Cạnh tranh ở Myanmar

Thông tin từ Bộ TT-TT cho biết, 2 mạng di động Viettel và MobiFone đã nộp hồ sơ tham gia đấu thầu giấy phép cung cấp di động tại Myanmar. Viettel và MobiFone sẽ cùng 16 nhà mạng di động quốc tế và 7 tập đoàn công nghệ thông tin (CNTT) khác cạnh tranh nhau để giành 2 giấy phép nói trên.

Thông tin từ Bộ TT-TT cho biết, 2 mạng di động Viettel và MobiFone đã nộp hồ sơ tham gia đấu thầu giấy phép cung cấp di động tại Myanmar. Viettel và MobiFone sẽ cùng 16 nhà mạng di động quốc tế và 7 tập đoàn công nghệ thông tin (CNTT) khác cạnh tranh nhau để giành 2 giấy phép nói trên.

Myanmar là quốc gia có dân số trẻ, chiếm tỷ lệ lớn trong hơn 60 triệu dân và nền kinh tế tăng trưởng 5,5% hàng năm, nhưng hiện nay số người sử dụng di động chưa tới 10%. Con số này thấp đáng kể so với các nền kinh tế đang phát triển khác nên Myanmar trở thành một trong những thị trường dịch vụ di động tiềm năng nhất thế giới và được các tập đoàn viễn thông, CNTT trên thế giới đặc biệt quan tâm, trong đó có Việt Nam. Hiện nay giá trị của giấy phép hoạt động chưa được công bố, song theo các chuyên gia viễn thông khu vực, ước tính có thể hơn 1,5 tỷ USD. Myanmar sẽ đấu thầu 2 giấy phép xây dựng, sở hữu và kinh doanh mạng di động có thời hạn 15 năm và dự kiến tên của 2 nhà thầu thắng cuộc sẽ được công bố vào giữa năm nay.

Với thị trường Myanmar, hầu như tất cả các lĩnh vực kinh doanh đều được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm sâu sắc. Từ ngân hàng, khai khoáng, xây dựng, viễn thông, CNTT, may mặc..., đến nay rất nhiều doanh nghiệp lớn Việt Nam đã mở văn phòng, đặt chi nhánh ở đất nước này. Viettel đã xúc tiến hoạt động này từ khi doanh nghiệp có chủ trương đầu tư ra nước ngoài cách đây khoảng 6 - 7 năm. MobiFone vừa mở văn phòng đại diện tại thành phố Yangon, Myanmar vào tháng 12-2012. Ngay FPT cũng đã mở văn phòng đại diện ở Myanmar vào tháng 2 vừa rồi. Và bây giờ, Viettel và MobiFone lại tiếp tục cuộc cạnh tranh giấy phép di động ở thị trường Myanmar.

Trong cuộc tham gia đấu thầu này, rất nhiều tên tuổi của hệ thống di động trên thế giới và khu vực tham gia. Đó là Vodafone của Anh, China Mobile của Trung Quốc, SingTel của Singapore, Qatar Telecom của Qatar và Telenor của Na Uy... Điều đáng chú ý, có 2 công ty viễn thông lớn nhất thế giới là Vodafone và China Mobile không tham gia độc lập mà thành lập một liên minh để tham gia cuộc đấu thầu này ở Myanmar. Điều này khiến nhiều chuyên gia viễn thông Việt Nam đặt câu hỏi tại sao Viettel và MobiFone không liên minh với nhau để tăng thêm sức mạnh và cơ hội trúng thầu ở thị trường tiềm năng này mà phải đối đầu với nhau, trong khi cả 2 đều là doanh nghiệp của Nhà nước?

Vẫn biết chiến lược đầu tư, tham vọng của mỗi doanh nghiệp là khác nhau. Nhưng trong trường hợp này, nên chăng Nhà nước cần có chiến lược và chính sách cụ thể, hợp lý, tránh trường hợp 2 doanh nghiệp Việt Nam tranh nhau tại một thị trường. Có vậy các doanh nghiệp Việt Nam khi tiến hành đầu tư ra nước ngoài mới không trở thành “đối thủ” của nhau và cũng để đảm bảo nguồn vốn đầu tư (đều của nhà nước trong trường hợp Viettel và MobiFone), đồng thời gây dựng, phát triển được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực viễn thông di động. 

TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục