Khó khăn chồng chất
Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 134.000ha cao su, trong đó diện tích cao su tiểu điền chiếm 62,3% (khoảng 83.6.000ha), giảm gần 2.000ha so với năm 2016. Do giá mủ cao su liên tục ở mức thấp, bình quân trong năm 2018 chỉ đạt 32,8 triệu đồng/tấn, thấp hơn so với giá bình quân năm 2017 gần 7 triệu đồng.
Huyện Phú Giáo là địa phương có nhiều hộ dân canh tác cao su tiểu điền với hàng trăm hécta cao su đang cho thu hoạch, hộ nhiều nhất hơn 100ha, ít nhất cũng có 3ha. Gia đình ông Huỳnh Văn Nẳng (58 tuổi, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo) 10 năm trước có 10ha cao su với gần 20 lao động thuê mướn cạo mủ, chăm sóc vườn cây nhưng sau nhiều năm giá bán bấp bênh, gia đình ông đã thanh lý 7ha để chuyển đổi sang trồng tràm, cây có múi (mít, cam, quýt…), hiện còn 3ha đang chờ thanh lý gỗ.
Cùng chung cảnh ngộ, gia đình ông Nguyễn Văn Tâm (57 tuổi, ngụ cùng xã) trong 3 năm qua đã thanh lý hơn 7ha trong tổng số 11ha cao su để chuyển đổi sang trồng cây ăn trái nhằm giảm chi phí chăm bón và thuê mướn nhân công.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cao su Dầu Tiếng (thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam), công ty có tổng diện tích khai thác gần 16.180ha, tổng sản lượng khai thác năm 2018 đạt khoảng 28.140 tấn (đạt 101,5% so với kế hoạch) với tổng sản lượng tiêu thụ khoảng 41.402 tấn, trong đó xuất khẩu chiếm tỷ trọng trên 80%.
Tình hình cũng tương tự ở Công ty CP Cao su Phước Hòa (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) với gần 200 lao động nghỉ việc, lợi nhuận giảm mạnh so với các năm trước, khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tập trung nâng cao chất lượng mủ.
Chuyển đổi cây trồng, làm khu công nghiệp
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương, giá cao su thấp sẽ còn tiếp diễn đến hết năm 2019 do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu cao su nguyên liệu của Việt Nam do đây là 2 thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của nước ta (Trung Quốc chiếm khoảng 60% tổng lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu của Việt Nam).
Còn theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, tại các sàn giao dịch cao su quốc tế như TOCOM, Tokyo (Nhật Bản) giá cao su tháng 12-2018 và đầu tháng 1-2019 đang trên đà giảm so với tháng 11-2018 cho thấy bức tranh về giá cao su tăng trở lại trong thời gian ngắn là rất khó.
Để vượt qua khó khăn, một số doanh nghiệp chuyển động lực tăng trưởng từ khai thác mủ sang kinh doanh tài sản cố định, trong đó có việc thanh lý vườn cây cao su già cỗi. Ông Lê Phi Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Phước Hòa, cho biết, những diện tích cao su năng suất mủ thấp đã được thanh lý với giá trung bình khoảng 280 triệu đồng/ha. Hiện nay, công ty còn khoảng 4.500ha chưa thanh lý và dự kiến mỗi năm sẽ thanh lý 1.000ha, nhằm bù đắp cho giá bán mủ liên tục xuống thấp.
Trong giai đoạn từ năm 2005 - 2017, công ty đã chuyển đổi 1.000ha diện tích cao su thành 2 khu công nghiệp Nam Tân Uyên và Tân Bình. Trong giai đoạn 2018 - 2020, công ty dự kiến sẽ tiếp tục chuyển đổi 1.000 - 2.000ha diện tích đất thành các KCN. Hiện tại, để đảm bảo duy trì sản xuất, doanh nghiệp buộc phải “thắt lưng buộc bụng” bằng cách tiết giảm tới mức thấp nhất các chi phí.
Trong khi đó, Công ty Cao su Dầu Tiếng chú trọng đến chuyển đổi một số diện tích không còn phù hợp để trồng cao su sang phát triển lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm gia tăng hiệu quả sử dụng đất, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo nguồn lợi nhuận bền vững, tránh phụ thuộc duy nhất vào cao su, tiếp tục thực hiện trồng xen canh cây ngắn ngày để tăng hiệu quả sử dụng đất.