Thời gian qua, Trung tâm thông tin tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (CIC) đã nhận được rất nhiều yêu cầu điều tra thông tin về các doanh nghiệp nước ngoài từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế khác. Qua điều tra, đã phát hiện một số hành vi mời chào vay vốn để lừa đảo.
Nắm bắt được nhu cầu vay vốn ngày càng tăng để thực hiện các dự án lớn của các doanh nghiệp Việt Nam, nhiều tổ chức nước ngoài núp dưới danh nghĩa công ty đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thực hiện môi giới, chào cho vay các khoản vốn lớn với lãi suất rất hấp dẫn. Trong số các doanh nghiệp nước ngoài có dấu hiệu lừa đảo do CIC điều tra có trường hợp của Công ty KSV Development Co.,Ltd, đăng ký thành lập tại Phnom Penh (Campuchia) là điển hình nhất.
Đại diện của công ty KSV đã sang Việt Nam mời chào công ty TNHH Xuất nhập khẩu - Đầu tư - Xây dựng Tân Quốc tế tham gia thực hiện một dự án xây dựng khu “The Five Star Healthy Island” tại Campuchia với tổng số vốn đầu tư lên đến 250 triệu USD. Thủ đoạn của KSV là đưa ra lãi suất vay rất hấp dẫn, đồng thời họ cũng đưa bản copy đã đặt cọc khoản tiền 250 triệu USD tại Deutsche Bank - chi nhánh Thụy Sĩ, cho người thụ hưởng là công ty TNHH Xuất nhập khẩu - Đầu tư - Xây dựng Tân Quốc tế. Để có thể nhận được khoản tiền này, công ty Tân Quốc tế phải đặt cọc trước cho KSV một khoản tiền trị giá khoảng 3 triệu USD!
Thông qua một số hãng thông tin quốc tế, CIC được biết: Công ty KSV Development Co., Ltd đăng ký thành lập vào tháng 5-2007 tại Campuchia do ông Keo Sovann làm tổng giám đốc. Mặc dù có đăng ký thành lập tại Campuchia nhưng công ty này không hề có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào tại nước sở tại. Về khoản tiền đặt cọc 250 triệu USD tại Deutsche Bank, kết quả xác minh cho thấy điều này là hoàn toàn giả mạo. Ngân hàng Deutsche Bank khẳng định họ hoàn toàn không biết gì về công ty KSV Development Co.,Ltd và công ty này không phải là khách hàng của họ.
Chiêu bài lừa đảo cho vay tín dụng không phải là mới. Năm 2005, Bộ Tài chính đã phát tín hiệu cảnh báo tới tất cả doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước và lãnh đạo các tỉnh, thành phố cẩn trọng trước lời mời chào vay vốn ưu đãi của một số tổ chức tài chính nước ngoài. Đầu năm 2006, UBND tỉnh Bắc Ninh đã tiếp một người tự xưng là đại diện Công ty Palro Inc (Hoa Kỳ) đến “chào hàng”, đề nghị địa phương chuẩn bị một số dự án trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng với cam kết tài trợ của Tập đoàn Palro có giá trị hàng chục triệu USD.
Nhờ cảnh giác, tỉnh Bắc Ninh đã không mắc phải “chiêu lừa” của vị khách này. Hơn nữa, theo Nghị định 134/2005/NĐ-CP về quy chế vay và trả nợ nước ngoài, thì các địa phương không được tự ý đi vay nợ nước ngoài. Chỉ Chính phủ mới có thể vay được ODA và cho các địa phương vay lại.
Qua những sự việc trên cho thấy các ngân hàng và các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng trước khi ký kết các hợp đồng hợp tác với các đối tác nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài chào cho vay các khoản vốn lớn với lãi suất ưu đãi. Mở cửa, ta sẽ đón nhận các luồng gió mới nhưng cũng phải biết chủ động ngăn ngừa những trò lừa đảo.
Minh Bảo (Hà Nội)