Cầu Bến Giằng

Cầu Bến Giằng

Thời chống Mỹ, Bến Giằng (Nam Giang, Quảng Nam) là một trong số những “tọa độ chết”, do nằm ở vị trí quan trọng về mặt quân sự. Từ đây có 2 nhánh rẽ lớn. Một lên Tây Trường Sơn, qua các xã Cà Dy, Chà Vàl, A Xăh, Bến Yên rồi đi xuống vùng B Đại Lộc. Nhánh hai rẽ xuống Tà Lu, Za Hung, Trung Mang...

Nắm rõ vị trí chiến lược này, quân địch đã huy động trên 20 lượt máy bay B52 rải bom xuống khu vực này sau khi phát hiện ra đường Trường Sơn đã mở, nhằm chia cắt không cho quân và dân ta vận chuyển hàng hóa, lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường.

Cầu Bến Giằng (Nam Giang, Quảng Nam) ngày nay. Ảnh: N.H.

Cầu Bến Giằng (Nam Giang, Quảng Nam) ngày nay. Ảnh: N.H.

Năm 1970, Mỹ tiếp tục dùng thủ đoạn rải chất độc hóa học để tàn phá hoa màu, hủy hoại môi trường, làm cây rừng rụng lá nhằm hủy diệt nguồn sống và tán xanh che chở quân dân dọc sông Bung, đường 14, sông Cái, đoạn từ Thác Cạn, Đầu Gò lên Thạnh Mỹ, Bến Giằng đến các làng Rô, làng Ngói... (một tài liệu giải mật của Mỹ cho biết, Mỹ đã sử dụng hóa chất tạo mây, kéo dài mùa mưa trên Trường Sơn). Hậu quả, thời điểm này, nhân dân chung quanh khu vực Bến Giằng có đến 800 người bị đói.

Thêm vào đó, nạn dịch sởi hoành hành làm cho 250 người dân ở đây chết vì bệnh. Địch cũng tăng cường càn quét, ném bom tàn phá, hòng chiếm Bến Giằng. Chúng sử dụng máy bay B52 rải bom, đồng thời huy động 4 tiểu đoàn hỗn hợp Mỹ - ngụy mở nhiều đợt càn quét lên Thạnh Mỹ nhằm ngăn chặn sự tiếp tế của quân ta từ sông Bung lên Bến Giằng, nơi có hành lang Nam - Bắc, Đông - Tây ngang qua.

Tuy nhiên, du kích của ta đã dùng kế un khói bên bờ sông Bung để nghi binh, nhử máy bay địch đến ném bom rồi dùng súng bắn rơi nhiều máy bay ở cứ điểm Coong Zêl, dưới chân núi La Dêê, huyện Nam Giang và cứ điểm Cơ Noong, thuộc xã Ta Xiêng, huyện Tây Giang.

Quân địch đặt nhiều đồn bốt để kiểm soát và khống chế đường chiến lược Trường Sơn và vùng biên giới Hạ Lào. Lợi dụng lúc địch chưa quen địa hình, quân ta bao vây bám sát, bắn tỉa, lập vành đai chông thò, cài mìn tự tạo vây quanh đồn. Địch bắn trả quyết liệt, nhưng do rơi vào thế cô lập nên chúng vội vã huy động hàng chục trực thăng đổ xuống Coong Zêl bốc quân rút chạy về xuôi.

Chốt điểm cuối cùng của Mỹ - ngụy trên núi rừng Nam Giang bị xóa sổ hoàn toàn. Và Bến Giằng đã trở thành một trong những niềm tự hào của người dân Quảng Nam. 

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục