Chốt chặn để xử lý dịch
Theo ông Bạch Đức Lữu, Phó Cục trưởng Cục Thú y, ổ dịch đầu tiên ở phía Nam xảy ra ở tỉnh Hậu Giang vào ngày 11-4, đến nay xuất hiện tại 8 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang.
Lý giải việc lây lan nhanh này, ông Bạch Đức Lữu chỉ ra các lý do: Hầu hết hộ nuôi chưa hiểu rõ, chưa thực hiện an toàn sinh học triệt để; hộ nuôi còn sử dụng thức ăn thừa của người; hộ nuôi khi phát hiện bệnh không khai báo ngay; việc công bố dịch chưa kịp thời; chưa làm tốt việc kiểm soát giết mổ lậu, thu gom heo chết về giết mổ; việc tiêu hủy chưa đạt yêu cầu; việc kiểm dịch gia súc vận chuyển chưa đúng quy định...
Đồng chí Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, cho biết gần 80% lượng heo tiêu thụ ở TPHCM có nguồn gốc từ các tỉnh xung quanh. Vì vậy áp lực bệnh dịch tả heo châu Phi rất lớn. Bên cạnh việc tăng tần suất hoạt động của các đoàn kiểm tra liên ngành TP và quận huyện, nhằm xử lý nghiêm việc vận chuyển, giết mổ trái phép, TPHCM thực hiện việc giám sát chặt tình hình dịch tễ đàn gia súc.
Ngoài chốt chặn kiểm dịch các tuyến đường nối tỉnh Đồng Nai, TPHCM đã lập thêm 5 chốt kiểm dịch tạm thời giáp các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh. Đồng thời kiểm soát chặt quy trình nhập heo và giết mổ, tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển gia súc tại các trạm đầu mối giao thông...
Theo đồng chí Lê Thanh Liêm, các hộ kinh doanh giết mổ cũng phải đăng ký tuyến đường vận chuyển thịt khi vào TPHCM; thống nhất tuyến đường vận chuyển heo xuất về TP, trình phúc kiểm, tiêu độc khử trùng tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, Xuân Hiệp. Mặt khác, TPHCM tăng cường lấy mẫu heo tại các cơ sở chăn nuôi, các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, chợ đầu mối để tầm soát dịch bệnh.
Áp dụng triệt để biện pháp an toàn sinh học
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi tiếp tục lây lan ở các tỉnh, TP khu vực Đông và Tây Nam bộ rất cao, các địa phương không được chủ quan.
“Hiện là thời điểm giao mùa (phía Nam bắt đầu vào mùa mưa), các tỉnh ĐBSCL có hệ thống sông rạch dày đặc, giao thông đường thủy và đường bộ đan xen, khó kiểm soát. Vì vậy, mầm bệnh có thể dễ dàng phát tán và lây lan nhanh sang tất cả các địa phương chưa có dịch trong khu vực; nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô heo lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lo ngại.
Theo Bộ NN-PTNT, bệnh dịch tả heo châu Phi hiện chưa có thuốc chữa, chưa có vaccine, chỉ phòng là chính. Vì vậy, an toàn sinh học là biện pháp duy nhất để phòng tránh hiệu quả. Nếu không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phát triển chăn nuôi heo, gây tổn thất lớn về kinh tế, xã hội, nhất là ảnh hưởng lớn đến môi trường. Phát hiện sớm, kịp thời, heo chết xử lý ngay giúp giảm nguy cơ lây nhiễm.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các tỉnh, TP tổng rà soát phương án và xây dựng hoàn chỉnh trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi để dập dịch ngay từ cấp xã, huyện. Chú ý tất cả các tình huống, trong đó có sự tham gia hỗ trợ của lực lượng vũ trang. “Địa phương là nơi cần chủ động, linh hoạt các tình huống, trong đó việc phát hiện sớm, xử lý nhanh giúp giảm nguy cơ lây lan”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.
“ Đề nghị các địa phương chưa tái đàn trong thời gian này, riêng đàn heo hạt nhân bố mẹ, ông bà cần được bảo vệ và kiểm soát tốt để có thể phục hồi thời điểm thích hợp. Thời gian này các địa phương cần tính đến việc chuyển sang vật nuôi khác như gia cầm hay động vật ăn cỏ, tùy theo điều kiện và lợi thế từng địa phương. ” Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường |