Các chuyên gia nhận định, ngành cấp nước ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chịu nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu, khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún đất… Các yếu tố này góp phần làm tăng xâm nhập mặn trong nước ngầm và nước mặt, chủ yếu vào mùa khô. Đối với ĐBSCL, nguồn nước thô khai thác từ nước mặt không đủ đáp ứng cho các nhà máy xử lý nước hiện tại bởi độ mặn quá cao. Đây là yếu tố không bền vững về môi trường. Theo đó, việc xây dựng dự án cấp nước liên vùng đã nhanh chóng được đưa ra.
Phân kỳ hệ thống chuyển tải
Theo Bộ Xây dựng thông tin, dự án cấp nước vùng cho ĐBSCL đã và đang được nghiên cứu để đáp ứng nhu cầu nước sạch, an toàn cho người dân trong giai đoạn trung và dài hạn. Bộ Xây dựng tìm đối tác là Ngân hàng Thế giới thông qua một dự án cấp nước an toàn. Dự án được đánh giá là khá mới, nên các cán bộ chuyên trách phải dò dẫm, tìm kiếm các giải pháp triển khai. Hiện tại, Bộ Xây dựng đang lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo khả thi. Ước tính, để dự án hoạt động, số tiền đầu tư xây dựng lên tới hàng tỷ USD.
Mở van bể chứa đưa nước sông vào bể lắng Nhà máy Nước Tân Hiệp cung ứng cho người dân TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng, cho biết, dự án có thể cân nhắc phương án phân kỳ xây dựng hạ tầng hệ thống chuyển tải phân phối. Đây không chỉ là một công cụ đáp ứng nhu cầu sử dụng nước thực tế trong tương lai mà còn đóng vai trò kích cầu sử dụng nước trên cơ sở mở rộng phạm vi bao phủ mạng lưới của hệ thống. Một nội dung chính khác là thiết kế hệ thống và mạng lưới chuyển tải, phân phối. Phương án thiết kế có thể theo hướng tách riêng hệ thống ống chuyển tải và mạng lưới ống phân phối. Như vậy sẽ có một số điểm tiếp nhận nước trên tuyến ống chuyển tải chính.
Các điểm cấp nước này nhìn chung sẽ được sử dụng kết hợp với hồ chứa. Mọi biến động về nhu cầu sử dụng nước hàng ngày được điều tiết bằng hồ chứa. Việc tách riêng chức năng chuyển tải và phân phối của hệ thống nước liên vùng là cơ sở để xây dựng cơ cấu tổ chức thể chế cho dự án. Theo đó, các công ty cấp nước của mỗi tỉnh sẽ chịu trách nhiệm phân phối, kinh doanh nước; trong khi đơn vị quản lý, vận hành hệ thống cấp nước vùng được giao nhiệm vụ xử lý và chuyển tải nước sạch. Tuy vậy, cần giải pháp mang tính chất liên vùng. Ngoài ra việc sử dụng nước ngầm nên cân nhắc sao cho hợp lý vì đây là tài nguyên chiến lược quốc gia. Nếu tiếp tục sử dụng nước ngầm có khả năng ảnh hưởng tới việc triển khai thực hiện dự án. Mặc dù người dân là đối tượng được hưởng lợi nhưng cũng cần có trách nhiệm đối với dự án. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến nhìn nhận, đây là dự án mới, dự trù nguồn vốn “khủng”, lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam nên cần có nghiên cứu khoa học; triển khai chu đáo, chi tiết; hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót gây ảnh hưởng cho tương lai.
Nâng cao khả năng dự báo
Ông Sytze Jarigsma, kỹ sư Công ty Vitens Evides International (Hà Lan), cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng của dự án đó là dự báo nhu cầu nước; mà việc này thì rất dễ làm. Chẳng hạn, chỉ cần nhân số dân với mức tiêu thụ đầu người, rồi thêm một vài thông số như nhu cầu nước thương mại, nước công nghiệp, nước không doanh thu, hệ số cao điểm… Việc dự báo nhu cầu nước quá cao dẫn đến đầu tư lớn; ngược lại, dự báo nhu cầu thấp xảy ra tình trạng thiếu nước dùng. Do vậy, cần quan tâm tới các yếu tố trong công tác dự báo, gồm: tầm nhìn quy hoạch, số liệu dân số, số dân được cấp nước, nhu cầu trên đầu người, nhu cầu khác ngoài sinh hoạt hộ gia đình, quy hoạch công suất sản xuất cho nhà máy…
Ở Việt Nam thường có tầm nhìn quy hoạch ngắn hạn. Nhiều nghiên cứu thể hiện tầm nhìn đến năm 2020 hoặc 2025, điều này có thể hạn chế các sai lầm lớn nhưng thực tế không phát huy hiệu quả kinh tế. Bởi những công trình hạ tầng thường có vòng đời kinh tế từ 25-30 năm. Với công trình hạ tầng vốn dĩ tồn tại cả đời, ta nên dự báo theo giai đoạn tương đối dài, ít nhất từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 hoặc 2050, đồng thời ước tính cả nhu cầu nước thời điểm đó. Ngoài ra, đối với nước không doanh thu (thất thoát do rò rỉ đường ống, hoặc bị tiêu thụ trái phép, đồng hồ nước thiếu chính xác) cũng cần được xem xét. Bao nhiêu nước không doanh thu là thất thoát không thực sự? Nếu tổng nước không doanh thu là 25% thì thất thoát không thực sự có thể từ 5%-10%; còn lại là thất thoát thực sự. Như vậy, trong dự báo nhu cầu nước, các chuyên gia nên quan tâm thêm cách tính nước thất thoát này.
Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, chuyên viên Văn phòng Chính phủ, nhận định: “Việc đầu tư quy hoạch cấp nước cho khu vực ĐBSCL là điều cần thiết, cấp bách. Thế nhưng, thực tế cho thấy, các nhà máy nước liên tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch, nhưng sau 6 năm vẫn chưa khởi động, do vướng cơ chế, chính sách. Chính phủ không cấp ngân sách cho việc xây dựng nhà máy cấp nước địa phương. Dự án tại địa phương nào thì địa phương đó chủ động nguồn kinh phí, khiến nhiều tỉnh thành lúng túng. Theo tôi, việc hạn chế sử dụng nước ngầm sau đó tiến tới chấm dứt sử dụng nước ngầm là điều nên làm. Bên cạnh đó, trong quy hoạch cần nhấn mạnh yếu tố cấp nước, sử dụng nước an toàn, bền vững, phân kỳ mục tiêu”.
THI HỒNG