Gần đây, trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt gây thiệt hại về của cải, vật chất ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội, kinh tế, chính trị địa phương.
Cách nay chưa lâu, tin đồn ăn bưởi bị ung thư đã làm nhà vườn trồng bưởi ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long… điêu đứng vì giá bưởi giảm chỉ còn 1.500-2.000 đồng/kg, thậm chí bưởi chín rụng đầy vườn nhưng thương lái cũng chẳng mua vì người tiêu dùng hoang mang bởi tin đồn nhảm.
Để ổn định dư luận và ngăn chặn tổn hại, cơ quan chức năng đã phải bỏ nhiều công sức, phản bác, làm rõ, thậm chí xử lý người và đơn vị phát tán tin. Trường hợp tin đồn thất thiệt khác: cá nuôi bị nhiễm Trifluralin vào tháng 4-2012 đã làm làng bè nuôi cá điêu hồng của Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long lâm vào cảnh khó khăn.
Tin đồn làm giá cá sụt giảm gây lỗ mỗi bè gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, trước đây còn nhiều tin đồn thất thiệt khác như ăn hạt dưa, trứng, ăn cá rô đầu vuông bị ung thư… làm nhiều người tiêu dùng quay lưng với các loại thực phẩm này. Xôn xao nhất là tin đồn trong mì gói, sữa có đỉa hay cua đồng nhiễm thuốc trừ sâu khiến đơn vị sản xuất và ngành chức năng phải vất vả phản bác.
Ở lĩnh vực tài chính, tiền tệ, chúng ta cũng từng chứng kiến những “tin vịt” nguy hiểm như ngân hàng sắp đổi tiền, sắp phát hành những tờ tiền mệnh giá “khủng” 1 triệu đồng, 2 triệu đồng… Những tin này lấy lý do lạm phát đang ở mức cao, những tờ tiền mệnh giá hiện hành đã tỏ ra nhỏ bé nên phải in ấn tiền mệnh giá lớn hơn. Việc tung tin như vậy khiến một số người không rõ thực hư lo lắng.
Hơn cả lĩnh vực kinh tế, tin đồn nhảm về an ninh trật tự, mê tín dị đoan lan truyền chóng mặt. “Nóng” nhất hiện nay là tin đồn về ngày tận thế theo lời “sấm truyền” của người Maya về ngày 21-12-2012, dù các nhà nghiên cứu của Phòng Nghiên cứu vật thể gần trái đất thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã khẳng định bằng rất nhiều lập luận, giải thích về chuỗi giả thuyết dẫn tới ngày 21-12 năm nay là không hề có, nhưng người ta vẫn cứ đồn.
Cách nay vài tháng, người dân Bến Tre xôn xao thông tin một cô gái đã chết 3 ngày bỗng dưng sống lại. Tin đồn lan đi làm người hiếu kỳ khắp nơi kéo về gây náo động cả một vùng quê, hay tin tượng Phật khóc, quỷ xuất hiện… gây hoang mang và bất an cho nhiều người. Cũng may, thực hư của những câu chuyện này đã được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, điều đáng nói là việc một số cơ quan thông tin đã đăng tải quá chi tiết về vụ việc, như tên tuổi, địa chỉ của nạn nhân… Thậm chí, nhiều bài viết còn khai thác thêm cả lời kể của những người được cho là “hàng xóm”, “người chứng kiến vụ việc” đã làm cho không ít độc giả càng tin vào tính chân thật của câu chuyện.
Xã hội học đưa ra điểm phân biệt dư luận xã hội và tin đồn như sau: tin đồn là một dạng thông tin không chính thức, thông thường là bịa đặt, phao tin, đồn nhảm. Tin đồn chủ yếu dựa vào cảm xúc chủ quan nên có tính tự phát lớn, lan truyền nhanh. Tin đồn thường bị xuyên tạc bởi tính chủ quan của người truyền tin. Tin đồn luôn xa tin gốc, mang đậm màu sắc cảm xúc cá nhân.
Tìm giải pháp ngăn chặn và xử lý tin đồn thất thiệt là vấn đề đặt ra cho cơ quan hữu quan và cả cộng đồng. Thế nhưng, thời gian qua, việc xử lý tin đồn rất khó khăn, thậm chí không đơn giản. Điều này khiến không ít người đặt ra câu hỏi phải chăng chúng ta chưa có những chế tài đủ mạnh, hay những vụ xử lý điển hình cho “người sáng chế” những chuyện giật gân gây rối loạn kinh tế, trật tự xã hội nên các thông tin này ngày càng có xu hướng bùng nổ?
Hàm Luông