Trong những ngày qua, rất nhiều người xúc động với câu chuyện về bé gái Nguyễn Hải An (7 tuổi, ở Hà Nội). Biết mình bị bệnh ung thư không qua khỏi, bé đã có nguyện vọng hiến tặng nội tạng cho những bạn nhỏ khác đang bị bệnh chờ ghép tạng. Vì chỉ những người từ 18 tuổi trở lên mới có thể hiến tạng, nên bé Hải An đã hiến giác mạc sau khi qua đời. Đám tang của bé Hải An có rất đông người đến viếng. Câu chuyện về bé Hải An vắn số nhưng vẫn làm được việc có ích cho đời đã trở thành một trong những điểm sáng có tác động tích cực đến nhận thức, tình cảm của nhiều người.
Tại TPHCM, số người đăng ký hiến xác tại Đại học Y Dược tăng nhanh hàng năm, đến nay đã có hàng chục ngàn đơn tình nguyện. Các bệnh viện Chợ Rẫy, Phạm Ngọc Thạch cũng đã nhận hiến mô, tạng từ nhiều năm qua. Tuy số người đăng ký tự nguyện hiến mô, tạng hay bộ phận cơ thể và gia đình chủ động hiến tặng mô, tạng khi người thân của họ qua đời nhiều hơn trước, nhưng vẫn không đủ so với nhu cầu. Nhiều người nói, chết là hết, nhưng thực ra, nếu ai đó chết đi mà để lại được mô, tạng ghép cho người khác, thì họ không những sống trong lòng những người được cứu giúp, mà còn sống trong cộng đồng xã hội bằng sự lan tỏa một nghĩa cử cao đẹp.
Câu chuyện rất cảm động về bé Hải An đọng lại trong chúng ta nhiều điều đáng suy nghĩ. Nhiều người lo cho cái chết của mình bằng đám tang rình rang và lăng mộ xa hoa trị giá hàng tỷ đồng, nhưng họ chẳng để lại gì có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng. Nhiều người chen lấn trong các lễ hội, dâng cúng nhiều lễ vật, rải tiền lẻ, đốt vàng mã để cầu lợi, nhưng không hiểu rằng việc tích đức thực sự chính là biết sống vì mọi người và cứu giúp được người khác, ngay cả khi mình đã chết.