Cặp vợ chồng "Robinson" trên hoang đảo

Từ hòn Củ Tron đến hòn Dầu chưa đầy 5 km nhưng chúng tôi phải mất gần một tiếng đồng hồ thuyền mới cập bến. Mọi người vừa lên khỏi bờ, một người đàn ông khoảng ngoài sáu mươi từ ngôi nhà nằm khuất giữa các lùm cây gần mé biển, bước ra ân cần tiếp đón và mời chúng tôi vào nhà. Qua vài câu thăm hỏi, tôi biết được người ấy chính là Hai Phương (Trần Văn Phương), chủ nhân của hòn Dầu - một “Robinson” đã từng đặt chân lên hoang đảo này cách nay 41 năm, mà chúng tôi đang tìm.
Cặp vợ chồng "Robinson" trên hoang đảo

Từ hòn Củ Tron đến hòn Dầu chưa đầy 5 km nhưng chúng tôi phải mất gần một tiếng đồng hồ thuyền mới cập bến. Mọi người vừa lên khỏi bờ, một người đàn ông khoảng ngoài sáu mươi từ ngôi nhà nằm khuất giữa các lùm cây gần mé biển, bước ra ân cần tiếp đón và mời chúng tôi vào nhà. Qua vài câu thăm hỏi, tôi biết được người ấy chính là Hai Phương (Trần Văn Phương), chủ nhân của hòn Dầu - một “Robinson” đã từng đặt chân lên hoang đảo này cách nay 41 năm, mà chúng tôi đang tìm.

  • Người có duyên nợ với đảo

Ông Hai Phương người gốc An Biên, Kiên Giang, từ nhỏ đã quen nghề ruộng rẫy. Lớn lên, lập gia đình không được bao lâu thì tới tuổi quân dịch. Mặc dù ông đã tìm đủ mọi cách trốn tránh, nhưng cũng không thể kéo dài cuộc đời trốn chui trốn nhủi, nên đầu năm 1968, vợ con ông đã đùm đíu, dắt díu nhau xuống thuyền vượt biển đi tìm vùng đất hứa.

Trần Văn Phương bên vườn cây ăn trái tại hòn Dầu.
Trần Văn Phương bên vườn cây ăn trái tại hòn Dầu.

Ông nghĩ bụng chuyến đi này chẳng khác nào một cuộc phiêu lưu mạo hiểm, vì biển vừa hiền hòa êm ả, vừa lắm lúc hung hăng, nhưng ông không còn con đường nào khác để lựa chọn.

Bà Lê Thị Cẩm Hồng, vợ ông nhớ lại: “Lúc đó tôi mới có đứa con đầu lòng, nhưng khi nghe ổng quyết định ra đảo, tôi không hề phản đối, bởi vì bản thân tôi đã từng tham gia phong trào phụ nữ ở địa phương từ năm 15 tuổi, gian nan đã từng trải nên không có việc gì đáng ngại”.

Ông Hai Phương nhớ lại: “Nơi mà tôi hướng tới là hòn Dầu, 1 trong 21 hòn đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cách đất liền trên 90 km. Trước khi đi tôi đã tìm hiểu khá kỹ hòn Ngang và hòn Lớn (hòn Củ Tron) tuy rộng lớn, nhiều người đã đến đó lập nghiệp nhưng vợ chồng tôi quyết định chọn hòn Dầu, một hoang đảo hoàn toàn không có bóng người để nương náu và tiện bề sinh sống”.

Dân ở đảo đa số đều sống bằng nghề khai thác, đánh bắt hải sản, một số ít làm nghề rừng và rẫy. Lúc mới đến, vợ chồng ông bắt tay ngay vào việc cất chòi, cuốc đất trồng rẫy và tìm nguồn nước ngọt để đào giếng.

Mấy tháng đầu do thiếu lương thực nên hai vợ chồng phải đắp đổi qua ngày bằng con ốc con sò và các thứ rau củ có sẵn trên rừng. Lần hồi ông tìm cách qua lại hòn Ngang, hòn Lớn để làm quen với các ghe xuồng đánh bắt để xin đi bạn (theo ghe lưới để làm công cho chủ), còn vợ ở nhà trông con, tưới rẫy, bắt ốc.

Thời ấy, bãi Chệt - hòn Củ Tron chỉ có vài chục gia đình, hòn Ngang cách đó 7 km cũng vỏn vẹn 3 ngôi nhà đơn sơ, còn hòn Dầu thì vắng hoe, chỉ có tiếng sóng vỗ oàm oạp nghe rợn người. Mỗi lần trời chuyển dông, mưa rơi lất phất, mù mù làm u ám cả bầu trời càng làm cho cảnh vật ảm đạm.

Ông nhớ lại năm 1969 là cái tết đầu tiên trên hoang đảo, một cái tết buồn nhất trong đời, nhà  không bánh mứt, không tiếng cười, chỉ có tiếng gió rì rào và tiếng dế nỉ non. Suốt mấy ngày tết ông chỉ biết lủi thủi một mình, cô quạnh, hẩm hiu, lúc nào cũng thèm khát một tiếng nói, một giọng cười. Bà Hai lúc đó chỉ biết ôm con vào lòng, bà không muốn khóc nhưng nước mắt cứ trào ra.

Để cho vơi bớt nỗi niềm, ông bèn lấy củi khô ra đốt với hy vọng ánh lửa bập bùng sẽ giúp cho căn nhà trở nên ấm cúng. Không ngờ, chính tiếng củi lép bép đó lại làm cho ông thêm nhớ nhà, nhớ quê, nhớ những đêm nướng bánh phồng day dứt không sao chịu nổi. Chính sự hoang vắng của đêm trường đã làm tăng thêm cảm giác cô đơn nặng nề. Càng về lâu ông càng nhớ, nhớ nhà, nhớ quê, nhớ bạn bè, chẳng khác nào cô gái lấy chồng xa nhớ về quê mẹ:

Chiều chiều ra đứng bên sông
Muốn về quê mẹ mà không  có đò.

Mấy hôm sau, ông lại chèo ghe sang các hoang đảo khác để làm quen với các “chúa đảo”, may ra tìm được chút hơi ấm tình người…

Cuộc sống dần trôi, lần hồi ông sắm được ghe, mua thêm nhiều tay lưới và bắt đầu ra khơi. Cá tôm bắt được ăn không hết đem xẻ khô, thỉnh thoảng có ghe xuồng qua lại, ông đem khô và rau củ ra đổi lấy gạo muối và các vật dụng cần thiết.

Những lúc rảnh rỗi ông thường săm soi đàn gà để nửa đêm nghe gà gáy hoặc chăm sóc hàng cây bên hông nhà cho chim về hót, cho gió đưa hương. Cuộc sống của ông là thế đó! Lúc nghèo cũng vậy và cho đến bây giờ cũng vậy. Chính vì thế mà ông đã quyện chặt đời mình với đảo và sống chết với đảo.

Thời gian qua nhanh, ba đứa con của ông lần lượt ra đời, cộng thêm với đứa sinh ở đất liền là bốn. Thế là trên đảo bắt đầu có tiếng khóc của trẻ thơ, có tiếng bi bô, tiếng cãi vã vui đùa giúp cho nỗi trống trải lùi dần.

Mỗi đứa con ông đặt cho nó một cái tên ngồ ngộ: Nương - Náu - Miền - Du như muốn lưu lại những kỷ niệm vui buồn của một thời nương náu ở miền biển đảo Nam Du mà cha con ông từng trải qua bao khắc nghiệt, gian khổ, nắng cháy mưa ngàn, khát nước, bệnh tật và tăm tối. Những năm đầu chân ướt chân ráo, việc gì cũng khó khăn và thiếu thốn, nhất là nước ngọt, dầu đèn, con cái không được vui chơi học hành, bạn bè không có để lai rai.

Mãi cho đến sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cuộc sống bắt đầu thoải mái hơn nên thỉnh thoảng ông mang cá khô, ốc biển và đồ rẫy vào bờ để trao đổi, mua bán. Lúc đó thuyền ghe chủ yếu chạy bằng buồm, nương theo chiều gió mà vào bờ, nên mỗi chuyến đi mất cả mấy ngày.

Đầu năm 1982 ông mới sắm được ghe máy, nhưng để có được như ngày hôm nay, vợ chồng con cái ông phải trải qua những năm tháng nhọc nhằn, mồ hôi nước mắt hao mòn cạn kiệt, nhất là những lúc ông bị sốt rét hành hạ, vợ con phải trầm mình suốt ngày dưới nước, mò từng ký ốc và chạy cơm từng bữa.

Ông lấy làm tự hào vì cả một đời tần tảo, áo vá chân bùn, ông không sợ nghèo, cũng không sợ sóng gió và gian truân, mà chỉ sợ buồn và hiu quạnh. Có thể nói vợ chồng, con cái ông đều là những tấm gương của ý chí và nghị lực.

  • Người yêu đảo, đảo thương người

Giờ đây, hoang đảo hòn Dầu đã thay da đổi thịt. Vườn cây ăn trái sum suê, ấn tượng nhất là hàng dừa do ông di thực từ đất liền ra đảo nay đã rợp bóng. Mái nhà xiêu vẹo, vách lá tả tơi năm nào, giờ đây cũng đã lên đời cấp 4. Trong nhà các tiện nghi như xuồng máy, ghe máy, radio, ti vi, điện thoại… đều có. Ba đứa con lớn của ông cũng đã lập gia đình và ra riêng.

Thời gian như nước chảy qua cầu, những dấu tích năm xưa nay chỉ còn trong dáng núi, rừng già, chiếc cuốc năm nào nay đã mòn nhẵn, hàng cây mà ông tẩn mẩn săm soi, ngắm nghía hồi mới đặt chân lên đảo nay cũng đã già cỗi. Vậy mà mỗi lần nhắc đến hòn Dầu, nhắc đến “Robinson” Hai Phương, ông đều bồi hồi xúc động, còn vợ ông thì nước mắt ngân ngấn, những ký ức tràn về miên man bất tận.

Ông ngậm ngùi nhớ lại, có những buổi chiều chạng vạng, đất trời âm u, gió biển rít từng hồi, chỉ cần một tiếng chim bay ngang hoặc tiếng động trên cành cũng đủ làm ông giật mình, nhất là những đêm mưa gió tơi bời, đèn hết dầu, vợ ông ôm con vào lòng mà khóc. Và trong cái yên ắng mênh mang của núi rừng, biển đảo, trời mây, một người nặng lòng với đảo như ông đã bao lần ngã bệnh, và cũng có lần muốn bỏ đảo ra đi nhưng cuối cùng vẫn trụ lại tiếp tục khẩn khai để mở rộng và làm cho hòn đảo thêm trù phú.

Kỷ niệm sâu sắc nhất, mà cũng buồn nhất, là những ngày cha con cùng nhau nương tựa để sinh tồn. Tội nghiệp lũ trẻ mới lên tám, lên mười mà phải dãi nắng dầm mưa, lặn hụp, mò cua bắt ốc, cả một thời thơ ấu không được cắp sách đến trường (chỉ đứa con út học đến lớp 7).

Để bù đắp cho các con, mỗi đêm trăng sáng ông đều kéo chúng ra các tảng đá để dạy chữ bằng cách dùng những viên đá nhọn viết lên đá, ban ngày thì dùng que tre viết chữ lên đất, vì lúc đó nhà không đủ dầu đốt đèn và cũng chẳng có giấy mực.

Trải qua bao năm đói nghèo, lam lũ, đương đầu với sóng to gió lớn mới có được ngày hôm nay. Mặc dù những năm tháng còn lại, ông có thể giã từ hòn đảo này để trở về đất liền hưởng thú an nhàn, nhưng ông đã tự nhủ với lòng: đảo nuôi mình, mình không thể phụ đảo.

Hơn nữa, mỗi tấc đất, mỗi hàng cây trên đảo này đều thấm đẫm bao mồ hôi công sức của chính mình, mình đã lắng nghe từng hơi thở của đất, đất là máu thịt của mình, làm sao mình bỏ đi được! Do đó, tâm nguyện của hai vợ chồng ông là sẽ gắn bó trọn đời trọn kiếp với hòn Dầu. Ông cũng rất tự hào và mãn nguyện về những gì mình đã làm được và những gì đã đóng góp cho quần đảo Nam Du thêm giàu đẹp .

Tạm biệt hai vợ chồng chủ đảo, tôi ngoái nhìn lại mà không nỡ chia tay. Thuyền chạy được một đỗi, tôi nhìn sang hòn Ngang và hòn Lớn, tàu bè tấp nập, nhà cửa san sát giống như một thành phố biển, trong khi hòn Dầu thì chỉ có một ngôi nhà trơ trọi, đêm đêm leo lét ngọn đèn dầu, thỉnh thoảng cất lên vài tiếng gà eo óc gáy càng làm tăng thêm vẻ tĩnh mịch.

Hy vọng rằng trong một tương lai không xa, hòn Dầu sẽ được ngành du lịch Kiên Giang chọn làm “điểm ngắm” để biến nơi này thành chỗ dừng chân lý tưởng cho khách du lịch. Và đó cũng chính là hoài bão và ước mơ của vợ chồng ông Trần Văn Phương

HUỲNH VĂN NGUYỆT

Tin cùng chuyên mục