Câu chuyện về một “nữ gián điệp” của Saddam Hussein

Câu chuyện về một “nữ gián điệp” của Saddam Hussein

Chuyện Susan Lindauer từng bị bắt vì tội làm gián điệp cho Saddam Hussein hồi cuộc chiến Iraq sắp xảy ra đã xuất hiện trên báo chí Mỹ với vài hàng tin ngắn ngủi. Hơn một năm sau khi Baghdad không còn thuộc sở hữu của Saddam Hussein, mới đây, tờ New York Times Magazine đã lần đầu tiên hé mở nhiều chi tiết quanh vụ này…

  • Những kênh móc nối bí mật

Sáng 11-3-2004, Susan Lindauer bị đánh thức. Ngoài cửa, 5 nhân viên FBI đang chờ. Sau khi đọc lệnh bắt, họ đưa Susan đến văn phòng FBI tại Baltimore và buộc tội bà làm gián điệp cho Saddam Hussein. Tốt nghiệp Đại học Smith chuyên ngành kinh tế, Susan Lindauer xuất thân từ gia đình trung lưu (bố là kinh tế gia, từng tranh cử ghế thống đốc Alaska dưới màu áo Cộng hòa).

Câu chuyện về một “nữ gián điệp” của Saddam Hussein ảnh 1

Ảnh 1

Theo cáo trạng, Susan bị kết tội nhiều lần vi phạm luật pháp Mỹ, khi bắt đầu từ năm 1999, bà bí mật gặp các viên chức ngoại giao Iraq thuộc Phái bộ Iraq tại trụ sở Liên hợp quốc cũng như một số điệp viên Iraq thuộc Cơ quan tình báo Iraq (IIS); trong đó có cuộc gặp viên chức IIS ở khách sạn Al-Rashid, Baghdad và nhận 5.000 USD. Vài tờ báo Mỹ lập tức gọi Susan Lindauer là “điệp viên Iraq”. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình WBAL-TV, Susan nói rằng mình chỉ là nhà hoạt động phản chiến và “tôi vô tội”. Đến nay, được tại ngoại, Susan Lindauer vẫn chưa biết ngày nào bị xử và với tội danh cụ thể gì.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Smith 1985, Susan học tiếp tại Trường Kinh tế Luân Đôn, lấy bằng thạc sĩ. Năm 1990, Susan trở về Washington, làm báo thời gian ngắn (có lúc làm phóng viên cho U.S. News & World Report) và sau đó làm tùy viên báo chí cho một số nghị sĩ Dân chủ ở Thượng viện lẫn Hạ viện. Tuy nhiên, không công việc nào Susan làm hơn một năm. Công việc gần thời gian bị bắt nhất là vị trí tùy viên báo chí cho dân biểu Zoe Lofgren (kết thúc tháng 5-2002).

Susan Lindauer dành nhiều thời gian cho viết báo. Trong khi chỉ trích chính sách cấm vận Libya và Iraq, Susan cũng đánh động làn sóng khủng bố từ các tổ chức Trung Đông. Để theo đuổi mục tiêu, Susan Lindauer nói, bà đến New York hai lần/tuần nhằm gặp chính khách Trung Đông và các nước Hồi giáo, trong đó có Yemen và Malaysia. Theo New York Times, Susan Lindauer bắt đầu gặp Phái bộ Libya tại Liên hợp quốc năm 1995 và Phái bộ Iraq năm 1996. Từ tháng 7-2002, khi vấn đề Iraq ngày càng nóng, FBI bắt đầu nghe trộm điện thoại và theo dõi e-mail của Susan – theo lời đương sự.

Câu chuyện về một “nữ gián điệp” của Saddam Hussein ảnh 2

Ảnh 2

Một năm rưỡi trước, Susan đã liên lạc với đổng lý văn phòng Nhà trắng Andrew Card, với những lá thư chứa thông điệp ngoại giao tuyệt mật mà Chính phủ Iraq (Saddam Hussein) gửi cho Chính phủ Mỹ. Sở dĩ liên lạc với Andrew Card, đương sự kể tiếp, là vì mối quan hệ bà con xa bên gia đình nội giữa bà với nhân vật này. Một trong những thông điệp đầu tiên mà Susan thảy vào cửa nhà riêng Andrew Card là lá thư đề ngày 23-12-2000, một tháng trước khi George W. Bush nhậm chức tổng thống.

Tuy nhiên, lá thư không gửi cho Andrew Card mà nhờ chuyển cho tân Phó Tổng thống Dick Cheney, kể lại kết quả cuộc gặp vào ngày 26-11-2000, giữa bà và Saeed Hasan (Đại sứ Iraq tại Liên hợp quốc). “Đại sứ Saeed Hasan yêu cầu tôi nói với ngài (Cheney) rằng Iraq rất nóng lòng tái lập quan hệ trong sạch và hòa bình với Mỹ, trong đó có kinh tế và văn hóa” – bức thư viết – “Tại cuộc gặp, Đại sứ Saeed Hasan đã bày tỏ sự hiểu biết sâu sắc về việc Mỹ yêu cầu phục hồi tiến trình thanh sát vũ khí để làm cơ sở hủy cấm vận”.

  • Susan Lindauer thật ra là người như thế nào?

Theo cây bút David Samuels (New York Times), có khả năng Susan không nói dối về vụ bức thư gửi Cheney vì trong thực tế, Iraq từng sử dụng kênh liên lạc bí mật để tiếp cận viên chức cấp cao Mỹ, trong đó có doanh nhân Mỹ gốc Lebanon Imad Hage, người từng móc nối với viên chức Bộ Quốc phòng Richard Perle. Phần mình, con đường lòng vòng dẫn Susan Lindauer đến cửa Phái bộ Iraq tại Liên hợp quốc bắt đầu xảy ra vào tháng 11-1993, tại một bữa ăn tối ở Virginia, khi bà gặp một người bạn của bố mình.

Đó là một phụ nữ làm đổng lý văn phòng cho một dân biểu Cộng hòa. Trong bữa ăn, Susan còn gặp Paul Hoven – cựu binh từng lái trực thăng tại chiến trường Việt Nam. Chính Paul Hoven đã đặt cho Susan Lindauer mật danh “Snowflake” (Bông tuyết) khi thực hiện hoạt động tiếp cận thông tin hậu trường từ Quốc hội. Không lâu sau, Paul Hoven đưa Susan gặp Richard Fuisz – doanh nhân Virginia mà Susan gọi là “liên lạc viên của tôi với CIA”.

Câu chuyện về một “nữ gián điệp” của Saddam Hussein ảnh 3

Ảnh 3

Tại cuộc gặp, Susan được Richard Fuisz cho biết thủ phạm vụ đánh bom chiếc Pan Am Flight 103 trên bầu trời Lockerbie (Scotland) năm 1988 không phải Libya mà là tên khủng bố Ahmed Jabril (đóng ở Syria). Vài tháng sau, Susan Lindauer gặp Phái bộ Libya, kể lại chi tiết trên và đề nghị Libya đấu tranh để có thể xóa lệnh cấm vận. Xin mở ngoặc, tiến sĩ y khoa Richard Fuisz (sở hữu hơn 200 bản quyền phát minh) từng làm việc thời gian ngắn thời Lyndon B. Johnson.

Tờ The Sunday Herald (Scotland) hồi năm 2000 từng viết rằng Richard Fuisz là điệp viên quan trọng nhất của CIA tại Damascus vào thập niên 1980. Thời điểm trước và sau khi nội các Bush nhậm chức, Susan Lindauer giảm quan tâm Libya và thay vào đó liên tục gửi thư với nội dung kêu gọi xóa cấm vận Iraq (trong đó có bức thư gửi cho Kenneth Lay – nguyên tổng giám đốc điều hành công ty phá sản Enron và cả Tổng thống tân cử George W. Bush). Sau sự kiện 11-9-2001, Susan thường xuyên đến Phái bộ Iraq tại New York.

Tháng 10-2001, theo cáo trạng, Susan gặp viên chức tình báo Iraq tại New York và cũng liên tiếp gửi thư cho đổng lý văn phòng Nhà trắng Andrew Card, nhấn mạnh rằng Saddam Hussein sẵn sàng nhân nhượng và đồng ý thương lượng, trước hết là qua cửa sau, bằng các thỏa thuận trong bí mật. Tháng 2-2002, không lâu sau khi Tổng thống Bush gọi Iraq là một phần trong “phe trục ma quỷ” trong diễn văn Thông điệp liên bang, Susan Lindauer được Iraq mời sang Baghdad...

Tuy nhiên, câu hỏi chính trong vụ Susan Lindauer là thật ra liệu có khả năng bà từng giữ vị trí quan trọng nào đó giữa Washington và Phái bộ Iraq tại New York, và rằng kênh liên lạc bí mật giữa Washington và Baghdad liệu có thật sự từng tồn tại? Đến nay, dù chưa xử vụ Susan nhưng giới tư pháp Mỹ đã gần như mặc nhiên thừa nhận Susan Lindauer là tay sai của Saddam Hussein.

Câu chuyện về một “nữ gián điệp” của Saddam Hussein ảnh 4

Susan Lindauer trong dòng sự kiện liên quan (ảnh 1, 2, 3).

Nếu xét đúng tội, Susan Lindauer có thể bị tù tối đa 25 năm. Theo tờ National Review Online, luật sư của Susan Lindauer cho rằng thân chủ mình chẳng làm gì có tội và việc làm của bà thật ra cũng chẳng khác mấy so với việc phóng viên ABC John Scali từng gặp viên chức KGB Aleksandr Feliksov, giúp dàn xếp vụ khủng hoảng tên lửa Cuba (thập niên 1960).

Ngoài ra, thời Roosevelt, thư ký riêng của tổng thống, Harry Hopkins, cũng từng đóng vai trò kênh liên lạc bí mật với viên chức KGB Ishkak Abdulovich Akhmerov để truyền thông điệp từ Nhà Trắng đến Kremlin. Trước thế chiến thứ hai, một người bạn của Tổng thống Roosevelt – E. Stanley Jones – cũng là kênh liên lạc bí mật giữa Nhà Trắng và chính khách Nhật Hidenari Terasaki.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, các kênh liên lạc trên được chính thức thiết lập, dù bí mật; còn Susan Lindauer là trường hợp tự ý hành động, thậm chí không có đơn xin đăng ký hành nghề vận động hậu trường (lobbyist). Ngoài ra, cũng có người tin rằng Susan Lindauer thật ra chỉ là cái bung xung nhằm nhấn mạnh sự không trong sạch và “tính đứng đắn” của Chính phủ Saddam Hussein trong hoạt động ngoại giao.

Washington Post còn cho biết một số hàng xóm đã miêu tả Susan Lindauer (41 tuổi) mắc bệnh hoang tưởng và 90% những gì bà nói hoặc làm điều xuất phát từ ý nghĩ hoang tưởng. Washington Post kể thêm Susan từng la toáng lên rằng có “ai đó tạt axít lên tay lái xe” và “tôi đã thoát chết sau nhiều vụ ám sát”!

MẠNH KIM

Tin cùng chuyên mục