Đang sở hữu diện tích đất đã được chính quyền cấp giấy chứng nhận, bỗng một ngày, họ bị thu hồi với lý do… chính quyền cấp sai. Ở một trường hợp khác, đất vừa được thu hồi để xây dựng dự án, các hộ dân đã di dời, nhận tiền bồi thường nhưng ngay sau đó, chính đơn vị từng đi thu hồi lại cấp đất sản xuất ngay trên chính diện tích đã thu hồi.
Dù đã được nhận tiền bồi thường trên đất đã bị thu hồi, nhưng 6 năm qua, ông Hoách vẫn canh tác bình thường trên diện tích đó vì... có giấy tờ hợp lệ do huyện cấp chồng.
Cấp chồng
Năm 2006, để bàn giao mặt bằng cho dự án hồ chứa nước Nước Trong, huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) đã thu hồi toàn bộ 104ha đất rừng, đất sản xuất lúa nước và đất ở của 68 hộ đồng bào Hơ Rê tại thôn Nước Nia, thị trấn Di Lăng. Các hộ dân này đã được nhận tiền bồi thường hơn 4,4 tỷ đồng (đợt 1). Tuy nhiên, sau đó huyện Sơn Hà lại cấp đất cho dân sản xuất ngay trên chính diện tích đã thu hồi. Ông Đinh Văn Hoách, ở thôn Nước Nia bị thu hồi khoảng 6ha, nhận đền bù hơn 200 triệu đồng tiền đất và cây lâm nghiệp. Thấy diện tích đó bỏ hoang nên ông Hoách tận dụng trồng keo và sắn. Và ông bất ngờ đến… vui mừng khi được huyện Sơn Hà cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên diện tích ông đã được bồi thường, khoảng 3ha. Thế là ông Hoách yên tâm hàng ngày lên rẫy trồng sắn, trồng keo và đã thu hoạch được một vụ keo với giá gần bằng tiền đền bù. Nay ông cũng bất ngờ khi thị trấn Di Lăng và huyện Sơn Hà đang tiến hành các thủ tục để thu hồi lại những GCNQSDĐ đã cấp cho những gia đình giống như ông. Ông Hoách hồn nhiên: “Mình có biết đâu. Thấy chính quyền bảo làm giấy tờ sau đó lên huyện nhận GCNQSDĐ thì mình nhận. Giờ nếu thu hồi thì tôi trả. Nhưng giải quyết sao cho công bằng là được”. Theo ông Hoách, là phải bồi thường lần nữa những vật dụng trên đất (cây lâm nghiệp) vì bà con đã bỏ công sức trồng cả 5-6 năm nay.
Ông Đinh Quốc Bình, Chủ tịch thị trấn Di Lăng cho biết do sai sót từ đoàn công tác của Bộ NN-PTNT khi đó về đã đo đạc, cắm mốc không chính xác và sai sót từ xã do năng lực của cán bộ địa chính thị trấn kém. Trong khi đó, UBND huyện Sơn Hà lại cho rằng, khi thu hồi đất để xây dựng dự án hồ chứa nước Nước Trong, sự phối hợp giữa Ban quản lý dự án và UBND thị trấn Di Lăng không chặt chẽ trong việc bàn giao đất đã thu hồi, bồi thường và đất thực địa. Có 32 hộ bị cấp chồng, diện tích 24,46ha. Ông Trần Tấn Tài, Phó phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Sơn Hà, đưa ra giải pháp: “Bây giờ phải xác định lại hiện trạng và diện tích đã thu hồi. Trong quá trình thu hồi, lồng ghép luôn việc rà soát lại ranh thửa từng hộ đã nhận tiền bồi thường. Đồng thời đối chiếu với bản đồ đã bồi thường với bản đồ đã cấp giấy chồng để xử lý”.
Cấp sai
Năm 2007, Phó Chủ tịch (nay là chủ tịch) UBND huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế), ông Nguyễn Thanh Hà, đã ký cấp sổ đỏ cho hàng chục hộ dân xã Lộc Thủy. 7 năm sau, cũng chính vị lãnh đạo này lại ký quyết định thu hồi những giấy CNQSDĐ đó. Ông Đỗ Thanh Thiết (49 tuổi), được công nhận chủ sở hữu của 846m² (đất ở 400m², đất trồng cây lâu năm 446m²) thời hạn sử dụng 50 năm, thắc mắc: “Người dân muốn làm sổ đỏ thì nộp hồ sơ tại xã. Rồi liên tục nhiều đoàn về kiểm tra, rà soát, thẩm định cả mấy tháng trời mới cấp giấy CNQSDĐ cho người dân. Mấy ngày nay, nhận được thông báo của huyện thu hồi sổ đỏ, tôi không hiểu vì sao, cả gia tài có được đều bỏ ra mua lô đất đó rồi. Nay nói thu hồi sao được”. Tương tự, ông Trần Văn Bùi cũng được UBND huyện Phú Lộc cấp sổ đỏ vào ngày 5-4-2007 trên diện tích 760m² (đất ở 400m² và đất trồng cây lâu 360m²) cũng thời hạn sử dụng 50 năm. Theo ông Bùi, nguồn gốc thửa đất do cha mẹ khai hoang và làm nhà ở từ năm 1975, sau đó chia lại cho 2 người con trai, mỗi người một phần trong cùng thửa đất có nhà ở. Ông Bùi cho rằng: “Sổ đỏ của ông đã được cấp hơn 7 năm. Đùng một cái, huyện cho rằng quá trình cấp không đúng và ra thông báo thu hồi. Nếu người dân trực tiếp làm gian dối, làm sai thì đành chịu. Đằng này, trước khi cấp sổ đỏ đã qua nhiều cấp kiểm tra, xác minh, vậy mà cho rằng cấp không đúng là sao”?
Lý giải về những thắc mắc của người dân, ông Nguyễn Đình Phú, Chánh Thanh tra huyện Phú Lộc cho rằng, qua kiểm kê, đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án mở rộng quốc lộ 1A mới phát hiện việc cấp sai sổ đỏ. Cụ thể, nhiều sổ đỏ ghi có diện tích đất ở, nhưng thực tế các thửa đất này đều không có nhà ở… Ngoài ra, quy trình cấp sổ đỏ đối với các thửa đất của người dân ở xã Lộc Thủy cũng không đúng quy định pháp luật, thiếu kiểm tra, đối chiếu hiện trạng mà đã chuyển hồ sơ lên Hội đồng thẩm định cấp sổ đỏ của huyện rồi tới UBND huyện ra quyết định cấp sổ đỏ cho các hộ dân, làm thất thoát ngân sách của Nhà nước, thất lạc hồ sơ địa chính. Do vậy, Thanh tra huyện Phú Lộc kiến nghị Chủ tịch UBND huyện thu hồi 9 sổ đỏ huyện đã cấp 7 năm về trước.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, cũng thừa nhận có sai sót ở cấp xã và Phòng TN-MT. “Sau khi thu hồi sổ đỏ, huyện sẽ xem xét trách nhiệm chính quyền xã, các cá nhân, tập thể liên quan trong việc tham mưu cho lãnh đạo huyện cấp GCNQSDĐ”- ông Hà nói.
HÀ MINH - VĂN THẮNG