Nhằm gây cản trở hoạt động xuất khẩu gỗ Việt Nam vào hai thị trường lớn là Mỹ và EU, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại nước Anh đã dựng lên bản cáo buộc doanh nghiệp Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp của Lào nhằm làm mất uy tín của sản phẩm gỗ Việt Nam.
Sự vô lý
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, hoạt động xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã đạt được những thành tích vượt bậc, có uy tín trên thị trường thế giới. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu gỗ là 3,4 tỷ USD. Còn 8 tháng đầu năm nay, đã xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD. Từ năm 2010, Việt Nam vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 10 thế giới về xuất khẩu gỗ. |
Tại cuộc họp báo tổ chức chiều qua (31-8), Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đã hoàn toàn bác bỏ bản cáo buộc trên. Theo ông Trần Đức Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, ngày 27-8, Tổ chức Điều tra môi trường Environmental Investigation Agency (EIA) đã tổ chức một cuộc họp tại Bangkok (Thái Lan) để công bố báo cáo dịch ra tiếng Việt là “Giao lộ thương mại gỗ bất hợp pháp giữa Lào và Việt Nam”.
Theo đó, EIA đã cáo buộc Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4 và 5 doanh nghiệp khác của Việt Nam gồm: Công ty Đức Long của tỉnh Gia Lai, Công ty Vinafor của Đà Nẵng, Công ty Thanh Thúy, Khang Thịnh, Hoàng Phát của tỉnh Bình Định đã mua gỗ bất hợp pháp từ Lào để sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU.
Đây là lần thứ hai, EIA đưa ra cáo buộc Việt Nam buôn bán gỗ bất hợp pháp với Lào và Campuchia. Lần thứ nhất vào năm 2008. Ngay sau đó, Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đã phản ứng về cáo buộc không căn cứ của EIA.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, điều không thể chấp nhận là bản cáo buộc của EIA đã được thực hiện bằng phương pháp và quy trình điều tra không minh bạch, dựa trên căn cứ, thông tin không đúng sự thật.
Ông Quyền đưa ra hai điểm để chứng minh sự không chính xác trong bản cáo buộc của EIA. Thứ nhất, đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU chủ yếu là các sản phẩm sử dụng ngoài trời, vì vậy phải sử dụng gỗ rừng trồng, thông qua chế biến để không cong vênh, nứt nẻ. Trong khi gỗ nhập từ Lào là loại gỗ tròn, tự nhiên chủ yếu chỉ để tiêu dùng nội địa.
Thứ hai, loại gỗ mà các doanh nghiệp Việt Nam nhập về đã được Chính phủ Lào cho phép khai thác theo chỉ tiêu khai thác hàng năm, có giấy phép xuất khẩu của Chính phủ…
Đòi lại uy tín cho gỗ Việt
Ông Quyền cho biết, sau khi có bản cáo buộc trên, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp bị cáo buộc đã phản ứng khá gay gắt, đòi phải làm rõ. Ngày 24-8, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đã có thư ngỏ gửi EIA, Tổng cục Môi trường của EU, đại diện Liên minh châu Âu tại Hà Nội bác bỏ bản cáo buộc sai trái trên, đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác, cung cấp thông tin minh bạch về các vấn đề có liên quan. “Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được trả lời của EIA” - ông Quyền nói.
Đồng tình với quan điểm của Hiệp hội Gỗ và lâm nghiệp Việt Nam, ông Hà Công Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cũng cho rằng, bản cáo buộc của EIA đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của sản phẩm gỗ Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ông Tuấn khẳng định, giữa Việt Nam và Lào có sự hợp tác chặt chẽ trong việc kiểm tra, tẩy chay gỗ bất hợp pháp. Khi kiểm tra, các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Lào đều đảm bảo đủ các chỉ tiêu theo quy định của hai nước, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng.
PHÚC HẬU