Động thái này được xem như một lời tuyên chiến giữa đảng Dân chủ và chủ nhân Nhà Trắng và theo giới phân tích, cuộc chiến giữa hai bên sẽ kéo dài.
Tổng thống đã đi quá xa
Dự luật có tên Đạo luật Bảo vệ Quỹ Cứu trợ thiên tai sẽ không cho phép Tổng thống Donald Trump sử dụng một khoản ngân sách được phân bổ cho Bộ An ninh nội địa, Bộ Phát triển nhà và đô thị hay Công binh lục quân Mỹ dành cho cứu trợ thảm họa để xây dựng hàng rào dọc biên giới biên giới giữa Mỹ và Mexico.
Trong một thông báo, Thượng nghị sĩ Kamala Harris, thuộc nhóm thượng nghị sĩ Dân chủ đề xuất dự luật trên, khẳng định dự luật nhằm giúp đảm bảo nguồn ngân sách dành cho các nạn nhân thảm họa tự nhiên sẽ không bị sử dụng cho mục đích xây dựng bức tường biên giới, kế hoạch mà Quốc hội Mỹ đã từ chối phê chuẩn và thậm chí người dân ở khu vực biên giới cũng không mong muốn.
Trước đó, ngày 15-2, sau khi Quốc hội Mỹ từ chối cấp 5,7 tỷ USD để xây bức tường biên giới, Tổng thống Donald Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để giúp ông có thêm quyền lực hành pháp nhằm giải quyết vấn đề người di cư trái phép tại khu vực biên giới phía Nam mà ông cho là đang tạo ra “một cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh” đối với nước Mỹ. Với tuyên bố này, chính phủ của Tổng thống Donald Trump có thể huy động nguồn lực tài chính từ các nguồn ngân sách xây dựng quân đội, quỹ dân sự của Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh nội địa để chuyển sang dự án xây dựng bức tường biên giới. Quyết định trên của Tổng thống Donald Trump đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt của phía Dân chủ.
Trong khi đó, ngày 16-2, Thượng nghị sĩ Mỹ Ron Johnson bày tỏ quan ngại về vai trò giảm sút của Quốc hội Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Trong một cuộc phỏng vấn trên NBC News, thượng nghị sĩ này cho rằng mặc dù việc ban bố tình trạng khẩn cấp thuộc thẩm quyền của Tổng thống Donald Trump nhưng không nên sử dụng nó trong trường hợp này, đồng thời cho biết nhiều người hiện lo ngại về việc người đứng đầu Nhà Trắng đã đi quá xa với quyết định trên của mình.
Tính pháp lý còn mập mờ
Báo Washintong Post đưa tin ngoài việc vấp phải sự phản đối từ Quốc hội, việc xây dựng bức tường dọc biên giới với Mexico còn đang gặp những thách thức pháp lý.
Theo Reuters, ngày 15-2, 3 chủ đất ở bang Texas và một nhóm bảo vệ môi trường đã đâm đơn kiện ông Trump vì động thái công bố tình trạng khẩn cấp, cho rằng hành động này là sự vi phạm hiến pháp và có thể ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản của họ. Ngày 17-2, Tổng Chưởng lý bang California, ông Xavier Becerra, cho biết đang làm việc với giới chức của ít nhất 6 bang khác ủng hộ đảng Dân chủ và dự kiến sẽ cùng đệ đơn kiện Nhà Trắng.
Hiện các nhà lập pháp, bao gồm của cả đảng Cộng hòa, đang chia nhau tìm hiểu tính pháp lý của việc ban bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Donald Trump có hợp pháp hay không, hay đang cấu thành một quyền lực có thể đặt ra một tiền lệ không mong muốn trên chính trường nước Mỹ. Vì trong Đạo luật khẩn cấp quốc gia 1976, Quốc hội Mỹ không hề định nghĩa rõ thế nào là tình trạng khẩn cấp quốc gia. Đảng Dân chủ cũng đang chuẩn bị ra một nghị quyết để bãi bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia dự kiến trong những tuần tới và họ hy vọng nhiều đại biểu đảng Cộng hòa sẽ thông qua. Còn lúc này, theo kế hoạch, sẽ có cuộc biểu tình diễn ra trên phạm vi toàn quốc vào ngày 18-2 phản đối Tổng thống Donald Trump.