
Trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp đã nhiều lần đề nghị cắt giảm các loại phí và lệ phí, đặc biệt là bỏ thu thủy lợi phí, nhưng khảo sát từ thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều khoản phải đóng góp vô lý đè nặng lên đôi vai người nông dân.

Mỗi xe chở heo từ Nam ra Bắc đang phải chịu rất nhiều khoản phí, lệ phí về giao thông và kiểm dịch.
Phí chồng phí
Mới đây Bộ NN-PTNT tiếp tục có công văn đề nghị Bộ Tài chính xem xét và bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí; đồng thời, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giảm phiền hà và giảm chi phí cho nông dân cũng như doanh nghiệp. Ngay sau đó, các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT đã vào cuộc rất khẩn trương, tiêu biểu là Cục Bảo vệ thực vật đã sàng lọc và cắt bỏ 27 thủ tục hành chính, trong đó quy định hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu giảm từ 8 loại giấy tờ xuống chỉ còn 3 loại, thời gian làm thủ tục giảm từ 24 giờ xuống còn 4 giờ đối với đường bộ và hàng không. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã đề nghị Bộ NN-PTNT bãi bỏ 7 loại lệ phí liên quan đến cấp giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ…
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, và nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, những quy định và thủ tục của ngành chăn nuôi đang gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp. Thời gian lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu trong lô hàng nhập khẩu mất tới 4 - 5 ngày mới có kết quả, dẫn tới chi phí lưu công tại cảng rất lớn, bình quân 30 USD/container/ngày. Điều này vừa tăng chi phí sản xuất vừa ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo rà soát của Bộ KH-ĐT, sau khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ 1-7-2015, ngành nông nghiệp vẫn còn hơn 800 điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp và hoạt động quản lý của ngành cũng trở nên lúng túng.
Ông Phạm Văn Hưng, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ NN-PTNT) thừa nhận, còn quá nhiều loại phí kiểm dịch thú y đang tồn tại. Ngay như Thông tư 04/2012/TT-BTC ngày 5-1-2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y, dù có bãi bỏ 31 mục thu phí, lệ phí thì vẫn còn một “rừng” các loại phí khác. Ông Phạm Văn Hưng lý giải, do ngân sách Nhà nước chưa thế cấp đủ cho hoạt động của thú y cơ sở nên vẫn phải giữ lại một số loại phí kiểm dịch.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản bãi bỏ những khoản phí, lệ phí theo đề nghị của Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên, sau khi rà soát thì hiện nay lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn tới 90 khoản lệ phí và 937 khoản phí, trong đó chỉ riêng lĩnh vực thú y vẫn còn 18 khoản lệ phí và 550 khoản phí.
Tiếp tục “cởi trói”
Ông Phạm Văn Hưng khẳng định, trên tinh thần cắt giảm 31 khoản phí, lệ phí trong thú y, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo tiếp tục rà soát thêm các loại phí khác không cần thiết để giảm tối đa cho doanh nghiệp và người dân. “Một số loại phí sẽ được chuyển sang cơ chế giá, còn một số vẫn phải thực hiện. Những khâu, sản phẩm nào đã có phí rồi thì sẽ bỏ bớt lệ phí và cân đối ngân sách nhà nước để làm bù cho nhiệm vụ đó, doanh nghiệp và người dân không phải nộp để giảm bớt giá thành chăn nuôi” - ông Phạm Văn Hưng cho biết. Đồng thời, sau khi Luật Phí và lệ phí được Quốc hội xem xét vào cuối năm nay, nhiều khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm bớt các khoản phí, lệ phí trong nông nghiệp.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, vừa qua, sau khi Bộ NN-PTNT có quyết định về việc cắt bỏ 31 loại phí và lệ phí trong chăn nuôi và kiểm dịch thú y, đã có một số đơn vị, địa phương có công văn đề nghị xem xét, cân nhắc về quyết định này bởi ảnh hưởng tới nguồn thu để hoạt động. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng cần lập lại thuế sát sinh như trước kia để kiểm soát an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của báo giới, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát dứt khoát khẳng định, việc cắt bỏ các thủ tục và lệ phí không cần thiết để giảm khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh trước sức ép nông sản, thịt ngoại tràn vào nội địa.
| |
PHÚC HẬU