Cấp bách tạo nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước

Về lâu dài, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng cần phải sớm tính bài toán giảm phụ thuộc thị trường nhập khẩu bằng cách chủ động sản xuất, cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôn ngay ở trong nước.
Cơ sở nuôi gà lấy trứng tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: CAO THĂNG
Cơ sở nuôi gà lấy trứng tại tỉnh Bình Dương. Ảnh: CAO THĂNG

Ngày 12-8, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Tổ chức CropLife châu Á, Văn phòng Nông nghiệp - Đại sứ quán Hoa Kỳ (USDA) đã phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến về các giải pháp để giúp chăn nuôi Việt Nam phát triển bền vững hơn, bổ sung các nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định để giảm phụ thuộc vào nguồn thức ăn chăn nuôi (TACN) nhập khẩu. 

Nông dân gặp khó khăn “kép”

 Ghi nhận tại Đồng Nai - thủ phủ chăn nuôi của vùng Đông Nam bộ với tổng đàn gia súc khoảng 2,6 triệu con, gia cầm khoảng 26,4 triệu con - người chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Vinh, chủ một trang heo tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, trang trại heo của ông có quy mô 200 con heo thịt, mỗi ngày ăn hết khoảng 17 bao cám. Hiện giá cám tăng liên tục, mỗi ngày tiền thức ăn cho heo tăng khoảng gần 200.000 đồng.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết, từ tháng 11-2020 đến nay giá thức ăn cho heo tăng 9 lần, bình quân một lần tăng 300-600 đồng/kg. Do vậy, mỗi con heo đến khi xuất bán chi phí tăng thêm 1 triệu đồng. Giá thức ăn tăng, giá heo hơi giảm nên hiện người nuôi đang lỗ, nhiều hộ chăn nuôi không dám tái đàn.

Anh Nguyễn Thanh Liêm, ngụ ấp Tam Hiệp, thị trấn Gia Ray (Xuân Lộc, Đồng Nai) cho hay, hiện tại trại vịt nhà anh còn hơn 1.000 con chưa bán được, mỗi ngày tốn thêm cả triệu đồng tiền thức ăn. Trong những ngày qua, anh phải bán tháo cho người dân địa phương. Tại Tây Ninh, một đại lý tại thị trấn Châu Thành chia sẻ, tất cả các loại TACN cho heo, gà, vịt từ đầu năm đến nay đều tăng ít nhất 25%, đối với các sản phẩm như Con Cò, Cargill, GreenFeed hay Hi-gro lên đến trên 30%.

Tương tự, ghi nhận từ ĐBSCL cho thấy người chăn nuôi cũng “đuối” dần vì giá TACN tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Tấn, hộ nuôi cá tra xuất khẩu ở huyện Châu Phú (An Giang), cho biết: “Từ đầu năm đến nay thức ăn tăng tới 4 lần, hiện dao động khoảng 12.000 đồng/kg (tùy loại). Giá thành khoảng 23.000 - 25.000 đồng/kg nhưng giá bán chỉ khoảng 21.500- 22.500 đồng/kg khiến người nuôi thua lỗ”.

Là một trong rất nhiều hộ nuôi tôm đang gặp khó, ông Trần Văn Việt, Giám đốc HTX nuôi tôm công nghiệp Thành Công (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) than: “Giá tôm hiện nay giảm quá thấp nên người nuôi tôm lỗ nặng. Hiện nay, nếu tôm thu hoạch từ 50 con/kg trở lên thì cầm chắc lỗ; còn thu hoạch từ 30 - 50 con/kg thì hòa vốn hoặc lời chút đỉnh. Dù giá tôm giảm như vậy nhưng giá thức ăn cho tôm liên tục tăng. Do đó, nhiều người thu hoạch xong thì “treo ao”, không dám thả nuôi tiếp”.

Ưu đãi bằng chính sách

 Tại hội thảo, bà Trần Ngọc Yến, Giám đốc Công ty Phân tích thị trường Agromonitor, thông tin, nếu ở thời điểm “hậu” dịch tả heo châu Phi bùng phát, giá thịt heo hơi tăng cao, người chăn nuôi có thể lãi tới 6 triệu đồng/con thì hiện nay người chăn nuôi chỉ còn lãi 1,5 - 2 triệu đồng/con. Mức lãi này là với điều kiện các chủ trại chủ động được nguồn heo nái, còn nếu phải mua heo con về gây giống thì sẽ lỗ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, cho biết, hiện giá gà, vịt đang xuống rất thấp. Ngoài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến thị trường tiêu thụ khó khăn, theo ông Sơn và bà Yến, nguyên nhân chính khiến người chăn nuôi thua lỗ, liên tục đối mặt rủi ro vẫn là do giá TACN thế giới tăng cao. Bởi vì lâu nay Việt Nam vẫn đang phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu TACN nhập khẩu nên khi xảy ra biến động của giá nguyên liệu thế giới thì giá trong nước cũng tăng theo. 

Về lâu dài, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng cần phải sớm tính bài toán giảm phụ thuộc thị trường nhập khẩu bằng cách chủ động sản xuất, cung ứng nguyên liệu TACN ngay ở trong nước. Bởi theo dự báo, nhu cầu nguyên liệu TACN trong thời gian tới vẫn tiếp tục tăng mạnh (Việt Nam sẽ cần khoảng 28 - 30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới). Nếu không chủ động được nguồn nguyên liệu, người chăn nuôi tiếp tục lao đao mỗi khi giá cả biến động. 

Để chủ động được nguồn nguyên liệu TACN trong nước, ông Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, bên cạnh các giải pháp về chính sách thuế, thương mại, Việt Nam cần có chiến lược căn cơ, bài bản; trong đó giải pháp khả thi, hiệu quả nhất là phát triển các loại cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học (ví dụ như bắp, đậu nành) để làm nguyên liệu TACN vì năng suất, sản lượng cao. 

Bà Đinh Thị Thúy Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng Cục Thống kê) đề nghị áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ để tăng nguồn cung TACN như tận dụng nguồn nguyên phụ phẩm của các ngành sản xuất, chăn nuôi trong nước (thủy hải sản, công nghiệp chế biến thực phẩm)… Các doanh nghiệp sản xuất TACN trong nước cũng cần tối đa hóa nguồn nguyên vật liệu để dần thay thế nguồn nhập khẩu, giảm giá thành bằng cách tận dụng các nguồn cung nguyên liệu của địa phương.

Mặc dù là nước đứng tốp đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu lương thực nhưng hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu 70 - 85% nguyên liệu TACN từ nước ngoài. Sở dĩ lượng nhập khẩu ngày càng gia tăng là do mỗi năm nước ta chỉ có thể cung ứng được 4,5 - 5 triệu tấn bắp hạt, 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn khoai mì làm TACN, trong khi nhu cầu là 26 - 27 triệu tấn nguyên liệu.

Theo Tổng Cục Thống kê, năm 2020, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu của Việt Nam tăng 3,75% nhưng chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ này tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước.


Tin cùng chuyên mục