Theo Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có gần 17.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Tính đến giữa tháng 3-2019 đã có hơn 7.350ha rừng bị khô hạn trầm trọng, nguy cơ cháy cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Trước tình hình trên, UBND tỉnh An Giang yêu cầu lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương… triển khai đồng bộ biện pháp tăng cường phòng chống cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu và tích cực tham gia phòng chống cháy rừng; thường xuyên tập huấn kỹ năng về phòng cháy đối với lực lượng tham gia và người dân; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chữa cháy; đặc biệt là dự trữ nguồn nước dồi dào nhằm phục vụ chữa cháy rừng khi có tình huống xảy ra.
Ông Lý Vĩnh Định, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn, tâm sự: “Hàng năm cứ đến mùa khô là lực lượng kiểm lâm phải căng sức giữ rừng. Do địa bàn quản lý khá rộng, trong đó có rừng ở đồng bằng và rừng khu vực đồi núi, nên việc bảo vệ lắm gian nan. Hiện tại đang vào cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài đã làm nhiều diện tích rừng khô kiệt, nguy cơ cháy rất cao. Vì vậy, cùng với canh giữ nghiêm ngặt thì lực lượng kiểm lâm còn quản lý chặt không để người lạ mặt tự ý vào rừng nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy”. Cũng theo ông Lý Vĩnh Định, thời điểm này nhiệt độ tăng cao và dự báo rừng ở đồng bằng nguy hiểm hơn rừng đồi núi, do mực nước ngầm đang xuống thấp. Ngành chức năng thường xuyên nhắc nhở người dân đi bắt ong rừng cần thận trọng, không hút thuốc gần khu vực rừng; đối với du khách hành hương, đi chùa, cũng được lưu ý việc thắp nhang, tránh nguy cơ cháy lan.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết, đã tổ chức triển khai hàng chục phương án phòng chống cháy rừng từ cấp huyện đến cấp xã; trang bị 4 xe tải và 65 xuồng máy phục vụ vận chuyển lực lượng khi có tình huống cần thiết; bố trí 130 máy chữa cháy cải tiến, gần 11.000 thùng chứa nước, bình xịt sẵn sàng dập lửa… “Chúng tôi tiến hành khoanh vùng những nơi nguy cơ cháy rừng cao để có phương án ứng phó tốt nhất. Đồng thời, dán các bảng pa nô cảnh báo để mọi người chú ý nhằm phòng ngừa cháy rừng; nếu trường hợp có cháy xảy ra thì bằng mọi cách phải dập tắt kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại”, ông Trương Minh Hùng, Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang nói. Tại Cà Mau, có hơn 33.000ha rừng tràm khô kiệt từng ngày nên nguy cơ cháy xảy ra bất cứ lúc nào. Trong đó, ở Vườn quốc gia U Minh Hạ có khoảng 9.000ha rừng nguy cơ cháy ở các cấp độ khác nhau.
Ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ, cho biết đã phân công lực lượng trực xuyên suốt và theo dõi sát diễn biến thời tiết hạn mặn. Bên cạnh đó, chủ động đắp đập giữ nước, tiến hành nạo các tuyến lưu thông đường bộ và đường thủy thuận lợi; bố trí lực lượng trực chòi quan sát lửa nhằm phát hiện kịp thời những tình huống cần thiết, tất cả hệ thống thông tin liên lạc đang được đảm bảo thông suốt… Ngoài ra, đặt các thước nước tại những lòng kênh để theo dõi biến động về lượng nước bốc hơi trên toàn lâm phần Vườn quốc gia U Minh Hạ. Lượng nước bốc hơi được theo dõi và báo cáo hàng tuần phục vụ dự báo cấp cháy... Kiểm tra phòng chống cháy rừng ở Vườn quốc gia U Minh Hạ, đồng chí Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau, yêu cầu lực lượng chức năng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống cháy rừng bởi tình hình khô hạn rất phức tạp. Phải tăng cường tuyên truyền để mọi người hiểu và cùng chung sức phòng cháy; chủ động phối hợp chặt với các đơn vị liên quan và người dân sống ở vùng đệm thực hiện tốt các biện pháp giữ rừng...
Ở Kiên Giang, nhiệm vụ phòng chống cháy rừng được đặt lên hàng đầu, bởi diện tích rừng của tỉnh khá lớn, tình hình khô hạn cũng rất trầm trọng.
Theo ông Phạm Quốc Dân, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng: “Diện tích rừng đặc dụng tại đây hơn 8.000ha. Từ đầu mùa khô đến nay đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ mức nước trong rừng để đảm bảo việc phòng cháy. Song song đó, những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy đã được xác định và có phương án ứng phó. Vườn cũng đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, xe chuyên dùng chữa cháy; thành lập nhiều đội canh gác, phòng cháy, theo dõi mực nước để bơm bổ sung vào rừng kịp thời giảm nguy cơ cháy…”.