. Đây là hướng đi tất yếu để thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, tăng giá trị nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu và hạn, mặn ngày càng khốc liệt, việc ứng dụng KH-CN để giảm thiểu thiệt hại cho cây ăn trái; lai tạo những giống cây chịu hạn, mặn là rất cấp bách. TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho biết: Giai đoạn 2013-2015, nhiều giống mới lai tạo và biện pháp, quy trình tiến bộ kỹ thuật đã được viện chuyển giao cho sản xuất cây ăn trái, rau và hoa ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trong lĩnh vực thủy sản, những năm gần đây các doanh nghiệp vùng ĐBSCL quan tâm nhiều hơn đến ứng dụng KH-CN nâng cao chất lượng sản phẩm chinh phục những thị trường khó tính.

Mặc dù đạt được những thành tựu nhất định, tuy nhiên theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức. Đó là: tổ chức sản xuất nông nghiệp không đồng bộ, giá trị sản xuất nông nghiệp chưa cao, KH-CN chưa phát huy vai trò là động lực, sự gắn kết giữa KH-CN và hoạt động sản xuất kinh doanh còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa tham gia tích cực vào mối liên kết giữa nghiên cứu KH-CN và chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp. Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên do sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thiếu bền vững. Các chính sách cụ thể phục vụ cho phát triển KH-CN chưa thật sự đồng bộ, khó thực hiện và đi vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, cơ chế tài chính cho nghiên cứu KH-CN sử dụng kinh phí từ ngân sách còn nhiều thủ tục rườm rà, dẫn đến tâm lý e ngại tham gia của doanh nghiệp… Do vậy, cần cụ thể hóa các chính sách để thúc đẩy ứng dụng KH-CN trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống chính sách về hợp tác công tư, liên kết tổ chức KH-CN với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao KH-CN hiện có, tăng cường hợp tác quốc tế về KH-CN. Khuyến khích sản xuất nông sản hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để phục vụ cho xuất khẩu; xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của quốc gia.

HÀM LUÔNG

Tin cùng chuyên mục