Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn, TP đã xây dựng và đưa vào sử dụng hàng loạt công trình cầu đường, nhờ vậy, nhiều khu vực giao thông đã thông thoáng thấy rõ. Tuy nhiên nhiều công trình vẫn chưa phát huy được tác dụng do chưa kết nối đồng bộ.
Công trình dang dở
Theo Sở GTVT, TP còn khá nhiều dự án giao thông chậm tiến độ kéo dài. Đơn cử, dự án mở rộng tỉnh lộ 10 (gồm đoạn liên tỉnh lộ 10A và 10B) được khởi công từ đầu năm 2009, theo kế hoạch phải hoàn thành vào tháng 3-2010. Tuy nhiên, đến nay đoạn liên tỉnh lộ 10B vẫn còn một số đoạn chưa hoàn thành. Các gói thầu còn lại chưa thể thi công do vướng mặt bằng.
Tương tự, đường Vành đai 2 là tuyến giao thông quan trọng sẽ giúp tăng năng lực giao thông của TPHCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời giải quyết tình trạng ách tắc giao thông tại khu vực trung tâm TP, nhất là các khu vực giữa quận 2, 4, 7, 9 và huyện Bình Chánh, giải tỏa cơ bản tình trạng ách tắc giao thông cho khu vực trung tâm TP do các phương tiện vận tải ra vào các cảng không phải đi qua khu vực nội thành nhằm giải tỏa áp lực xe vào trung tâm nội thành. Chính vì vậy, TP bỏ ra khoảng 3.000 tỷ đồng xây dựng cầu Phú Mỹ với mục tiêu khép kín đường Vành đai 2. Thế nhưng, một số đoạn của tuyến đường này vẫn ngổn ngang chưa thể thông suốt vì khó khăn về vốn, như đoạn từ cầu Rạch Chiếc 2 đến nút giao thông Gò Dưa (dài 9km), đoạn thứ hai từ ngã ba An Lập đến cầu Phú Mỹ (dài 4km).
Hiện nay, một phần đường Vành đai 2 đoạn từ nút giao liên tỉnh lộ 25B đến cầu Rạch Chiếc 2 đang thi công cầm chừng vì yếu tố tài chính, chưa xác định được khi nào sẽ xong.
Một dự án quan trọng khác, như dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài hiện mặt bằng vẫn còn “loang lổ” ở các quận Gò Vấp, Tân Bình và Thủ Đức. Một số đoạn trong dự án nâng cấp mở rộng xa lộ Hà Nội cũng chưa có mặt bằng để thi công. Theo Sở GTVT, việc nhiều công trình cầu, đường quan trọng chậm tiến độ kéo dài gây bức xúc cho người dân; đồng thời khiến bộ mặt đô thị trở nên nhếch nhác.
Về dự án đường vành đai phía Đông, nối từ cầu Phú Mỹ đến cầu Rạch Chiếc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín nhiều lần chỉ đạo: “Sở TN-MT và các địa phương rà soát những khu đất dọc đường vành đai phía Đông, bàn giao ngay mặt bằng cho đơn vị thi công để nhanh chóng khép kín tuyến đường này”. Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cũng yêu cầu huyện Bình Chánh sớm bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ dự án liên tỉnh lộ 10B.
Huy động cách nào?
TPHCM sẽ tập trung bố trí đủ vốn đầu tư các dự án để khép kín đường Vành đai 2 và hoàn thiện các đường giao thông hướng tâm, các công trình trọng điểm và các nút giao thông quan trọng. Năm nay cũng sẽ tập trung thi công và hoàn thành các công trình như: đường Vành đai phía Đông, đoạn từ liên tỉnh lộ 25B đến cầu Rạch Chiếc; liên tỉnh lộ 25B; tỉnh lộ 10B; nhiều đường và hàng loạt cây cầu khác... Đẩy nhanh tiến độ thi công và đưa từng phần hoàn thành đi vào khai thác tại các dự án: cầu kinh Thanh Đa; cầu Đỏ; xa lộ Hà Nội; đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài...
Theo tính toán của Sở GTVT, nhu cầu vốn để xây dựng mới các dự án hạ tầng cũng như kinh phí sửa chữa gấp đôi năm 2012, khoảng 47.000 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ có thể huy động khoảng 41.000 tỷ đồng, thiếu khoảng 6.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này để triển khai đồng loạt các dự án lớn, trọng điểm như mở rộng, nâng cấp hệ thống hạ tầng đã quá tải, xuống cấp. Cụ thể, trong năm nay TP sẽ xây mới thêm 1 triệu m2 đường, khởi công nhiều cây cầu, trong đó đặc biệt tập trung hoàn thiện các trục giao thông hướng tâm, khai thông các tuyến cửa ngõ; dự án đường song hành đường Hà Huy Giáp, đường Ung Văn Khiêm…
Hiện nay TPHCM còn tồn tại cả trăm dự án hạ tầng kỹ thuật cần khẩn trương đầu tư xây dựng, sửa chữa. Với nguồn vốn ngân sách hạn hẹp như hiện nay không thể đáp ứng đủ, nguồn vốn vay thường có lãi suất cao. Vậy làm sao để huy động được nguồn vốn nhàn rỗi từ các tổ chức tài chính? Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết, nhu cầu xây dựng sửa chữa làm mới cầu đường trên địa bàn TP rất lớn, trong khi đó nguồn vốn ngân sách quá eo hẹp. Thời gian qua, TP đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư theo hình thức BOT, BT... Đơn cử như dự án cầu Sài Gòn 2, nhà đầu tư ứng vốn xây dựng kinh doanh từ 3 đến 5 năm, sau đó TP sẽ trả lại bằng tiền mặt (trả chậm). Dạng đầu tư BT thứ 2 vừa trả bằng tiền vừa trả bằng đất (cũng với hình thức trả chậm) như cầu đường Bình Tiên, Hà Huy Giáp. Dạng BT thứ 3 trả chậm hoàn toàn bằng đất như cầu Thủ Thiêm 2, đường Vành đai 2. Ngoài ra, TP cũng huy động nguồn vốn từ các quỹ đầu tư phát triển đô thị. Nhưng hình thức này khó vì đầu tư vào cơ sở hạ tầng lợi nhuận không cao như những lĩnh vực khác.
QUỐC HÙNG