Cao điểm chăm sóc hoa, cây kiểng phục vụ tết

Hiện các nhà vườn trồng chuyên canh hoa, cây kiểng đang bước vào thời kỳ chăm sóc, dung dưỡng các loại hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Ghi nhận vào đầu tháng 1-2022 tại một số nhà vườn ở xã Xuân Thới Đông (Hóc Môn, TPHCM), các nhà vườn đang tất bật chăm sóc hoa, cây kiểng. Ông Phạm Văn Lấn (Sáu Lấn) cho biết, vườn của ông hiện có các loại hoa ngắn ngày như cúc vạn thọ, mào gà, cẩm chướng, thược dược, cúc bảy màu… với tổng số 7.000 chậu đang trong giai đoạn chăm sóc tối đa để tung ra thị trường phục vụ tết. Ông Sáu Lấn kỳ vọng vườn hoa sẽ được giá để bù đắp chi phí phân bón và thuốc trừ sâu, công chăm sóc.

Người dân chăm sóc đào tết ở xã Lưu Vĩnh Sơn
Tại Vườn lan Cô Thuận của bà Văn Hồng Dạ Thảo (Sáu Thảo) cũng ở xã Xuân Thới Đông, hiện có gần 3.000 chậu lan Dendro và Mokara chuẩn bị cắt cành bán dịp cao điểm tết. Giới trồng lan ở Hóc Môn cho biết, giá lan chậu được dự tính bán ở mức vừa phải và tùy thuộc vào kích cỡ lớn hay nhỏ, trong đó chậu nhỏ nhất vào khoảng 50.000 đồng, còn chậu lớn hơn dao động vài trăm ngàn đến cả triệu đồng. Riêng lan cắt cành có giá từ 8.000-10.000 đồng/cành đáp ứng nhu cầu chơi lan của khách hàng bình dân.


Còn tại Hà Tĩnh, những ngày đầu tháng 1-2022, tranh thủ tiết trời nắng ráo, hàng trăm hộ dân tại xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) và xã Cẩm Hưng (huyện Cẩm Xuyên) - “thủ phủ” trồng đào cảnh nổi tiếng nhất ở tỉnh Hà Tĩnh - tất bật bước vào cao điểm tuốt lá, tỉa cành khô, chăm sóc nụ để chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Năm nay, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, thổ nhưỡng phù hợp và được chăm sóc đúng kỹ thuật nên đào phai, đào đá, đào Nhật Tân ở xã Lưu Vĩnh Sơn và xã Cẩm Hưng phát triển tốt. Người dân kỳ vọng vụ đào sẽ mang lại thắng lợi cả về năng suất và giá thành. Đào cảnh tại hai địa phương này chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình. Hiện đã có nhiều khách hàng liên hệ đến các vườn đào để đặt hàng.

Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn Bùi Công Thư cho biết, toàn xã có trên 600 hộ dân trồng đào với diện tích 85ha, trong đó hộ trồng nhiều nhất là trên 1.000 gốc, ít thì từ 50-70 gốc. Mỗi năm, ước tính tổng thu nhập bình quân từ trồng đào của toàn xã đạt khoảng 20 tỷ đồng. Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Hưng Nguyễn Đình Dũng cũng cho biết, toàn xã có hơn 200 hộ dân trồng đào với diện tích khoảng 25ha, trong đó hộ trồng nhiều khoảng 400 gốc, trung bình dưới 100 gốc. Mỗi năm tổng thu nhập bình quân từ trồng đào của toàn xã ước đạt 3,5-5 tỷ đồng, trong đó hộ thu nhập cao khoảng trên 100 triệu đồng, bình quân từ 35-50 triệu đồng.

Tin cùng chuyên mục