Cạnh tranh giá cước di động

Cạnh tranh giá cước di động

Thị trường thông tin di động đã liên tục đón nhận những bất ngờ trong chiến lược cạnh tranh của các nhà cung cấp - đặc biệt là của mạng di động công nghệ CDMA với cuộc soán ngôi mạng di động có giá cước thấp nhất giữa S-Fone và chú lính mới E-Mobile.  Dù các nhà cung cấp dịch vụ đều khẳng định họ sẽ tiếp tục cạnh tranh bằng nhiều hình thức, nào là chất lượng dịch vụ, vùng phủ sóng... nhưng “nóng” nhất vẫn là  giá cước.

  • Siêu rẻ?
Cạnh tranh giá cước di động ảnh 1
Một điểm thu cước ĐTDĐ của MobiFone. Ảnh: V.D.

Sau bao lần lỡ hẹn, nhà cung cấp dịch vụ  thông tin di động thứ 5 ở Việt Nam là EVN Telecom cũng đã ra mắt thử nghiệm dịch vụ mạng 096 công nghệ CDMA. Ra sau nên phải tìm cho mình một thế mạnh riêng ngoài việc hoàn thành phủ sóng 100% các tỉnh - thành trên cả nước, bước đột phá mà EVN Telecom chọn để hút khách khi ra mắt mạng là giá cước.

Một lãnh đạo của EVN Telecom cho biết, khi đệ trình bảng cước dịch vụ của mình lên Bộ Bưu chính - Viễn thông, họ dự kiến cước hòa mạng cho thuê bao trả sau của mạng di động 096 sẽ là 150.000VNĐ và cước thuê bao là 50.000VNĐ/tháng. Còn cước cuộc gọi thì khá “mềm” với 100VNĐ/1block 6 giây cho thuê bao nội mạng và 130 VNĐ/block cho cuộc gọi ngoài mạng. Nếu như không có gì thay đổi, EVN Telecom sẽ chính thức áp dụng giá cước trên cũng trong tháng ba. Điều này cũng có nghĩa, ngôi vị mạng di động có giá cước thấp nhất đã không còn là của S-Fone mà thay vào đó là E-Mobile 096. Tiếp sau đó là mạng 098 của Viettel Mobile và hai mạng di động VinaPhone và MobiFone của VNPT.

Sự soán ngôi trên về mặt giá cước quả thực cũng phần nào gây khó cho S-Fone, đặc biệt là trong giai đoạn này, họ đang tìm mọi chiêu thức phát triển dịch vụ để mong tạo mình một chỗ đứng, chứ không chịu lép vế nữa sau gần ba năm có mặt trên thị trường viễn thông di động Việt Nam. Tuy nhiên, sau đúng một tuần E-Mobile ra mắt thử nghiệm dịch vụ và dù mới chỉ “rục rịch” với ý định tung ra giá cước rẻ nhất, S-Fone đã chính thức cung cấp tới khách hàng loại thẻ trả trước có tên Forever không giới hạn thời gian gọi và cả thời gian nghe. Theo ông Đỗ Văn Quất, Giám đốc Tiếp thị của S-Fone, Forever sẽ là sự lựa chọn tốt nhất của khách hàng và đây sẽ là điểm độc đáo, hấp dẫn mà tới thời điểm này vẫn chưa mạng di động nào có để “kéo” khách hàng về với mình.

  • “Nóng” ở phương thức tính cước

Không chỉ có vậy, lần này, S-Fone không còn chọn hút khách hàng bằng cách giảm trực tiếp giá cước nữa mà thay vào đó là phương thức tính cước mới hấp dẫn hơn -dù rằng hiện giờ mạng 095 đã tính theo block 6giây. Trong phương án trình Bộ Bưu chính - Viễn thông mới đây, S-Fone dự kiến sẽ tính cước theo block 1giây+1. Tuy nhiên, theo phân tích của giới chuyên môn phương thức tính cước này thực ra lại không hề có lợi cho khách hàng vì ngay từ giây đầu tiên mà đánh giá cuộc gọi của khách hàng được kết nối thành công hay không sẽ rất khó chính xác. Một cuộc gọi được đánh giá thành công hay không ít nhất thời gian thực hiện cũng phải từ 5 giây đến 10 giây. Và hiện giờ, S-Fone đang nghiên cứu và dự kiến sẽ trình Bộ Bưu chính - Viễn thông phương thức tính cước mới dự kiến sẽ là block 6giây+1.

Phương thức tính cước theo block 6giây+1 cũng đang được EVN Telecom dự kiến áp dụng với mạng di động của mình. Được biết, trước khi lựa chọn phương thức block 6 giây+1, EVN Telecom đã đệ trình lên Bộ Bưu chính  - Viễn thông cách tính theo block 6giây+6. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, họ đã chọn block 6giây+1.

Vốn là doanh nghiệp rất “mạnh tay” trong việc giảm giá cước và đưa ra những chiêu khuyến mại hấp dẫn khách hàng, nhưng hiện giờ Viettel Mobile vẫn đang khá im hơi lặng tiếng trước các đối thủ của mình. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, chẳng chóng thì chày, phương thức tính cước mới cũng sẽ được mạng 098 cân nhắc, và rất có thể lại cũng là block 6giây+1. Hiện giờ, chỉ có hai mạng di động của VNPT là VinaPhone và MobiFone vẫn đang áp dụng phương thức tính cước block 30giây+6, rất có khả năng sẽ xin thay đổi bằng block 30 giây+1.

Mặc dù các phương thức tính cước nêu trên của các doanh nghiệp vẫn còn nằm trong dự kiến, song như vậy vẫn dễ nhận thấy rằng cuộc chạy đua về giá cước dịch vụ trong thời gian tới sẽ chủ yếu dành cho việc thực hiện những phương thức tính cước hợp lý hơn thay vì giảm trực tiếp cước như trước. Giảm cước trực tiếp là việc làm vốn bị coi như một con dao hai lưỡi, nhiều khi vì cạnh tranh giảm giá đã khiến doanh nghiệp phải hạ giá cước xuống dưới cả giá thành dịch vụ. Với cách lựa chọn cạnh tranh bằng phương thức tính cước, các chuyên gia viễn thông đánh giá sẽ không chỉ có lợi cho nhà cung cấp dịch vụ mà còn giúp cho sức chi trả của khách hàng sử dụng dịch vụ cũng sẽ được giảm bớt.

PHẠM LÊ

Tin cùng chuyên mục