Tại buổi kết nối nhà nông với nhà khoa học do Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Công ty BAT và SA tổ chức ở xã xây dựng nông thôn mới Quê Mỹ Thạnh huyện Tân Trụ, tỉnh Long An mới đây cho thấy còn nhiều vấn đề vướng mắc ở vùng nông thôn và bản thân người nông dân. Đó là sự thiếu thốn thông tin cả về kiến thức nông nghiệp và những cây con mới mà tưởng chừng ở những nông dân cha truyền con nối trồng lúa sẽ am hiểu.
Những câu hỏi đại thể như “vì sao trên cánh đồng, lúa chỗ cao lại chín sớm hơn vùng hơi trũng”, “nhìn thấy heo “buồn buồn” nhờ thú y viên đến điều trị 4 ngày chết 5 con”… cho thấy, nhiều bà con nông dân dù làm cả đời, quanh năm nuôi heo, gà nhưng kiến thức cơ bản về cây trồng, vật nuôi hàng ngày vẫn chưa hoàn chỉnh.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Long An Nguyễn Thanh Tùng, mặt ruộng phẳng là tiền đề quan trọng để trồng lúa hiệu quả, giảm bớt chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Khi PGS-TS Nguyễn Lân Hùng đưa những tấm hình về nuôi vịt trời, nhiều người ồ lên ngạc nhiên vì có bao giờ dám nghĩ là nuôi được. Ngay cả việc trồng dưa hấu trái treo trên giàn cây mà bà con ở Tân Trụ, vùng trồng dưa nổi tiếng cả nước, cũng ngạc nhiên vì trước giờ trồng dưa hấu chỉ thấy trái nằm dưới đất. Điều đó cho thấy, nhiều người không những thiếu kiến thức căn bản mà còn thiếu cả thông tin về những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.
Nông dân Việt Nam vốn được đánh giá là nhạy bén và cần cù, điều đó rất cần thiết để có năng suất lúa hay các loại cây trồng khác đều ở top cao thế giới, nhưng giờ đây, bà con cần được tiếp cận thông tin mới hơn để làm sao có năng suất tối ưu mà hiệu quả phải tối đa. Bà con cần tập thói quen ghi chép khi trồng hay nuôi con gì để áp dụng các tiêu chuẩn về VietGAP, GlobalGAP nhằm truy xuất nguồn gốc theo xu thế an toàn vệ sinh thực phẩm, bà con cần tăng cường đọc sách báo, nghe đài để tiếp cận thông tin mới cũng như diễn biến thị trường, cần tạo điều kiện để bà con tiếp cận công nghệ thông tin để nắm chắc giá bán. Và điều quan trọng hơn, bà con phải biết liên kết lại trong sản xuất để có lượng hàng hóa lớn, đồng đều, đảm bảo chất lượng, không thể mạnh ai nấy trồng và sản xuất nhỏ lẻ. Ngay cả việc giúp bà con hiểu và biết cải tạo vườn tạp, yếu tố quyết định để nâng cao thu nhập và cũng giúp bà con kiến thức để nuôi bài bản hơn.
Những thắc mắc nho nhỏ đó nhưng lại cho thấy cả vấn đề lớn, không thể nghĩ bà con lớn lên trên vùng lúa thì kiến thức về cây lúa đã đủ mà phải đào tạo nghề nông để bà con trở thành một nhà nông chuyên nghiệp, không chỉ kiến thức mà còn phải biết liên kết mới có thể ứng phó trước những biến động thị trường. Cũng từ kiến thức, bà con mới có đủ tự tin chọn lọc trước “rừng” thông tin, thậm chí trái ngược trên các phương tiện truyền thông, của nhân viên tiếp thị các công ty thuốc bảo vệ thực vật hay các đại lý phân phối vật tư nông nghiệp để không lạm dụng phun xịt thuốc, giảm những chi phí không đáng có. Nhờ vậy bà con mới đủ tự tin để trở thành người nông dân “thông minh”. Thực tiễn xuất hiện không ít nông dân mạnh dạn, dám nghĩ dám làm khi nuôi hay trồng những cây, con mới, nhưng đa phần bà con còn lại cần thiết được hướng dẫn, đào tạo, hay khuyến cáo đi sâu vào việc nâng chất loại sản phẩm thế mạnh nào đó. Việc bà con mạnh dạn đột phá trong việc thay đổi cây trồng hay vật nuôi là cần thiết nhằm đa dạng hóa cây trồng nhưng không ít bà con lúng túng và thắc mắc, có mâu thuẫn với việc kêu gọi liên kết để có sản phẩm hàng hóa hàng loạt?
Đây là những vấn đề lớn đòi hỏi phải có cách làm và sự hỗ trợ của nhà nước, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp để đưa kiến thức và thông tin mới đến với bà con nhiều hơn. Tại buổi họp trực tuyến ngành nông nghiệp tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó không thể xem nhẹ việc đào tạo nghề, bao gồm những nghề bà con đang làm, biết ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra hiệu quả cao hơn trong sản xuất, đặc biệt là những cây, con thế mạnh của Việt Nam.
ĐĂNG LÃM