Câu chuyện về người con đất Gò Công

Câu chuyện về người con đất Gò Công
Câu chuyện về người con đất Gò Công ảnh 1

Ông Lê Công Bình (áo vest xám, bên phải)

Đôi vợ chồng bác sĩ Mai Ngọc Nga – Lê Công Bình có tấm lòng vàng và trái tim nhân hậu bởi đã từng sử dụng hàng tỷ đồng là số tiền dành dụm được từ nghề làm đẹp để cứu giúp những trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm chất độc da cam, những gia đình khó khăn cơ nhỡ và trao hàng trăm suất học bổng cho học sinh tại quê hương Gò Công.

Ở tuổi 84, bước đi ông Bình vẫn vững chãi và giọng nói hào sảng của một thời trai trẻ. Nhìn ông thấy toát lên dáng uy nghi của một vị tướng, mà trong cách nói chuyện lại gần gũi, chân tình đầy ắp tình người! Càng trò chuyện cùng ông, chúng tôi như gặp lại một nhân chứng sống của lịch sử đã qua hai cuộc chiến đầy cam go.

Ông kể từng chi tiết cụ thể các sự kiện lịch sử một cách chính xác mà không cần sử dụng một quyển sách hay bất cứ một tư liệu nào khác. Ông cho biết: “Những năm lăn lộn trong chiến trường, tôi gặp những khó khăn, gian khổ, nhiều lúc phải đối diện  giữa sự sống và cái chết. Nhiều lúc tôi phải đi bộ hàng trăm cây số, từng bị tù đày, đói rét…” Và ông Lê Công Bình đã kể cho chúng tôi nghe về ba điều đáng nhớ và tự hào nhất trong  hoạt động cách mạng của ông:

Được gặp Bác Hồ và ảnh hưởng quan điểm sống của Bác

Câu chuyện về người con đất Gò Công ảnh 2

Ông Lê Công Bình (thứ ba hàng đầu, từ trái sang)

Trong chiến tranh, ông Lê Công Bình là một người chiến đấu kiên cường, không sợ hy sinh gian khổ. Ông là người vinh dự được tham gia lớp học tiếng Nga do vợ của Đại sứ Rumani - bà Lubal dạy trong một ngôi nhà lá xập xệ. Và cũng chính tại lớp học này, mọi người đã vinh dự được Bác Hồ đến thăm.

Bác đã ân cần đi đến từng bàn, nói chuyện về trọng trách của các học viên đối với đất nước sau này. Bác động viên các học viên không ngừng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và ra sức nỗ lực trong học tập để không phụ lòng tin tưởng của Đảng…  Được gặp Bác bằng xương bằng thịt giữa một không gian đơn sơ nhưng ấm áp tình người, đã để lại trong ông những hình ảnh không thể nào quên.

Chính những lời gửi gắm, nhắn nhủ hết sức chân tình, cùng với lối sống giản dị của Bác Hồ đã ảnh hưởng tới quan điểm sống của ông sau này. Đặc biệt mỗi khi nhắc đến Bác Hồ, ông lại xúc động rưng rưng nước mắt, thể hiện sự tôn kính đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc khiến người đối diện cũng bùi ngùi theo.

Ký ức về ngày giải phóng

Ông Lê Công Bình là một trong 30 thành viên đại diện 6 bộ đầu tiên của Nhà nước vào tiếp quản miền Nam. Đây là một vinh dự lớn trong cuộc đời hoạt động cách mạng của người chiến sĩ. Kể về những giây phút ấy, ông cứ ngỡ như mới ngày hôm qua và không giấu nổi niềm tự hào, kiêu hãnh đã khiến cuộc trò chuyện sôi nổi hơn.

Vinh dự trở thành thượng khách tại Điện Kremlin

Trong giai đoạn 1965 – 1975, ông được cử sang làm Tùy viên thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô. Gần 10 năm ông cùng đoàn kinh tế Chính phủ đến  các nước anh em như Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc để lo cơ sở hậu cần cho kháng chiến và ổn định cuộc sống nhân dân.

Năm 1965 ông Lê Công Bình hết sức xúc động khi lần đầu tiên được dự lễ trình Quốc thư do Đại sứ Nguyễn Thọ Chân trình Nhà nước Liên Xô tại điện Kremlin. Ông tâm sự: “Lần đầu tiên được ngồi trong điện Kremlin để dự lễ trình Quốc thư cùng với phái đoàn Đại sứ nước mình, được đón tiếp trọng thể, tôi bỗng nhớ về những năm tháng áo vải chân trần, những lúc bị tù đày tra tấn, không danh phận, không tự do. Tôi cứ nghĩ đây là một giấc mơ”.

Phương Lĩnh - Thiện Khánh

Tin cùng chuyên mục