Cầu nhẹ nhưng “nặng”

Phải thừa nhận, trong khoảng 1 năm trở lại đây, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội đã có chiều hướng giảm. Theo báo cáo của Bộ GTVT, nếu như trong năm 2011, toàn TP có 124 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc thì đến nay chỉ còn 67 điểm.

Phải thừa nhận, trong khoảng 1 năm trở lại đây, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội đã có chiều hướng giảm. Theo báo cáo của Bộ GTVT, nếu như trong năm 2011, toàn TP có 124 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc thì đến nay chỉ còn 67 điểm.

Những tín hiệu đáng mừng này được cho là kết quả từ rất nhiều nỗ lực của ngành và chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, tăng cường xử lý vi phạm, quản lý điều hành giao thông như đổi giờ học, giờ làm, phân luồng phương tiện, sắp xếp lại mạng lưới đỗ xe, giải tỏa vỉa hè lòng đường… Nhưng theo các chuyên gia giao thông, điều quan trọng nhất tác động tích cực đến tình hình giao thông nội đô chính là việc đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng.

Điều này có thể thấy rõ rệt khi các cây cầu vượt bằng thép tại các nút giao Chùa Bộc - Thái Hà, Láng Hạ - Thái Hà, Lê Văn Lương - Láng, Nguyễn Chí Thanh - Láng và Nam Hồng - Mai Dịch - Nội Bài được lần lượt khánh thành và đưa vào sử dụng. Cùng với đó, nhiều cây cầu vượt cho người đi bộ trên các tuyến phố có lưu lượng người và phương tiện đông cũng được khai thác và phát huy hiệu quả.

Theo phản ánh của nhiều người dân, tại những nút giao có cầu vượt nhẹ, tình trạng ùn ứ trong giờ cao điểm gần như không còn, thời gian lưu thông qua các nút và các tuyến lân cận cũng được cải thiện. Tương tự như vậy, kể từ khi tuyến đường vành đai 3 trên cao được đưa vào sử dụng tháng 10-2012, các phương tiện từ quốc lộ 1 có thể lưu thông nhanh chóng sang phía Tây TP, nối thẳng vào cao tốc Thăng Long Nội Bài khiến việc đi qua tuyến đường này không còn là nỗi kinh hoàng của cánh lái xe như nhiều năm qua.

Mặc dù khi phương án cầu vượt nhẹ mới được đưa ra, đã có không ít ý kiến lo ngại về việc công trình tạm bợ này sẽ phá vỡ cảnh quan đô thị và có thể gây lãng phí khi thời gian sử dụng không dài. Thế nhưng, với áp lực giao thông TP ngày càng lớn, phương án cầu vượt nhẹ vẫn được chọn và thực tế đã trả lời đó là phương án tối ưu, nhất là trong bối cảnh vốn đầu tư cho hạ tầng lại bị hạn chế như hiện nay.

Chính vì vậy, Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong năm 2013, TP sẽ tiếp tục xây dựng thêm các cây cầu vượt nhẹ khác, trong đó cầu vượt nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, nút giao Deawoo sẽ được khởi công trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, cầu vượt nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Sơn, cầu vượt cho người đi bộ qua đường khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Nội Bài cũng sẽ được khởi công sau đó.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, việc đầu tư hạ tầng trong năm qua với những công trình cầu vượt nhẹ chỉ là bước đệm, là giải pháp tình thế. Muốn thay đổi về chất tình hình giao thông đô thị nội đô hiện nay phải trông chờ vào các dự án giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai trên địa bàn.

Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là hầu hết các công trình giao thông này đều đang bị chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do nguyên nhân chậm giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, trong năm 2013, Hà Nội cam kết sẽ mạnh tay giải phóng mặt bằng, phối hợp đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều dự án trọng điểm như cải tạo nâng cấp đường vành đai 2, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị…

Bích Quyên

Tin cùng chuyên mục