Khó thu hoạch do dịch bệnh
Trái với cảnh giao dịch buôn bán nhộn nhịp trước đây, khu vực giáp ranh huyện Đồng Phú (Bình Phước) và xã An Bình (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) những ngày này khá vắng lặng do vắng bóng người đi cạo, thu mua mủ cao su trên các nông trường. Các hộ trồng cao su tiểu điền tâm lý nóng ruột vì hàng trăm hécta cao su đang giữa mùa khai thác mủ, giá rục rịch tăng nhưng không thể thu hoạch do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

và công nhân cạo mủ gặp khó
Từ đầu năm 2021, anh Hồ Văn Bình (ngụ TP Đồng Xoài) đã thuê khu đất ở xã Tân Lợi cất nhà kho làm nơi thu mua mủ cao su. Mỗi ngày anh Bình mua 3 tấn mủ cao su, giá 75.000 đồng/kg, thu lời 1 triệu đồng/tấn. Từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, anh Bình mất nguồn thu nhập. Anh nói: “Vụ điều mất mùa nên nguồn thu nhập duy nhất là từ mủ cao su. Tôi chỉ mong thời gian giãn cách xã hội qua nhanh để mở lại cơ sở kinh doanh, ổn định kinh tế”.
Và không chỉ cơ sở thu mua mủ, nhiều hộ trồng cao su tiểu điền cũng gặp khó khăn. Theo anh Nguyễn Thành Hưng (ngụ xã Tân Lợi), trung bình mỗi hộ dân trồng cao su tiểu điền ở xã có 2ha, tự cạo và tự chăm sóc, giá dao động từ 72.000-75.000 đồng/kg mủ, duy trì nguồn thu nhập ổn định 1,5-2,2 triệu đồng/ngày; khi địa phương thông báo dừng việc cạo mủ để chống dịch đã làm giảm nguồn thu của bà con.
Theo Đảng ủy xã Tân Lợi, xã có nhiều trường hợp F1, F2 liên quan đến các ca mắc Covid-19 ở xã Tân Hòa từ những người thu mua, cạo mủ cao su. Họ đi theo đường mòn, lối tắt trong lô cao su vào xã Tân Lợi nên việc kiểm soát rất khó khăn. Do đó, địa phương phải thực hiện cơ chế đặc thù để ngăn chặn nguồn lây lan dịch bệnh, nhất từ xã An Bình giáp ranh, một trong những vùng đỏ về Covid-19.
Người lao động được hỗ trợ
Bình Phước là một trong 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. UBND huyện Đồng Phú yêu cầu các xã thống kê người cư trú, ước tính mức tiêu thụ lương thực, thực phẩm của các hộ trong những ngày giãn cách xã hội; nếu thiếu phải báo cáo ngay để có phương án cung ứng kịp thời và quán triệt nơi nào không báo cáo, để xảy ra tình trạng người dân thiếu lương thực, thực phẩm thiết yếu thì lãnh đạo xã đó phải chịu trách nhiệm.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thành (xã Tân Lợi) có 3 người chuyên cạo mủ thuê cho các chủ vườn cao su tiểu điền. Đợt dịch này do phải tạm ngưng công việc nên được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ số tiền 1,5 triệu đồng/người và ngoài tiền mặt, gia đình còn được hỗ trợ gạo, mì tôm và nhu yếu phẩm khác.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Lợi Mai Xuân Long cho biết thêm, xã đã thống kê danh sách người lao động làm việc cho các chủ vườn cao su tiểu điền, làm thuê trong các cơ sở thu mua mủ cao su trên địa bàn để lên phương án hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ gạo, mì tôm, dầu ăn… cùng các nhu yếu phẩm khác để an tâm chung tay cùng địa phương phòng chống dịch Covid-19.
UBND tỉnh Bình Phước đã cho phép các cơ sở sản xuất, kinh doanh (ngoài KCN) như công ty cao su quốc doanh, dân doanh, hợp tác xã nông nghiệp, hộ kinh doanh cao su tiểu điền… tiếp tục sản xuất trong thời gian giãn cách xã hội nhưng phải quản lý việc đi lại của người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nếu để lây lan dịch Covid-19 phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. |