Cảnh giác trước cúm A/H5N1 và virus mới giống SARS

Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm H5N1 có thể xâm nhập, lây lan vào Việt Nam khi mà một số nước trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp mắc và tử vong do cúm A/H5N1, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước khẩn trương, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống lây nhiễm cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người.

(SGGP). – Trước nguy cơ dịch cúm gia cầm H5N1 có thể xâm nhập, lây lan vào Việt Nam khi mà một số nước trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp mắc và tử vong do cúm A/H5N1, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh, thành phố trong cả nước khẩn trương, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống lây nhiễm cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người.

Trong đó các địa phương có đường biên giới phải tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế quốc tế, sớm phát hiện các trường hợp có biểu hiện sốt cao và viêm đường hô hấp cấp, cách ly, điều trị để giảm thiểu lây nhiễm cúm A/H5N1. Thông báo kịp thời cho trung tâm y tế dự phòng để điều tra, xử lý khi có ổ dịch. Các cơ sở y tế có kế hoạch trực 24/24, các đội cơ động phòng chống dịch, đội cấp cứu cơ động của các bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận khi có bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm.

TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay dịch cúm A/H5N1 vẫn đang diễn ra phức tạp ở Campuchia, trong đó có địa phương giáp biên giới Việt Nam, dẫn tới nguy cơ dịch cúm A/H5N1 xâm nhập vào Việt Nam rất lớn.

Đường lây lan dịch cúm gia cầm có thể xảy ra qua việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, thủy cầm qua biên giới, cùng với đó là nguồn lây từ chim hoang dã di chuyển giữa hai nước. Tuy nhiên đến nay, các ca nhiễm và tử vong do virus cúm A/H5N1 phần lớn vẫn do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm bệnh và chưa ghi nhận lây nhiễm từ người sang người. Để tránh nhiễm cúm A/H5N1, người dân tuyệt đối không ăn, vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm chưa qua kiểm dịch từ Campuchia sang Việt Nam.

Trong khi đó, BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, người dân, nhất là những người sống gần hay ở khu vực có dịch cúm gia cầm nên chú ý khi cơ thể có các triệu chứng sốt cao đột ngột, ho khan, đau họng, khó thở… cần phải tới ngay cơ sở y tế khám và điều trị nhằm phát hiện sớm cúm A/H5N1. Bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ phục hồi sức khỏe tốt.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ đầu năm 2013 đến nay, dịch cúm A/H5N1 đã bùng phát tại Campuchia làm 5 người mắc, trong đó có 4 ca tử vong. Tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc cũng đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 ở người, trong đó có một trường hợp tử vong và một người khác trong tình trạng nguy kịch.

Cùng với thông báo về dịch cúm gia cầm, WHO cũng vừa đưa ra cảnh báo các nước thành viên cần cảnh giác trước nguy cơ lây lan của một loại virus mới có thể gây chết người, tương tự như virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS). Cảnh báo của WHO được đưa ra sau khi Cơ quan Bảo vệ sức khỏe Anh (HPA) xác nhận có thêm một trường hợp nhiễm virus ở nước này và đây là thành viên thứ 3 trong một gia đình Anh bị nhiễm loại virus mới gây viêm hô hấp cấp tính và suy thận kể trên. Tới nay, có 12 trường hợp được xác định nhiễm loại virus mới này, trong đó 5 người đã tử vong. 

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục