Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5 với nhiều chỉ đạo cụ thể.
Chế độ bồi dưỡng chống dịch Covid-19
Chính phủ đã thống nhất đồng ý áp dụng phụ cấp đặc thù với mức 7.500 đồng/liều tiêm (tối đa không quá 150.000 đồng/người/ngày) đối với cán bộ y tế trực tiếp tiêm vaccine phòng Covid-19 trong Chương trình tiêm chủng miễn phí tại các cơ sở y tế công lập.
Chính phủ cũng áp dụng chế độ trong thời gian tình nguyện tham gia phòng chống dịch Covid-19 đối với học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường đào tạo hệ trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách.
Về chế độ bồi dưỡng chống dịch, được hưởng 200.000 - 300.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định. Về chế độ hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong thời gian phải ở lại nơi tình nguyện, được hưởng 120.000 đồng/người/ngày, gồm tiền ăn là 80.000 đồng và 40.000 đồng chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Số ngày hưởng tính theo số ngày thực tế tham gia chống dịch theo phân công của cấp có thẩm quyền, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết. Thời điểm áp dụng là từ ngày 1-1-2021. Căn cứ yêu cầu phòng chống dịch, Bộ Y tế rà soát, quyết định bổ sung các đối tượng khác được ưu tiên tiêm vaccine theo quy định.
Những người phải chi trả chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 tại cơ sở cách ly y tế tập trung tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc tại nơi lưu trú, sau khi hoàn thành thời gian cách ly tập trung thì phải chi trả chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo yêu cầu phòng chống dịch. Giá dịch vụ tiêm vaccine phòng Covid-19 tự nguyện cho các đối tượng có nhu cầu thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19.
Chính phủ kêu gọi các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tích cực tham gia đóng góp cho Quỹ vaccine phòng Covid-19; cùng chung sức, đồng lòng huy động tổng hợp mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi chiến lược vaccine, góp phần sớm chiến thắng đại dịch Covid-19.
Thực hiện ngay việc hỗ trợ giảm giá điện, giãn tiền điện
Về vấn đề đầu tư công, Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm và trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách; trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng.
Kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong đầu tư công; chấm dứt tình trạng xin cho, chạy dự án trong đầu tư công làm cho đầu tư công chậm trễ, dàn trải, kém hiệu quả, kéo dài.
Chính phủ giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp các bộ ngành, địa phương khẩn trương xây dựng Đề án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, báo cáo Chính phủ trong tháng 6. Chú trọng bảo đảm các cân đối vĩ mô. Bộ KH-ĐT đề xuất thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, tham mưu tổ chức hội nghị toàn quốc về đầu tư công trong tháng 6 năm 2021 nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm tiến độ, chất lượng và chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Đồng thời, có giải pháp mạnh mẽ xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài. Chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB-XH tổng kết tình hình thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng trước ngày 20-6.
Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp các bộ ngành, địa phương có giải pháp phù hợp để bảo đảm, duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là tại các khu công nghiệp, địa phương đang bùng phát dịch, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa và toàn cầu; bảo đảm cung cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Tập trung hướng dẫn, triển khai thực hiện ngay việc hỗ trợ giảm giá điện, giãn tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện theo tinh thần Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 2-6 của Chính phủ.
Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ Công thương chỉ đạo thực hiện rà soát, cắt giảm tối đa chi phí vận chuyển, lưu kho và chi phí logistics khác, tăng cường kiểm tra việc tăng giá cước, bảo đảm chấp hành đúng quy định về niêm yết, công khai giá cước vận tải, góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Bộ LĐTB-XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bộ GTVT xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng miền trong thị trường nội địa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-6.
Bộ VH-TT-DL phối hợp với cơ quan, địa phương rà soát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các dịch vụ du lịch, lữ hành, lưu trú, văn hóa, thể thao, giải trí…, đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-6.
Cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước để chống dịch
Về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương hướng dẫn, chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi, bảo đảm an toàn, phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid-19.
Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng chống dịch của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, kinh phí hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng chống dịch Covid-19; tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết. Bộ Tài chính có báo cáo cụ thể Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20-6.
Báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng đến ngày 30-6-2021 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện (chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu) và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục vụ chiến lược vaccine.