Cấp bách đối phó đại dịch cúm H7N9

Kịp thời đối phó với các tình huống khẩn cấp trong bối cảnh dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm đang diễn biến phức tạp và dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp để ngăn chặn.
Cấp bách đối phó đại dịch cúm H7N9

Kịp thời đối phó với các tình huống khẩn cấp trong bối cảnh dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm đang diễn biến phức tạp và dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc có nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp để ngăn chặn.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống dịch cúm gia cầm

Ngày 14-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Công điện số 200/CĐ-TTg gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường thực hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 133/CĐ-TTg ngày 23-1-2014, tập trung thực hiện các biện pháp sau:

Tổ chức triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người”; thành lập ngay các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương nhất là các địa bàn có nguy cơ cao ở khu vực phía Bắc. Triển khai quyết liệt, kiểm tra sát sao việc thực hiện “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam” và các biện pháp phòng chống các chủng virus cúm khác. Tập trung triển khai thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virus A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm khác vào Việt Nam.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc; nghiêm cấm việc buôn bán vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được xử lý chín bằng nhiệt từ Trung Quốc vào Việt Nam.

        Ra quân phòng chống dịch

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đã quyết định thành lập 5 đội cơ động phòng chống dịch, mỗi đội 10 thành viên để ứng phó nếu dịch cúm gia cầm lây sang người. Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội cũng đã chỉ đạo mỗi quận, huyện thành lập 2 đội cơ động ứng phó dịch bệnh, mỗi đội có từ 5 - 7 thành viên. Các đội cơ động phòng chống dịch này có nhiệm vụ nhanh chóng tiếp cận ổ dịch và xử lý ổ dịch cúm gia cầm ngay sau khi nhận được tin báo trong vòng từ 30 phút tới 1 giờ. Đồng thời tiến hành các biện pháp cách ly người mắc hoặc nghi nhiễm cúm A/H5N1 và A/H7N9. Tư vấn điều trị dự phòng và giám sát những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc cúm và với gia cầm bệnh.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh bắt giữ, tiêu hủy gà lậu.

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh bắt giữ, tiêu hủy gà lậu.



Cùng với Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã quyết định thành lập 6 chốt kiểm soát liên ngành để kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn, đặc biệt tập trung ngăn chặn gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào nước ta. Các chốt kiểm soát này có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật và sản phẩm từ động vật. Tổ chức thu giữ, tiêu hủy đối với những động vật, sản phẩm động vật vận chuyển không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận của cơ quan thú y có thẩm quyền, xử phạt các đối tượng vi phạm và khử trùng tiêu độc đối với phương tiện vận chuyển.

        Nguy cơ cúm H7N9 xâm nhập

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát - Trưởng BCĐ Quốc gia phòng chống cúm gia cầm cho biết, diễn biến dịch bệnh tại Trung Quốc cho thấy phải có kế hoạch đồng bộ hơn, rà soát các biện pháp đang thực hiện để có một kế hoạch triển khai quyết quyết; huy động tối đa sự vào cuộc của chính quyền, người dân để ngăn ngừa sự lây lan của virus H7N9; sẵn sàng đối phó với tình huống cao nhất là H7N9 xuất hiện ở Việt Nam.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, tại Trung Quốc, số người nhiễm cúm gia cầm H7N9 tăng nhanh theo từng ngày, cứ 4 người mắc thì có 1 người tử vong. Điều này chứng tỏ virus H7N9 có độc lực cao. “Nguy cơ xâm nhập vào nước ta đang hiện hữu hàng ngày, cần nỗ lực, cố gắng bằng mọi biện pháp cao nhất ngăn không cho virus này xâm nhập vào Việt Nam” - Bộ trưởng Cao Đức Phát cảnh báo và đề nghị tất cả các địa phương tạm dừng nhập khẩu các loại gia cầm giống và sản phẩm gia cầm sống chưa qua xử lý nhiệt từ Trung Quốc vào Việt Nam. Phải ngăn chặn bằng được sự xâm nhập của virus cúm H7N9 thông qua buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới, cấm tuyệt đối việc vận chuyển các loại gia cầm dưới mọi hình thức qua biên giới.

Ngày 14-2, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 3 xã thuộc huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum làm 2.663 con gà mắc bệnh; số tiêu hủy là 5.235 con gà, vịt.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 2 xã An Thạch huyện Bến Cầu và xã Hòa Hội thuộc huyện Châu Thành làm 329 con gia cầm mắc bệnh; số tiêu hủy là 1.582 con gia cầm.

Tại Cà Mau, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời và xã An Xuyên, thành phố Cà Mau làm 106 con gia cầm mắc bệnh; số gia cầm buộc phải tiêu hủy là 121 con gia cầm.

Dịch Cúm gia cầm cũng đã xảy ra tại 5 xã thuộc 3 huyện Ninh Hòa, Cam Lâm và Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa làm khoảng 12 ngàn con gia cầm mắc bệnh và đã được tiêu hủy. Ngoài ra, một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi) nhưng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan.

Như vậy, hiện nay, cả nước có 6 tỉnh: Quảng Ngãi, Nam Định, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa có dịch cúm gia cầm.

NGUYỄN QUỐC - PHÚC VĂN


ĐBSCL: Gia cầm tiêm vaccine vẫn bị cúm

Dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp ở ĐBSCL, nguy cơ bùng phát trên diện rộng khiến ngành chức năng đứng ngồi không yên. Đáng lo ngại là tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia cầm còn thấp...

        Vaccine vô hiệu?

Huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) có đàn gia cầm hơn 200.000 con, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ tại các hộ gia đình. Từ cuối năm 2013 đến nay trên địa bàn huyện xảy ra 4 ổ dịch cúm gia cầm tại các xã Trường Long, Tân Thới và Nhơn Nghĩa. Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm đã cho kết quả dương tính cúm A/H5N1. Các ngành chức năng đã khẩn trương tiêu hủy 2.700 con gia cầm mắc bệnh và phun thuốc tiêu độc, khử trùng…

Đáng lo ngại là tại 4 ổ dịch này, tất cả gia cầm của người dân đều được tiêm phòng đúng quy định, song vẫn bị cúm. Bà Nguyễn Thị Hà, ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền phản ánh: “Nhà tôi nuôi gần 1.800 con gà, được cán bộ thú y tiêm phòng theo quy định. Trước tết, tôi bán bớt 800 con. Số còn lại chết liên tục buộc phải tiêu hủy toàn bộ. Kết quả các mẫu xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1”. Người dân thắc mắc vì sao có tình trạng này? Ngành thú y huyện Phong Điền không thể giải đáp được, nên báo cáo lên Chi cục Thú y và ngành nông nghiệp TP Cần Thơ để tìm câu trả lời.

Tại Cần Thơ, nhiều đàn gia cầm đã tiêm phòng nhưng vẫn nhiễm bệnh.

Tại Cần Thơ, nhiều đàn gia cầm đã tiêm phòng nhưng vẫn nhiễm bệnh.

Theo ông Lưu Phước Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ, năm nay thời tiết trở lạnh kéo dài bất thường, tạo điều kiện cho virus cúm gia cầm phát sinh và xâm nhập vào gia cầm gây bệnh. Vaccine hiện nay đang sử dụng có hiệu quả đối virus H5N1 nhánh 1.1 và 2.3.2.1A. Nếu virus gây bệnh thuộc nhóm khác (2.3.2.1B, 2.3.2.1C) thì không tạo được miễn dịch bảo hộ cho gia cầm tiêm phòng.

Một điều đáng lo ngại nữa là tỷ lệ gia cầm được tiêm phòng chưa cao, nhất là trên đàn gà. Tại TP Cần Thơ hiện có đàn gia cầm gần 1,8 triệu con. Trong số này, đàn gà 518.320 con, tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt 36%; đàn vịt hơn 1,2 triệu con, tiêm phòng hơn 80%. Theo ông Võ Bé Hiền, Chi cục Trưởng Chi cục Thú ý tỉnh Đồng Tháp, nguy cơ bùng phát cúm A/H5N1 rất cao. Qua kiểm tra, có đến 13% số lượng gia cầm được xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1.

        Đâu là nguyên nhân

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia cầm đã tiêm phòng nhưng vẫn bị nhiễm cúm A/H5N1 là do vaccine không phù hợp với nhánh virus gây bệnh. Năm 2013 trở về trước, Cục Thú y xác định trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ có nhánh virus 1.1 gây bệnh cúm gia cầm nên dùng vaccine 1.1. Nhưng các ổ dịch cúm từ cuối năm 2013 đến nay thì kết quả xét nghiệm do virus H5N1 nhánh 2.3.2.1C gây nên”. Ông Dũng loại trừ khả năng xảy ra cúm do tiêm phòng thiếu liều lượng hoặc không đúng kỹ thuật, quy trình. Hiện Cần Thơ tồn tại song song 2 nhánh virus H5N1 gây bệnh cúm gia cầm.

Về vấn đề này, ông Võ Bé Hiền nhận định: “Việc tiêm phòng vaccine rồi, nhưng gia cầm vẫn chết xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể do việc bảo quản vaccine không tốt hoặc kỹ thuật tiêm không đúng. Ngoài ra, có thể do gia cầm đã nhiễm bệnh trước đó, nên khi tiêm vaccine vào bệnh sẽ bùng phát làm gia cầm chết. Ngoài ra, không loại trừ khả năng ngành thú ý đã giao thuốc cho các hộ chăn nuôi, nhưng sau đó họ lại không tiêm phòng cho gia cầm”. Để ngăn chặn nguy cơ lây lan trên diện rộng, ngành chức năng các địa phương trong vùng đang quyết liệt khoanh vùng, dập dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia cầm…

BÌNH ĐẠI

>> Cúm gia cầm rình rập khu dân cư

Tin cùng chuyên mục