Cánh tả châu Âu đang trở lại

Lực lượng cánh tả tại Pháp vừa có một thắng lợi mang tính lịch sử khi liên minh cánh tả gồm đảng Xã hội, đảng Cộng sản và đảng Xanh lần đầu tiên từ năm 1958, giành quyền kiểm soát Thượng viện Pháp. Trước đó, chiến thắng của đảng Dân chủ Xã hội (SD), một khối cánh tả tại Đan Mạch, đưa SD trở lại cầm quyền sau gần 10 năm. Sau làn sóng trở lại của các đảng cánh tả năm 2008, châu Âu đang tiếp tục chuyển mình?
Cánh tả châu Âu đang trở lại

Lực lượng cánh tả tại Pháp vừa có một thắng lợi mang tính lịch sử khi liên minh cánh tả gồm đảng Xã hội, đảng Cộng sản và đảng Xanh lần đầu tiên từ năm 1958, giành quyền kiểm soát Thượng viện Pháp. Trước đó, chiến thắng của đảng Dân chủ Xã hội (SD), một khối cánh tả tại Đan Mạch, đưa SD trở lại cầm quyền sau gần 10 năm. Sau làn sóng trở lại của các đảng cánh tả năm 2008, châu Âu đang tiếp tục chuyển mình?

  • Thắng lợi dồn dập

Đã không ít lần người ta nhắc đến việc cánh tả ở châu Âu đang trong cơn khủng hoảng. Và thực tế, trong tổng số 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), chỉ có 5 nước do các chính phủ cánh tả lãnh đạo: Tây Ban Nha, Hy Lạp, Áo, Slovenia và đảo Síp. Tuy nhiên, làn gió cánh tả dường như đang lan rộng tại châu Âu sau những thắng lợi ở các cuộc bầu cử gần đây.

Cuộc bầu cử quốc hội ngày 15-9 vừa qua ở Đan Mạch, đã đặt dấu chấm hết cho chính phủ cánh hữu cầm quyền 10 năm qua tại quốc gia Bắc Âu này. Theo kết quả chính thức được công bố ngày 16-9, cánh tả giành được 89 trong tổng số 179 ghế trong quốc hội Đan Mạch, trong khi cánh hữu của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lars Loekke Rasmussen giành được 86 ghế. Chiến thắng của đảng SD sẽ đưa chủ tịch đảng này, bà Helle Thorning-Schmidt, trở thành Thủ tướng sắp tới tại Đan Mạch.

Trong nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của các đảng cực hữu, Đan Mạch trở thành quốc gia châu Âu có chính sách khắt khe nhất đối với người nước ngoài và cũng là nơi “khơi nguồn” làn sóng thù địch và phân biệt đối xử về tôn giáo, văn hóa ở châu Âu trong thời gian qua, như vụ vẽ tranh biếm họa nhà tiên tri Muhammad của Hồi giáo. Kết quả cuộc bầu cử cho thấy cử tri Đan Mạch đã dành nhiều sự quan tâm cho phát triển kinh tế, xã hội và mong muốn một Đan Mạch ôn hòa hơn trong chính sách đối với người nước ngoài.

Trước đó, trong cuộc bầu cử quốc hội tại Latvia, Trung tâm hòa hợp, một đảng cánh tả đã giành được vị trí đứng đầu với gần 29% số phiếu bầu. Về thứ hai là Đảng Cải cách của cựu Tổng thống Valdis Zatlers với hơn 20% số phiếu và về thứ ba là Đảng “Thống nhất” của Thủ tướng Valdis Dombrovskis với gần 19% số phiếu bầu. Mặc dù với số phiếu trên, đảng Trung tâm hòa hợp không hội đủ số ghế cần thiết để trở thành đảng lãnh đạo trong chính phủ Latvia nhưng đây được xem là một sự thay đổi lớn kể từ khi quốc gia vùng Baltic này tuyên bố độc lập vào năm 1991.

Công đảng cầm quyền ở Na Uy ngày 12-9 vừa qua cũng đã giành thắng lợi thuyết phục tại các cuộc bầu cử hội đồng địa phương. Những tưởng cuộc xả súng của Anders Behring Breivik, một kẻ cực hữu phản đối chính sách nhập cư của chính phủ Na Uy, vào khu trại hè thanh niên của Công đảng làm 77 người thiệt mạng, khiến chính phủ nước này mất uy tín, nhưng kết quả kiểm phiếu cho thấy một điều trái ngược hẳn. Công đảng giành được hơn 33% phiếu bầu, kết quả bầu cử Hội đồng địa phương tốt nhất trong 2 thập niên qua của Công đảng.

Kinh tế Na Uy vẫn tăng trưởng hàng năm với GDP năm 2010 là 0,44%, và quý 2 năm 2011 là 0,4%, tỷ lệ thất nghiệp 3,6% (năm 2010), thu nhập bình quân đầu người 6.079 USD/tháng…, cho thấy những chính sách kinh tế do đảng cánh tả Na Uy vẫn phát triển đúng hướng. Vì vậy, kết quả cuộc bầu cử như sự khẳng định người dân Na Uy tiếp tục đặt niềm tin vào chính phủ của họ.

Người dân Pháp biểu tình kêu gọi chính phủ cải thiện hệ thống giáo dục.

Người dân Pháp biểu tình kêu gọi chính phủ cải thiện hệ thống giáo dục.

  • Lấy lại niềm tin

Tờ “Le Monde” của Pháp ngày 21-9 đăng bài phân tích, nhận định thắng lợi vừa qua của cánh tả ở Đan Mạch đã mang lại sự đổi mới cho cánh tả ở châu Âu. Bài viết cũng cho rằng, mô hình xã hội mà cánh hữu ở nhiều nước châu Âu đưa ra, đang cho thấy nhiều sự bất cập. Cử tri tại một số nước do chính phủ cánh hữu lãnh đạo đã bắt đầu mất kiên nhẫn.

Tại Đức, Pháp và Ý, cánh hữu đã không giành được nhiều sự tín nhiệm của dân chúng. Kết quả đó được khẳng định qua thất bại hồi tháng 5-2011 của Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi ngay tại cứ địa Milan của ông trong cuộc bầu cử địa phương.

Thất bại vừa qua của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong 7 cuộc bầu cử cấp vùng của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) là một kết quả buồn đối với cánh hữu ở Đức. 2 nhà lãnh đạo Ý và Đức có thể sẽ phải tiến hành bầu cử trước thời hạn vào năm 2012 nếu tình hình không được cải thiện.

Le Monde cũng nhận định 2012 sẽ là năm được nhiều người cánh tả trông đợi. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy những bước tiến của cánh tả, mà tín hiệu đầu tiên của sự thay đổi này đã xuất phát từ Đan Mạch. Sự trở lại cầm quyền của cánh tả ở Đan Mạch cũng sẽ dẫn đến các chính sách nhập cư mềm dẻo hơn, các kế hoạch phục hồi kinh tế, các khoản chi dành cho cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và năng lượng tái tạo. Nguồn tài chính cho kế hoạch này, có thể đến từ các khoản thuế mới đánh vào các ngân hàng và tầng lớp người giàu ở Đan Mạch.

Theo bài viết, một xã hội mới phải thích nghi với một thế giới mới trong thời đại công nghệ mới. Tương lai của các khuynh hướng tiến bộ trong cánh tả phụ thuộc vào chính năng lực vận hành của mỗi thành viên cánh tả ở cấp độ quốc gia, nhằm mở rộng hơn và tăng cường các dự án châu Âu, đồng thời đưa châu Âu thoát khỏi thời kỳ suy yếu để phát triển và có ảnh hưởng trong các quan hệ quốc tế.

Le Monde nhận định thắng lợi của cánh tả trong cuộc bầu cử ở Đan Mạch vừa qua chỉ là sự khởi đầu cho một loạt thắng lợi tiếp theo, có thể diễn ra trong hai năm sắp tới. Đó sẽ là một bước chuyển thực sự của châu Âu. Chiến thắng của lực lượng cánh tả tiến bộ có thể giúp EU lấy lại niềm tin đã bị đánh mất từ quá lâu, cho phép EU từng bước quay lại với đà tăng trưởng và bước sang một giai đoạn chính trị mới.

Trong khi đó, sau chiến thắng của lực lượng cánh tả ở Pháp, các tờ báo của Pháp đều có những bài viết đánh giá cao về thắng lợi của liên minh cánh tả. Tờ Les Echos nhận định rằng, kể từ năm 1995 tại Pháp, cánh tả đã liên tục chiến thắng trong các cuộc bầu cử địa phương. Vì thế, chiến thắng vừa qua của họ ở Thượng viện là kết quả logic và hầu như không thể đảo ngược được.

Tờ Liberation thì cho rằng vào năm 1981, nếu như cánh tả đã phải kiên nhẫn chờ đợi 23 năm để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống, thì nay họ đã phải chờ đến nửa thế kỷ để chiến thắng trong kỳ bầu cử Thượng viện. Theo Liberation, thắng lợi tại Thượng viện mang lại niềm hy vọng rất lớn đối với cánh tả ở Pháp trong các cuộc bầu cử Tổng thống và Hạ viện vào năm 2012. 

ĐỖ VĂN (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục