Được tận mắt ngắm chiếc máy bay tiêm kích Su-30MK2 hiện đại của Trung đoàn Không quân 935 thuộc Sư đoàn Không quân 370, Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam, chúng tôi không khỏi tự hào về sức mạnh quân sự của quân đội Việt Nam ngày càng được nâng lên tầm cao mới.
Phi công trẻ cưỡi “hổ mang chúa”
Để điều khiển được máy bay tiêm kích Su-30MK2 đa năng, trang bị vũ khí tối tân, có tầm xa hàng ngàn cây số, đòi hỏi phi công phải có bản lĩnh, trí tuệ, năng khiếu và sức khỏe tốt. Nhìn máy bay Su-30MK2 khi nằm trong hangar (nơi để máy bay) thì hiền như thiên nga, nhưng khi giang cánh vút bay lên bầu trời thì dũng mãnh như “hổ mang chúa”. Đây là loại máy bay chiến đấu có nhiều tính năng như không đối không, không đối đất, do đó để làm chủ được máy bay phải có trình độ kiến thức và cả sự dũng cảm. Chúng tôi không miêu tả sâu chuyên môn kỹ thuật quân sự mà chỉ muốn tôn vinh những người lính Cụ Hồ thế hệ hôm nay đã và đang làm chủ vũ khí khí tài hiện đại nhất bằng tất cả nhiệt tình tuổi trẻ, trách nhiệm và tình yêu Tổ quốc mãnh liệt.
Gặp Trung úy Trần Thanh Luân, người có gương mặt thư sinh, ít ai nghĩ anh là một phi công quân sự trẻ rất đỗi can trường. Mới 26 tuổi anh đã từng bước làm chủ máy bay Su-30MK2 hiện đại. Kể về cơ duyên trở thành phi công, Luân tâm sự: “Hồi nhỏ, tôi đã thầm ước mơ trở thành phi công, nhưng cứ nghĩ đó là giấc mơ xa vời, nhưng nay ước mơ đã thành sự thật…”. Hồi đó nhờ có cha làm Chính trị viên tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh động viên làm hồ sơ xin đi học phi công, Luân đã được tuyển vào Trường Sĩ quan Không quân ở Nha Trang. Tại trường, Luân học máy bay phản lực loại nhẹ và máy bay thể thao, đến khi ra trường đã có 250 giờ bay và tốt nghiệp đạt loại giỏi. Sau 5 năm rưỡi miệt mài học tập rèn luyện, cuối năm 2012, Luân tốt nghiệp ra trường và được điều về công tác tại Trung đoàn Không quân 935.
Thấy Luân là một trong những phi công trẻ giỏi, có tiềm năng, Ban chỉ huy đã chọn anh cùng 5 phi công trẻ khác: Nguyễn Quang Sáng, Trần Anh Sơn, Bùi Trung Hiếu, Ngô Văn Khương, Đỗ Đại Dương tham gia khóa học chuyển loại máy bay từ phản lực lên Su-30MK2 hiện đại. Sau hơn 6 tháng học tập, Luân và đồng đội đã từng bước làm chủ được máy bay Su-30MK2, loại máy bay tiêm kích đa năng hiện đại nhất của quân đội Việt Nam.
Làm chủ bầu trời
Đa số phi công trẻ ở các phi đội bay của Trung đoàn 935 đều được đào tạo bài bản từ các trường quân sự trong nước và nước ngoài nên ai cũng giỏi cả nghiệp vụ lẫn ngoại ngữ. Những cán bộ chỉ huy đơn vị hiện nay đều là những phi công giỏi toàn diện. Đại tá Trần Trọng Tuyến, Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 935 được anh em phi công trẻ nể phục và tôn là bậc thầy vì anh điều khiển được tới 8 loại máy bay, trong đó anh đã từng chỉ huy nhiều chuyến bay chở lãnh đạo Đảng, Nhà nước ra công tác tại đảo Trường Sa.
Mọi người có quyền tự hào về thế hệ phi công trẻ giỏi như Thượng tá Huỳnh Mạnh Thắng, Phi đội trưởng Phi đội 1, hiện là phi công cấp 1 đầy tài năng. Anh đã từng lái máy bay Su-30 từ hơn 10 năm qua và còn điều khiển được nhiều loại máy bay khác. Anh vừa được bình chọn là gương mặt trẻ toàn quân, vừa được biểu dương điển hình tiên tiến. Mỗi lần cùng đồng đội bay ra Trường Sa làm nhiệm vụ, anh đều mang trong tim một cảm xúc ngọt ngào: “Tôi rất hãnh diện khi được bay ra quần đảo Trường Sa, lúc đó chỉ cần nghe tiếng gầm rú đầy uy lực của máy bay Su-30MK2 là cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo ra chào đón bằng tình cảm vui mừng khôn xiết…”. Mỗi khi máy bay của ta xuất hiện trên bầu trời Trường Sa đã gieo vào lòng quân dân trên đảo một niềm tin sắt đá. Thấu hiểu tình cảm đó, có lần thay vì bay 1 vòng trên bầu trời Trường Sa, anh và đồng đội lượn thêm 2-3 vòng cho bộ đội và người dân trên đảo tự hào ngắm nhìn thỏa thích để vơi đi nỗi nhớ đất liền. Lúc đó từ trên máy bay nhìn xuống, anh cùng đồng đội cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì đã góp phần gửi gắm tình cảm thân thương của đất liền ra đảo và kết nối gần hơn với đất liền.
Mặc cho cuộc sống ngoài xã hội đang tất bật bộn bề, các phi công quân sự ở Trung đoàn 935 vẫn ngày đêm luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Thiếu tá Nguyễn Đại Dũng, mới ngoài 30 tuổi đã có thâm niên cả chục năm bay lượn trên bầu trời. Anh mãi bay đến nỗi không có thời gian để… cưới vợ! Nói về tình yêu riêng, Đại Dũng chỉ cười bẽn lẽn: “Chinh phục “hổ mang chúa” trên bầu trời còn dễ hơn chinh phục một cô gái…”.
Kể về những chuyến bay ra Trường Sa, Đại Dũng tự tin: “Lúc đó chỉ thấy biển trời bao la, đảo Trường Sa nhỏ xíu nằm giữa biển Đông nhưng rất đỗi kiên cường anh dũng trước bão táp phong ba. Là phi công, ai cũng muốn bay ra Trường Sa để thấm thía tình yêu quê hương đất nước và phát huy phẩm chất cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ thế hệ hôm nay trong huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…”.
Cùng ra Trường Sa với Đại Dũng còn có các phi công bậc đàn anh như Thượng tá Nguyễn Đức Yên, Phi đội 1, từ năm 1986 đã từng nhiều lần bay ra các đảo Trường Sa lớn, Song Tử Tây, An Bang, Ba Kè… làm nhiệm vụ. Sau mỗi chuyến bay trở về, các phi công càng thêm yêu biển đảo mãnh liệt và quyết tâm bảo vệ trọn vẹn vùng trời, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những lúc bay lượn trên bầu trời xanh, đội ngũ phi công Trung đoàn 935 càng thấm thía một lý tưởng đẹp: “Cao hơn bầu trời chính là Tổ quốc!”.
MINH NGỌC